Cuộc sống khốn khó và đói ăn của lao động nhập cư ở Singapore

Thứ ba, 09/04/2019, 19:39
Bữa ăn của người lao động nhập cư tại Singapore thường thiếu dinh dưỡng và đồ ăn không đảm bảo.

Người lao động Bangladesh tại một quán cafe ở khu Little India ở Singapore. Ảnh: Reuters.

Mỗi khi Mominul Hassan gọi điện về cho vợ và các con ở Bangladesh, anh luôn tìm lý do tắt chức năng video để người thân ở nhà không biết anh gầy đến mức nào kể từ khi đến Singapore làm công nhân xây dựng 8 năm trước.

"Nếu vợ nhìn thấy tôi thế này, cô ấy sẽ lo lắng và đòi tôi về nhà. Tôi nhớ nhà nhưng tôi cũng cần kiếm đủ tiền trước khi về", Hassan nói. Người đàn ông Bangladesh năm nay 32 tuổi nặng 55kg, sụt mất 10 cân so với trước khi đến Singapore. Nguyên nhân là do ăn uống không đầy đủ và thiếu chất dinh dưỡng.

Hassan không phải là lao động nhập cư duy nhất ở Singapore rơi vào tình trạng này. Là một trong những nước phát triển nhất trong khu vực châu Á, Singapore đang đối mặt với vấn nạn lãng phí đồ ăn thừa. Thế nhưng lao động nhập cư ở đây lại đói ăn do lương thấp và các doanh nghiệp trong ngành phục vụ thực phẩm sẵn sàng tận thu những người lao động chắt bóp miếng ăn để có tiền tiết kiệm gửi về quê nhà.

Ngành xây dựng của Singapore phụ thuộc vào một lượng lớn các công nhân nước ngoài đến từ Ấn Độ, Bangladesh và Myanmar. Tuy nhiên do chính phủ không quy định mức lương tối thiếu, những công nhân nhập cư này chỉ được trả 13-15 USD cho một ngày làm việc 10-12 tiếng. Hầu hết công nhân sẵn sàng làm thêm giờ để gia tăng thu nhập.

Không có thời gian nghỉ ngơi, nấu nướng và cũng không có đủ tiền để ăn hàng, những người lao động này tìm đến dịch vụ cung cấp các suất ăn cơ bản và giá rẻ. Trên các tờ rơi quảng cáo, lựa chọn này có vẻ hợp lý. Với giá 70-80 USD mỗi tháng, bên dịch vụ giao mỗi ngày ba bữa tới tận nhà trọ và công trường xây dựng. Nhưng trên thực tế, các suất ăn ít ỏi và thiếu chất dinh dưỡng, đôi khi còn bị ôi thiu.

Ví dụ một bữa sáng điển hình bao gồm hai hoặc ba lát bánh mỳ dẹt theo kiểu truyền thống của Ấn Độ paratha hoặc chapatti ăn kèm đậu lăng nấu bơ, hoặc đậu lăng khô và cà ri. Còn bữa trưa và bữa tối thường là cơm trắng với cà ri ăn kèm một phần thịt và một phần rau củ.

Để tiết kiệm chi phí vận hành và tối đa hóa lợi nhuận, bên dịch vụ chế biến toàn bộ đồ ăn trước và khi giao đến tay khách hàng, thành phẩm thường giảm chất lượng và mất ngon. Ví dụ hàng ngày công nhân bắt đầu làm việc lúc 7h sáng nhưng trước đó một tiếng, bên cung cấp đồ ăn đã giao xong cả bữa sáng và trưa.

Theo quy định về an toàn thực phẩm của Singapore, các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống phải dán tem thời hạn sử dụng cho mỗi suất ăn đóng gói sẵn, khoảng 4 tiếng kể từ khi nấu. Họ vẫn tuân thủ quy định nhưng cũng biết các công nhân sẽ không ăn ngay. Và kết quả là đến trưa, công nhân phải ăn những suất cơm đã được nấu từ 6-8 tiếng trước đó. Dưới thời tiết nóng ẩm của Singapore, đồ ăn càng nhanh hỏng.

"Khi người ta giao tới nơi, đồ ăn vẫn còn nóng sốt nhưng đến khi ăn, tôi thấy đã bị hỏng. Thường tôi sẽ bỏ lại khoảng một nửa cơm vì không thể ăn nổi", Hassan nói. Điều nghịch lý nằm ở chỗ những lao động thu nhập thấp như Hassan lại đang góp phần vào vấn nạn lãng phí thức ăn ở Singapore.

Một suất cơm của người lao động nhập cư Bangladesh, bao gồm cơm trắng và rau củ hầm với cà ri. Ảnh: SCMP.

Một suất cơm của người lao động nhập cư Bangladesh, bao gồm cơm trắng và rau củ hầm với cà ri. Ảnh: SCMP.

Ở nhà trọ và công trường không có thiết bị bảo quản thực phẩm nên các suất ăn đóng hộp thường được để ngoài trời. Và theo các công nhân, không ít lần chó mèo đi hoang ăn vụng đồ trước khi họ kịp đụng tới. Còn vào mùa mưa, đồ ăn thường ướt sũng. Không có đồ ăn bỏ vào bụng, nhiều công nhân dùng nước tăng lực để quên đi cơn đói và giữ đầu óc tỉnh táo làm việc.

A. Rajah, người Ấn Độ, đã sống ở Singapore 7 năm cho biết hoàn toàn ý thức được tác hại của các loại thuốc tăng lực về lâu về dài ví dụ như áp huyết cao và tiểu đường nhưng anh Rajah không có lựa chọn nào khác.

"Đồ uống tăng lực rẻ và vị ngọt giúp tôi tỉnh táo", Rajah nói. "Nhưng tôi có phải là người duy nhất đâu. Nếu anh chịu khó đứng bên ngoài các khu nhà ở dành cho công nhân nhập cư vào buổi sáng, anh sẽ thấy vỏ lon nước tăng lực chất đống".

Về phía các công ty cung cấp đồ ăn, bức tranh cũng không sáng màu hơn. Với 1,5 triệu lao động nước ngoài đang làm việc ở Singapore, ngành cung cấp dịch vụ thực phẩm là mảnh đất kinh doanh màu mỡ nhưng cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Các doanh nghiệp đua nhau giảm giá vì biết đối tượng khách hàng họ nhắm đến ưu tiên giá cả hơn chất lượng.

"Cũng giống như mọi ngành khác, anh càng trả nhiều tiền thì chất lượng đồ ăn càng ngon. Đây chẳng phải lỗi của bên cung ứng cũng không phải lỗi của những người lao động", theo Sukkur Maideen, 47, quản lý một căng-tin, một siêu thị và khu nhà trọ cho công nhân.

Một công ty phục vụ 4.000 công nhân ba bữa ăn một ngày, với giá 77 USD mỗi tháng, chia ra mỗi bữa ăn chỉ khoảng 86 cent. "Liệu chỗ nào ở Singapore anh có thể mua được bữa ăn với một phần thịt, một phần rau và cơm với giá đó?", chủ doanh nghiệp hỏi. Một bữa ăn tương tự tại khu ẩm thực vỉa hè ở trung tâm đắt gấp đôi. "Người công nhân ở tình thế khó khăn, họ không có đủ tiền trang trải. Còn chúng tôi là người làm kinh doanh và chúng tôi cũng phải có lãi", doanh nghiệp nói.

Để đáp ứng nhu cầu lớn, các bếp ăn hoạt động 24 giờ mỗi ngày và đủ 365 ngày một năm. Kinh doanh trong một ngành dịch vụ đòi hỏi nhiều nhân lực, các doanh nghiệp cung cấp đồ ăn chịu chi phí vận hành cao, đồng nghĩa với mức lợi nhuận thấp. Một người lao động thời vụ trong ngành này cho biết doanh nghiệp chỉ lãi khoảng 20 cent mỗi suất ăn. Và để tăng lợi nhuận, người ta sẵn sàng dùng nguyên liệu kém chất lượng và gom các suất ăn thành lô để giao hàng. 

Lao động nhập cư làm công việc thu nhập thấp ở Singapore. Ảnh: AFP.

Lao động nhập cư làm công việc thu nhập thấp ở Singapore. Ảnh: AFP.

Nhưng các chuyên gia xã hội cho rằng các doanh nghiệp cung cấp suất ăn đang lợi dụng sự khó khăn của người công nhân. "Lương thấp đồng nghĩa với việc người công nhân không có lựa chọn nào khác ngoài tiêu tiền mua thức ăn càng ít càng tốt để còn có tiền gửi về nhà. Họ sẵn sàng hy sinh quyền lợi và sức khỏe vì tương lai. Chính điều này biến họ thành mục tiêu bị bóc lột", quản lý của tổ chức nghiên cứu về kinh tế nhập cư nói.

Vấn đề miếng ăn, theo nhà hoạt động vì quyền của người lao động Debbie Fordyce, chỉ là mảnh ghép nhỏ trong bức tranh lớn hơn về bóc lột người lao động nhập cư. Sau khi phải trả một khoản phí lớn để kiếm được việc làm ở nước ngoài, thường là các công việc lương thấp và nguy hiểm, người lao động lâm vào tình cảnh nợ nần và họ buộc chấp nhận bị bóc lột.

Theo chuyên gia này, chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm đảm bảo người lao động tiếp cận với dịch vụ thực phẩm đáng tin cậy hoặc xây những khu bếp ăn có đầy đủ đồ dùng cơ bản để người lao động tự nấu. "Lao động nhập cư đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta phát triển. Chúng ta nên đối xử với công nhân nước ngoài một cách nhân đạo, chứ không phải như một nhóm người dễ thay thế và dễ vứt bỏ".

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích