|
Vị trí tỉnh Aomori của Nhật Bản. (Đồ họa: World Atlas). |
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 9/4 triển khai ba tàu chiến và một tàu cảnh sát biển để tìm kiếm xác tiêm kích tàng hình F-35A mang số đuôi 79-8705 bị rơi ở vùng biển cách tỉnh Aomori, Đông Bắc nước này khoảng 135km. Quân đội Mỹ sau đó cũng điều một máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon và một oanh tạc cơ B-52H tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu nạn.
Giới chuyên gia nhận định Mỹ và Nhật Bản đang tìm mọi cách để sớm định vị xác máy bay, trước khi các đối thủ như Nga hoặc Trung Quốc phát hiện xác phi cơ có thể giúp họ nghiên cứu đặc điểm của dòng tiêm kích F-35. "Tương lai sức mạnh không quân Mỹ sẽ rất ảm đạm nếu không nhanh chóng thu hồi được xác máy bay", David Deptula, trung tướng không quân Mỹ về hưu, nhận xét.
Tom Moore, cựu thành viên Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Mỹ, cho rằng Moskva và Bắc Kinh rất muốn thu được một phần hoặc toàn bộ xác chiếc F-35A gặp nạn. Hai nước có thể triển khai tàu ngầm để khảo sát đáy biển nhằm định vị máy bay, sau đó nhanh chóng đưa nó về để nghiên cứu.
Vụ tai nạn tiêm kích F-35A mang đến cơ hội vàng với Nga và Trung Quốc bởi nó bị rơi trên vùng biển quốc tế chứ không ở trong lãnh hải Nhật Bản. Mỹ từng bị rơi một chiếc F-35B, nhưng nó đâm xuống khu vực đất liền gần căn cứ thủy quân lục chiến Beaufort ở bang Nam Carolina.
"Lợi ích từ việc thu thập mảnh vỡ sẽ phụ thuộc vào mức độ hư hại của tiêm kích sau khi lao xuống biển. Hình dạng tổng thể và hiệu suất của máy bay đã được biết đến rộng rãi, các thiết bị như radar hay hệ thống cảm biến sẽ là đối tượng cần ưu tiên thu hồi và nghiên cứu", Justin Bronk, chuyên gia tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh, nói.
|
Tàu chiến Nhật tham gia tìm kiếm xác máy bay sáng 10/4. (Ảnh: Mainichi). |
Hải quân Nga đang sở hữu hạm đội tàu ngầm có khả năng ẩn mình và hoạt động ở độ sâu cực lớn. Mỹ và Nhật có năng lực tìm kiếm cứu nạn rất mạnh, nhưng hoạt động trục vớt chủ yếu dựa vào hai tàu hải quân lạc hậu của Mỹ, trong khi các tàu ngầm hạt nhân chiến lược không phù hợp với hoạt động thu hồi khí tài.
Cho đến nay, thông tin duy nhất về chiếc F-35A là vị trí cuối cùng của nó trước khi biến mất khỏi màn hình radar. Với vận tốc cực cao của mình, chiếc tiêm kích có thể bay thêm nhiều km trước khi lao xuống biển và dòng hải lưu có thể cuốn xác nó đi xa hơn. Mảnh vỡ máy bay cũng có thể xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau.
Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây cho rằng Nga và Trung Quốc khó lòng sao chép toàn bộ công nghệ trên F-35, ngay cả khi thu được xác máy bay tương đối nguyên vẹn.
"Hai nước này chưa có được nền tảng kỹ thuật tiên tiến của Mỹ. Việc sở hữu vật liệu tổng hợp trong động cơ máy bay không đủ để giúp Trung Quốc chế tạo vật liệu tương tự. Các đặc điểm khung thân F-35 cũng không hỗ trợ nhiều cho dự án tiêm kích tàng hình Nga", Bronk nói.
|
Chiếc F-35A số đuôi 79-8705 trong chuyến bay thử nghiệm năm 2017. (Ảnh: JASDF). |
Khả năng tàng hình và hiệu suất hoạt động của F-35 chỉ chiếm một phần nhỏ giá trị với quân đội Mỹ. Giá trị thực sự của nó nằm ở khả năng kết nối mạng, cảm biến dung hợp và hệ thống liên lạc bảo mật.
"Thành phần quan trọng như thiết bị điện tử và phần mềm trên máy bay rất khó tái tạo do bị hư hỏng sau tai nạn và bị ngâm trong nước biển. Các hệ thống nhạy cảm cũng được thiết kế nhằm ngăn chặn nỗ lực giải mã, hoặc đã được thay đổi để phù hợp với việc xuất khẩu", Bronk nói thêm.
Dù vậy, Mỹ vẫn phải đối mặt với một thảm họa bảo mật nếu để Nga và Trung Quốc có được bất kỳ bộ phận nào của chiếc F-35A.
"Chúng ta có thể chứng kiến một trong những chiến dịch trinh sát và phản gián lớn nhất thế giới từ sau Chiến tranh Lạnh. Nga, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đang tham gia cuộc đua tìm kiếm chiến đấu cơ mất tích với mục đích là bảo vệ hoặc hủy hoại sức mạnh không quân Mỹ và đồng minh trong tương lai", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nói.
Theo VNE