Thủ phủ hồ tiêu "thất thủ" khi đã vay hơn 4.300 tỉ, nhiều nông dân đi... trốn nợ

Thứ bảy, 30/03/2019, 11:36
Hơn 5.500ha tiêu chết vì dịch bệnh, thêm vào đó giá thành giảm mạnh khiến hàng ngàn người dân trồng tiêu ở Gia Lai lâm vào cảnh lao đao.
Ngày 29.3, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức cuộc họp báo quý I năm 2019 để thông tin một số vấn đề dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNH) chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ mà người dân toàn tỉnh Gia Lai vay trồng tiêu là trên 4.300 tỉ đồng với hơn 26.000 hộ vay. Thực tế, sau khi hơn 5.500ha hồ tiêu bị dịch bệnh chết, thêm vào đó giá tiêu tụt dốc nên nhiều hộ dân không có khả năng trả nợ ngân hàng. Nhiều người dân đã rời khỏi địa phương đi làm ăn xa để... trốn nợ.
Trước tình hình đó, tại buổi họp báo, phóng viên báo, đài đã đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề ngành ngân hàng sẽ xử lý, tháo gỡ dư nợ cho người dân trồng tiêu như thế nào.
Ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh tại Gia Lai trả lời tại họp báo
Ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc NHNN chi nhánh tại Gia Lai, cho biết hiện nay dư nợ cho vay trên toàn tỉnh Gia Lai để đầu tư cây tiêu là khoảng 4.300 tỉ đồng, trong đó có khoảng 2.200 tỉ là nợ xấu. Trước tình hình hơn 5.500 ha tiêu bị chết, giá tiêu giảm mạnh khiến người dân khó có khả năng trả nợ, đi khỏi địa phương, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ.
Theo ông Cư, nếu người vay gặp khó khăn trong việc trả nợ, ngành ngân hàng sẽ cơ cấu thời hạn nợ, trong đó có việc điều chỉnh thời hạn nợ, gia hạn thời hạn nợ. Bên cạnh đó cũng có giải pháp giảm lãi xuất hoặc miễn giảm lãi tiền vay cho người vay. Hoặc ngân hàng cũng xem xét cho người dân vay lại để tái cơ cấu cây trồng…
Trước sự thất bại của ngành hồ tiêu, nhiều người dân muốn khoanh nợ, tuy nhiên ngành ngân hàng chỉ có thể cơ cấu lại, giãn nợ, gia hạn nợ. Còn việc khoanh nợ thì chỉ khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.
Lúc này các ngành có liên quan vào cuộc xác minh, sau đó mới có cơ sở trình lên Chủ tịch UBND tỉnh. Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh phải xin ý kiến Thủ Tướng Chính phủ xem xét việc khoanh nợ. Khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì việc khoanh nợ sẽ diễn ra. Và trong thời hạn khoanh nợ (2 năm) người dân sẽ không phải trả lãi.
“Vấn đề đặt ra ở đây là trong 2 năm đó thì ai sẽ là người trả lãi cho ngành ngân hàng. Trước đây ngân sách Trung ương sẽ trả, nhưng hiện nay cấp nào đề nghị khoanh nợ, cấp đó phải xuất ngân sách để chi trả. Với lãi xuất bình quân 10%/năm, thì 2.200 tỉ đồng nợ xấu sẽ có lãi suất 220 tỉ đồng. Trong 2 năm, số lãi này tăng lên khoảng 440 tỉ đồng. Nếu tỉnh Gia Lai đề nghị khoanh nợ, thì sẽ phải trích ngân sách để trả. Số tiền này là rất lớn đối với ngân sách của tỉnh. Bên cạnh đó, hiện tại không phải thời điểm xảy ra thiên tai, dịch bệnh nên không thể xem xét khoanh nợ cho người dân được”, ông Cư cho biết thêm.
Trước tình hình trên, ông Cư cũng kêu gọi người dân quay về địa phương tiếp tục sản xuất và ngành ngân hàng sẽ luôn đồng hành cùng người dân trồng tiêu để tìm cách tháo gỡ.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn