Trúng số độc đắc: Đủ chuyện bi hài, khó tin!

Thứ bảy, 30/03/2019, 10:32
Việc tranh chấp vé số trúng thưởng không chỉ khiến người trong cuộc khổ sở mà cơ quan tố tụng cũng phải đau đầu, không biết phải xử sao cho thấu tình đạt lý, từ đó dẫn đến đủ chuyện bi hài, khó tin sau khi trúng số

Có những người thật sự đổi đời sau khi trúng số vì biết kiểm soát đồng tiền và bản thân, song cũng có nhiều người một bước lên mây rồi rơi xuống tận đáy xã hội bởi bỗng dưng có số tiền lớn, thậm chí đánh mất bản thân, bạn trở thành thù…

Xé nát tình thâm

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn và anh Lâm Văn Vui ở thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu là đôi bạn chí thân, 2 người còn kết nghĩa anh em. Hôm ấy, họ tổ chức ăn nhậu và mua vé số. Thế rồi, mối quan hệ của họ tan vỡ sau khi 2 trong số 5 tờ vé số trúng giải đặc biệt.

Theo hồ sơ mà 2 anh em kết nghĩa kéo nhau ra tòa để phân chia 2 tờ vé số trúng giải, trưa 6-10-2015, trong lúc nhậu, anh Tuấn mua 5 tờ vé số loại 10.000 đồng, do Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Bạc Liêu phát hành (mở thưởng cùng ngày). Sau đó, Tuấn đưa cho Vui giữ giùm để "lấy hên". Hôm sau, Vui bất ngờ mang 200 triệu đồng đến đưa cho Tuấn và nói 2 tờ đã trúng giải đặc biệt. Tuấn yêu cầu Vui chia đôi số tiền trúng thưởng nhưng Vui kiên quyết không chia nên Tuấn gửi đơn khởi kiện. Sau quá trình điều tra, Công an tỉnh Bạc Liêu xác định đúng diễn biến câu chuyện như trên và đề nghị người tố giác nên yêu cầu tòa án giải quyết vì đây là vụ tranh chấp dân sự.

Người bán vé số kể về việc tranh chấp giữa anh Tuấn và anh Vui

Tòa sơ thẩm cho rằng Tuấn đưa bạn 5 tờ vé số là trường hợp tặng cho nên số tiền trúng thưởng thuộc về Vui. Song, tòa phúc thẩm lại cho rằng có đầy đủ bằng chứng chứng minh Vui chỉ giữ hộ vé số cho Tuấn nên chấp nhận kháng cáo của Tuấn. Dù được tuyên thắng kiện nhưng Tuấn vẫn chia cho Vui 1 tờ vé số trúng thưởng và được HĐXX chấp nhận. Nghĩa cử đẹp của Tuấn được hàng xóm khen ngợi nhưng họ cũng tiếc cho tình anh em giữa 2 người.

Tiếp xúc với chúng tôi, Tuấn cho biết động cơ muốn chia một nửa giải thưởng cho Vui chỉ vì nghĩ đơn giản đó là "của trời cho" dù 1,5 tỉ đồng là một tài sản lớn. "Trước khi mua vé số, tôi đã nghĩ nếu trúng giải sẽ chia đôi với Vui nên mới đưa anh ấy giữ giùm. Tôi hy vọng sự may mắn của Vui sẽ giúp chúng tôi trúng số, vì trước đó anh ấy cũng vừa trúng số. Tôi tiếc là tình anh em của chúng tôi không bao giờ trở lại được như xưa qua vụ việc này" - Tuấn tâm sự.

Rất khó xác định chủ sở hữu

Việc tranh chấp vé số trúng thưởng không chỉ khiến người trong cuộc khổ sở mà cơ quan tố tụng cũng phải đau đầu vì không biết phải xử sao cho thấu tình đạt lý. Một thẩm phán ở TAND TP.Cà Mau than thở rằng khi đối diện vụ án tranh chấp quyền sở hữu vé số trúng thưởng, rất khó để xác định chính xác ai thật sự là người sở hữu.

"Chuyện tặng cho vé số diễn ra rất phổ biến trong đời sống hằng ngày. Đặc biệt là những trường hợp tặng cho này không bao giờ có hợp đồng bởi giá trị tờ vé số trước và sau khi trúng giải đặc biệt chênh lệch quá xa, dẫn đến tranh chấp. Khi xét xử một vụ tranh chấp vé số, nguồn chứng cứ khả thi nhất chỉ là nhân chứng. Do đó, mọi chứng cứ chỉ tương đối vì lời khai của nhân chứng chưa hẳn đã chính xác với sự thật" - vị thẩm phán băn khoăn.

Có lẽ vì vậy mà mới đây, TAND tỉnh Cà Mau buộc phải đưa ra phán quyết mà nhiều người nghi ngờ rằng chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Đó là xử chia đôi tờ vé số trúng thưởng cho ông Lê Văn Dữ (nguyên đơn) và bà Hứa Thị Phỉ (bị đơn), cùng ở TP.Cà Mau.

Hồ sơ vụ việc cho thấy vào ngày 12 và 13-8-2017, ông Dữ đến nhà vợ chồng bà Phỉ ở xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau nhậu. Tuy nhiên, sau đó đã xảy ra tranh chấp ai là chủ sở hữu tờ vé số trúng giải đặc biệt được mua tại bữa nhậu. Ông Dữ cho rằng đó là tờ vé số mình mua, còn bà Phỉ thì khăng khăng ông này mua nhưng đã tặng lại cho chồng bà là ông Ngô Văn Hậu (ông Hậu bị bệnh tâm thần - PV). Ông Dữ khởi kiện và TAND TP.Cà Mau xử sơ thẩm tuyên ông là chủ nhân tờ vé số, được hưởng toàn bộ số tiền trúng thưởng. Bà Phỉ kháng án, được Tòa án tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm tuyên chia đôi số tiền trúng giải cho hai bên.

Phán quyết này của tòa án được một số người đồng tình song vẫn có không ít người không phục vì buộc phải có kẻ thắng, người thua. Sau vụ tranh chấp, tình nghĩa láng giềng nhiều năm của ông Dữ và bà Phỉ đã chấm dứt.

Trong khi đó, câu chuyện trúng số độc đắc nhưng chẳng may vướng vào vòng lao lý của bà Nguyễn Thị Tuyết (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) từng khiến dư luận xôn xao suốt thời gian dài trước khi kết thúc bằng một phán quyết của phiên tòa phúc thẩm TAND tỉnh Kiên Giang được cho là "mát lòng" nhiều người. Lý do bà Tuyết và những người thân của mình vướng vào vòng lao lý là vì quá bức xúc, dẫn đến việc "gây rối" trước một đại lý vé số nổi tiếng ở TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Bà Tuyết "tố" người đại diện của đại lý này đã đánh tráo tờ vé số trúng giải đặc biệt trị giá 1,5 tỉ đồng mà con trai bà là người may mắn trúng giải.

Vụ án này kéo dài hơn 6 năm (từ tháng 7- 2011 đến tháng 11-2017) qua 2 cấp xét xử và nhiều phiên tòa bị hoãn. Cuối cùng, phần thắng thuộc về nguyên đơn là bà Tuyết.

Khổ sở vì trúng Vietlott

Chị Nguyễn Thị Ánh Đào (ngụ Trà Vinh), hành nghề bán thịt heo, là người đầu tiên ở Việt Nam trúng xổ số điện toán Vietlott hơn 92 tỉ đồng vào năm 2016. Bỗng nhiên có số tiền quá lớn trong tay khiến chị Đào cùng gia đình hoang mang. Thời điểm đó, chị rất khổ sở khi phải trả lời rất nhiều phóng viên đến nhà để tìm hiểu vụ việc.

Sau khi báo chí đăng, nhiều người ăn xin đã vây quanh chỗ chị ở để chờ được cho tiền, gạo. Những ngày sau đó, gia đình chị Đào mất ăn, mất ngủ vì sợ bị trộm cướp. Để tránh né, mẹ chị Đào phải lên tận Lâm Đồng, người cha phải xin tá túc nhà bạn bè. Còn chị Đào thì đóng cửa nhà, đến người thân ở nhờ.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích
  • Cập nhật SXMB nhanh