Bước đi phi pháp của Trung Quốc ở Hoàng Sa

Thứ tư, 20/03/2019, 09:01
Trung Quốc vừa ngang nhiên công bố kế hoạch phát triển 3 đảo trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN thành “căn cứ hậu cần quốc gia”.

Trung Quốc gia tăng hoạt động phi pháp trên đảo Phú Lâm

Theo tờ South China Morning Post (SCMP, Hồng Kông) hôm qua, giới chức của cái gọi là “TP.Tam Sa” sẽ tiến hành kế hoạch xây dựng một “thành phố đảo” trên đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng, đều nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN.

“TP.Tam Sa” do Trung Quốc đơn phương dựng lên hồi năm 2012 nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của VN. Phát biểu tại cuộc họp ở đảo Phú Lâm hôm 15.3, bí thư “TP.Tam Sa” Trương Quân ngang nhiên tuyên bố kế hoạch mới nhằm biến 3 đảo nói trên thành một “căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược quan trọng quốc gia”.

“Chúng ta cần quy hoạch thận trọng vì sự phát triển tổng thể của các đảo và bãi ngầm với các chức năng riêng và cân nhắc mối quan hệ tương hỗ giữa chúng”, ông Trương tuyên bố trong một thông cáo, đồng thời nhấn mạnh kế hoạch phát triển mới được tiến hành theo chỉ thị do chính phủ Trung Quốc ban hành hồi tháng 4.2018. Thông cáo không cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch nhưng ngang nhiên nói rằng giới chức “TP.Tam Sa” phải “thực hiện các bước tích cực và thể hiện sáng kiến của họ” để cung cấp “một báo cáo hài lòng” cho giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo SCMP. Trước đó vào ngày 14.3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã một lần nữa khẳng định VN có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.

Trung Quốc công bố kế hoạch phát triển phi pháp mới ở Hoàng Sa trong bối cảnh cộng đồng quốc tế quan ngại về những hoạt động của nước này ở Biển Đông. Hôm qua, SCMP dẫn lời giới phân tích và các nguồn tin ngoại giao cho hay nhiều nước châu Âu sẽ củng cố sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kể cả việc gia tăng hoạt động hải quân, nhằm đối phó các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực. Trong đó, chuyên gia Liselotte Odgaard tại Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ) khẳng định EU có đường lối chính sách nhất quán là phản đối những hoạt động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông và ủng hộ tự do hàng hải ở vùng biển này.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn