Xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn: Huyện ăn bớt hàng trăm công trình sai phạm

Thứ bảy, 23/03/2019, 08:18
Đến năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn mới kiểm tra, rà soát và xác định có 555 công trình vi phạm, nhưng đến nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý. Ngay việc xác định của UBND huyện đã không chính xác, bởi chỉ tính riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí, khu vực ven 7 hồ lớn đã có 797 công trình vi phạm.

Công trình tổ hợp nghỉ dưỡng Hoàng Lê Gia Garden tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí

Báo cáo 555, thanh tra phát hiện 797
Thanh tra thành phố Hà Nội vừa có thông báo kết luận thanh tra đất rừng tại 2 xã Minh Trí, Minh Phú (huyện Sóc Sơn) từ 2008 đến nay và việc thực hiện các kết luận thanh tra trước đó.

Cụ thể đối với việc xử lý công trình vi phạm, UBND huyện Sóc Sơn không tổ chức xử lý 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của UBND thành phố. Do buông lỏng quản lý dẫn đến các công trình xây dựng mới trên đất rừng vẫn tiếp tục tăng, nhiều công trình xây dựng với quy mô lớn trong quy hoạch rừng phòng hộ.
Đến năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn mới kiểm tra, rà soát và xác định có 555 công trình vi phạm, nhưng không kiên quyết xử lý đến nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý.
Đặc biệt, Thanh tra Hà Nội nhấn mạnh, việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơnnăm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Cụ thể, chỉ tính riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí, khu vực ven 7 hồ lớn trong khu vực quy hoạch rừng đến thời điểm hiện nay đã có 797 công trình vi phạm.

Sai phạm trước năm 2017 không phải “cưỡng chế ngay”?
Cho đến chiều 22/3, nhiều lãnh đạo chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan vẫn chưa nhận được kết luận thanh tra. Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, ông chưa nhận được kết luận của Thanh tra Hà Nội. Đối với những vi phạm mà Thanh tra thành phố chỉ ra đối với Sở NN&PTNT, Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng rừng Sóc Sơn, sau khi có kết quả thanh tra, đơn vị sẽ xử lý theo  quy định.
Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc Thanh tra thành phố Hà Nội vào cuộc kiểm tra, xác minh và công khai kết luận thanh tra rất phù hợp. Từ đó chỉ ra được những vấn đề sai phạm ở huyện Sóc Sơn. Chính quyền địa phương không thể bưng bít thông tin mãi được. “Việc kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra là động thái để cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ mọi việc”, GS Võ nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cường - Trưởng thôn Minh Tân (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) tỏ ra không đồng tình với kết luận thanh tra: “Tôi mới chỉ đọc thông tin trên báo chí về kết luận thanh tra, tuy nhiên người dân mong có đầy đủ danh sách của các hộ vi phạm, như thế dân mới có quyền giám sát, đảm bảo công bằng trong xử lý vi phạm”.
Cùng với đó, ông Cường thông tin: Bà con nhân dân tại thôn Minh Tân sẽ tiếp tục khiếu nại lên các cấp chính quyền về kết luận này. Bởi Minh Tân có đặc thù là người dân đi xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước từ năm 1985. Đến năm 2008, chính quyền huyện Sóc Sơn không đo đạc tự ý vẽ rừng phòng hộ trùm toàn bộ vào khu vực dân cư.
“Đây là sự tắc trách của chính quyền khi không cắm mốc giới rừng tại thôn”, ông Cường khẳng định. Thực tế, trong kết luận Thanh tra có nêu việc UBND huyện và các xã cắm mốc giới rừng còn chậm, không đầy đủ. Trong đó có 106 mốc tại thôn Minh Tân chưa bàn giao; hỏng và mất 459 mốc đã cắm (xã Minh Trí mất 165 mốc).
Đối với một số công trình vi phạm lớn được báo chí nhắc đến trước đây, kết luận cho biết 3 công trình lớn là: khu du lịch Thiên Phú Lâm có diện tích 57.500m2 gồm 21 hạng mục như nhà ăn, nhà hàng, nhà ở...; 600m2 nhà ca sĩ Mỹ Linh (xã Minh Phú); 20.000m2 tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden (xã Minh Trí). Tuy nhiên, kết luận thanh tra của Thành phố không đề cập đến công trình “khủng” Việt phủ Thành Chương nằm trên địa bàn xã Hiền Ninh, cũng như một số Villa, biệt thự nghỉ dưỡng quy mô trên địa bàn xã Minh Phú.
Trong phần kiến nghị xử lý sau khi thanh tra đất rừng Sóc Sơn, ngoài kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể, cá nhân qua các thời kỳ từ 2006 - 2018 đã để xảy ra vi phạm, Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ kiến nghị “tổ chức cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017 - 2018 trên địa bàn 2 xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lý vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu”; cũng như “tổ chức cưỡng chế đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017 - 2018 trên địa bàn các xã Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu...”.
Như vậy, các công trình vi phạm trước năm 2017 không nằm trong diện phải “cưỡng chế ngay” và “trả lại nguyên trạng”. Đối với các công trình vi phạm trước năm 2017, Thanh tra thành phố Hà Nội kiến nghị “thiết lập hồ sơ, có phương án xử lý đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích”.
Thành phố Hà Nội cũng vừa ra Thông báo kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn có 10 xã và 1 thị trấn). Kết luận chỉ ra nhiều vi phạm về quản lý quy hoạch; quản lý đất rừng phòng hộ; sử dụng đất, trật tự xây dựng... Tuy nhiên, kết luận không nêu cụ thể trường hợp vi phạm nào.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn