Cồn cát trên biển Cửa Đại (TP.Hội An, Quảng Nam) nằm ngoài cửa sông Thu Bồn, xuất hiện từ năm 2017 và đến nay diện tích khoảng 15ha; dài hơn 1km; khoảng cách gần nhất từ cồn cát đến đất liền 1,4km.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An kể lại, khi mới hình thành dưới nước thì cồn cát rất nhỏ, đầu năm 2018 nó nổi lên mặt nước và lớn rất nhanh, có thể nhìn thấy hàng ngày. "Để biết được nguyên nhân xuất hiện cồn cát cần phải quan trắc, nghiên cứu dòng chảy, lượng cát mang ra từ trong bờ ra hàng ngày là bao nhiêu...", ông Sự nói.
PGS. TS Vũ Thanh Ca - Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, việc hình thành các cồn cát là "điều bình thường từ xưa đến nay ở các cửa sông, do quá trình tương tác sông và biển".
Cụ thể, dòng chảy sông vào mùa lũ đưa cát ra biển; sóng biển lại đẩy cát từ ngoài vào trong và tương tác giữa hai quá trình này sẽ tạo nên khu vực cồn cát. Với Cửa Đại, những năm trước, sóng trong tiết gió mùa Đông Bắc rất mạnh làm xói lở bờ biển, cát xói lở được sóng đưa ra ngoài hình thành nên cồn cát ngầm song song với bờ. Ngoài ra, dòng chảy ven bờ biển cũng mang cát từ Bắc xuống Nam.
Thông số cồn cát trên biển Cửa Đại. |
Năm vừa qua, gió mùa Đông Bắc không nhiều và mạnh như trước nên lượng cát bị đưa xuống phía Nam ít đi; những đợt gió mùa Đông Nam, Tây Nam xuất hiện cả trong mùa đông lại tạo sóng cùng hướng và vận chuyển cát từ Nam lên Bắc.
Lượng cát này kết hợp với cát do sông Thu Bồn mang ra cửa sông vào mùa lũ sẽ đọng lại tạo thành cồn cát. Sóng tiếp tục dồn cát lên cao; sau đó vào kỳ triều kém, khi mặt cát phơi lên cạn trong thời gian đủ dài và bị khô thì gió lại tiếp tục vun cát khô lên.
"Đó là lý do cồn cát ngày càng cao và lộ ra khỏi mặt nước", TS Ca nói và nêu quan điểm, lượng cát ở cồn này rất quý giá để bảo vệ bãi biển Cửa Đại (lâu nay đang sạt lở), chính quyền không nên cho phép khai thác cồn vào bất cứ việc gì khác.
Cồn cát nhìn từ trên cao. |
PGS.TS Mai Văn Công (Đại học Thủy lợi) - thành viên đoàn công tác Trung ương về khảo sát cồn cát trên biển Cửa Đại - cho hay, đây không phải lần đầu tiên hình thành cồn cát ở khu vực này.
Theo ông, cách đây 40 năm đã có một doi cát tương tự nổi lên nhưng sau đó bị bào mòn."Nguyên nhân chính hình thành cồn cát lần này là trước những mùa mưa bão lớn, bùn cát ngoài biển do triều, sóng đưa vào bồi tụ ở cửa sông; đến mùa khô bùn cát nằm lại, khi gặp trận lũ lớn lại đẩy từ sông ra biển", ông nói.
Ông Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam đề xuất, với cồn cát hình thành tự nhiên, con người không nên can thiệp.
"Chính quyền cần để nguyên cồn cát đó, chỉ khi nào nó lấn về phía đường đi của tàu thuyền thì mới nạo vét", ông nêu quan điểm.
Ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch Quảng Nam cùng đoàn công tác Tổng cục phòng chống thiên tai khảo sát cồn cát. |
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch Quảng Nam cho biết bước đầu tỉnh đưa ra hai hướng xử lý cồn cát trên biển Cửa Đại. Trước mắt, chính quyền để cồn cát tồn tại nhưng phải xem xét, đánh giá sự phát triển và mức độ ảnh hưởng đến tàu thuyền đi lại.
Thời gian tới, nếu cồn cát phá triển theo hướng không phù hợp thì sẽ xử lý nhưng "cách thực hiện phải được tính toán".
"Dự kiến cuối tuần này Đại học Thủy lợi tổ chức hội thảo khoa học bàn về bãi bồi biển Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam sẽ nêu vấn đề để các nhà khoa học trả lời", ông Thanh cho hay.
Ngày 5/4, Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức đoàn khảo sát thực tế cồn cát trên biển Cửa Đại, tuy nhiên chưa đưa ra nguyên nhân hình thành. Cơ quan này cắm mốc trong phạm vi một km để phục vụ cho việc theo dõi diễn biến khu vực bãi bồi. Theo đánh giá quan trắc của các nhà khoa học, trong 5 năm qua, mỗi năm biển Cửa Đại mất khoảng 350.000m3 cát. Dọc bãi biển này bị nước biển xâm thực gây sạt lở nhiều khu nghỉ dưỡng và tỉnh Quảng Nam triển khai nhiều phương án ngăn chặn nhưng không hiệu quả. |
Theo VNE