Chuyển cơ quan điều tra, xử nghiêm cán bộ trong vụ "xẻ thịt" đất rừng Sóc Sơn

Thứ tư, 10/04/2019, 09:01
Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ tám HĐND thành phố Hà Nội sáng 9/4 về vi phạm trong quản lý đất rừng Sóc Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, kết luận của thanh tra Hà Nội đã nêu rất rõ và sẽ xử lý nghiêm khắc nhất.

Chủ tịch Hà Nội cho biết sẽ xử lý nghiêm vụ sai phạm đất rừng tại Sóc Sơn

Làm rõ trách nhiệm

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, Kết luận Thanh tra đã xác định rõ tất cả các vi phạm trong công tác quản lý, vi phạm trong quá trình thực hiện quản lý về đất đai, quy hoạch, đặc biệt là liên quan đến việc xác nhận chuyển nhượng các quyền sử dụng đất rừng Sóc Sơn. Trên cơ sở kết luận đã công bố công khai, thành phố sẽ họp bàn kỹ lưỡng với Thanh tra Chính phủ, đặt ra lộ trình để phân công rõ trách nhiệm cho từng sở ngành, cho huyện Sóc Sơn, cũng như trách nhiệm các đồng chí trong lãnh đạo UBND thành phố để đôn đốc thực hiện nghiêm túc.

Về những trường hợp chuyển cơ quan điều tra, ông Chung cho biết, “cơ quan điều tra sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”. Ông Chung cũng khẳng định, cơ bản Kết luận của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Thành phố không có gì khác nhau. “Những gì Thanh tra Chính phủ đã kết luận rồi thì chúng tôi không kết luận lại”, ông Chung nói.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cho biết, thực tế trong Kết luận Thanh tra Chính phủ từ năm 2006 đã nêu rõ hướng xử lý hàng trăm công trình vi phạm trong rừng Sóc Sơn, yêu cầu huyện Sóc Sơn và các đơn vị liên quan phải tiến hành rà soát các công trình vi phạm. “Thanh tra Chính phủ mở cho hướng công trình nào trong vùng chồng lấn thì phải báo cáo, công trình nào vi phạm thì phải xử lý”, ông Phương nói.

Liên quan đến việc xử lý sai phạm đối với các cán bộ “nhúng chàm” vụ rừng Sóc Sơn, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho hay, vào đầu tháng 4/2019, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, giao Sở thực hiện một số nội dung xử lý, khắc phục sau thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất rừng tại địa bàn Sóc Sơn. Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội giao Sở xác định ranh giới, cắm mốc rừng tại khu vực Sóc Sơn và đặc biệt là kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của
Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Sóc Sơn trong việc làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định đã được nêu tại Kết luận Thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội.
“Hiện Sở đang triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Tôi đã giao cho anh Dũng (Trần Anh Dũng, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội - PV) tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cán bộ liên quan đến sai phạm như kết luận thanh tra nêu. Sở đang làm để tổng hợp, báo cáo với UBND thành phố trước ngày 15/5”, ông Đông nói.

Chưa quyết định cấm xe máy
Liên quan đến đề án hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó có việc cấm xe máy ở Hà Nội, ông Chung cho biết, đề án đã được UBND thành phố trình Kỳ họp HĐND hồi tháng 7/2018 và có lộ trình đến 2030. Ông Chung nêu quan điểm, với thu nhập của người dân Hà Nội cũng như thu nhập của người Việt Nam vẫn đang sử dụng một tỷ lệ xe máy rất lớn. Trên địa bàn thành phố hiện nay có gần 6 triệu xe máy. Cho nên giải quyết cấm xe máy từng khu vực hay hạn chế vào khu vực nào phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng.
“Trong thời gian tới sẽ đánh giá lại toàn bộ và sẽ công khai tất cả những nội dung này. Vừa qua báo chí, một số người bình luận thì đây chỉ là ý kiến cá nhân của đồng chí Giám đốc Sở GTVT thôi chứ chưa phải ý kiến chính thức của UBND thành phố Hà Nội”, ông Chung tái khẳng định.
Liên quan đến quy hoạch bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn thành phố, ông Chung cho biết, trong 3 năm qua, tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, UBND thành phố đã báo cáo Thường trực, Thường vụ Thành ủy thông qua danh mục gần 40 các dự án ngầm, bãi đỗ xe ngầm, kêu gọi các nhà đầu tư đăng ký. Đến nay có 5 nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào bãi xe ngầm. Hà Nội cũng đang thuê một tập đoàn của Nhật để làm quy hoạch ngầm cho thành phố. Về bãi đỗ xe ngầm ở Công viên Cầu Giấy, ông Chung cho biết, Cty Tây Hồ đang nghiên cứu đầu tư.
“Hiện nay họ mới đang thuê tư vấn để khảo sát. Tinh thần thành phố yêu cầu là sẽ xây dựng hệ thống 3 tầng hầm, hoàn trả mặt đất và trồng cây xanh bình thường để cho người dân vẫn đủ điều kiện vui chơi giải trí bên trên. Đó mới chỉ là hướng nghiên cứu, còn thành phố chưa phê duyệt. Trên cơ sở họ nghiên cứu họ trình lên UBND thì chúng tôi sẽ xem xét trong thời gian tới và sẽ công bố công khai quy hoạch chi tiết bãi đỗ xe này cho người dân biết”, ông Chung nói.
Ông Chung cũng khẳng định, dư luận báo chí và người dân e ngại việc “mất công viên” là không đúng vì “thành phố đang tận dụng mọi không gian để trồng cây xanh và phấn đấu tạo ra nhiều công viên để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân”.

Liên quan đến các trường hợp giáo viên hợp đồng trên địa bàn thành phố, ông Chung cho biết UBND thành phố đang chỉ đạo tất cả các quận huyện rà soát lại toàn bộ thực trạng số giáo viên đã, đang nằm trong hợp đồng sẽ phải thi tuyển trong đợt này. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn này, Ban chỉ đạo thành phố sẽ họp để báo cáo thường trực Thành ủy, BCĐ 39 của thành phố nhằm đưa ra một phương án tối ưu nhất.

HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ giá vé đối với người sử dụng dịch vụ đường sắt công cộng trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ 100% giá vé sử dụng cho người có công, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi. Hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, người lao động các khu công nghiệp, người cao tuổi. Hỗ trợ 30% giá vé tháng cho người lao động tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.

UBND thành phố cũng hỗ trợ 100% giá vé cho toàn bộ hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách trong 15 ngày đầu kể từ khi tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông bắt đầu khai thác vận hành thương mại. Theo UBND thành phố, dự kiến mức hỗ trợ gần 14,5 tỷ đồng/năm.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn