Vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở Sơn La, Hòa Bình và một số địa phương trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vẫn đang thu hút sự chú ý của dư luận trong suốt thời gian qua.
Danh sách hơn 20 thí sinh ở Sơn La được nâng điểm được cho là con em của lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Sơn La vẫn đang khiến dư luận xôn xao những ngày qua thì mới đây, danh tính phụ huynh những thí sinh được nâng điểm ở Hòa Bình được tiết lộ khiến dư luận càng thêm bức xúc.
Trả lời PV, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền - Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần phải xử lý nghiêm khắc những cán bộ "chạy điểm" cho con em để làm gương, bên cạnh đó cần công khai, minh bạch trong xử lý gian lận thi cử ở các địa phương, đừng bỏ qua niềm tin của nhân dân bằng thái độ tránh né sự thật thêm một lần nào nữa.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền - Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội bình luận về gian lận thi cử ở Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang. |
Khi nhìn vào danh sách các thí sinh và phụ huynh thí sinh được nâng điểm ở một số địa phương thời gian qua, bà thấy thế nào?
Đó là một sự khủng hoảng niềm tin về công tác giáo dục, về bộ máy quản lý nhà nước, về đạo đức lối sống của xã hội mà nhất là đạo đức, nhân cách của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức, những người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thực thi bảo vệ pháp luật và cải cách đổi mới giáo dục hiện nay.
Không phải chỉ khi lộ ra “danh sách đen” (xin phép gọi như thế) thì tôi mới nhận định như vậy. Trong phát biểu và chất vấn của mình tại nghị trường, tôi đã từng lên tiếng cảnh tỉnh về vấn đề này.
Sau Sơn La, đến lượt danh tính phụ huynh những thí sinh được nâng điểm ở Hòa Bình lộ diện đều là cán bộ lãnh đạo chủ chốt thuộc các sở, ngành đã cho thấy vấn đề này không chỉ còn là hiện tượng cá biệt ở một địa phương mà phải chăng việc này đã trở thành hệ thống?
Tôi nghĩ, chỉ cần một địa phương gây ra sai phạm cũng đã mang tính hệ thống rồi. Bởi việc sai phạm này có sự tham gia của cán bộ lãnh đạo, nhiều nhân sự chủ chốt của cơ quan quản lý nhà nước cũng góp mặt, sự phối hợp cấu kết, ăn rơ với nhau của cán bộ cấp dưới để biến kết quả của kỳ thi quốc gia thành một sản phẩm trái luân lý xem thường pháp luật. Nếu không kịp thời phát hiện thì nó còn lũng đoạn đến cỡ nào.
Một vấn đề quan trọng nữa, nếu sâu chuỗi lại cách thức giải quyết, tinh thần nhận trách nhiệm, xử lý vụ việc của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, bắt đầu từ thời điểm phát hiện sai phạm cho đến hiện tại mới thấy quá sức lo ngại, đáng sợ.
Bóc tách sai phạm ở nhiều góc độ: nhận thức, hành vi, xử lý vi phạm, làm rõ trách nhiệm bộ ngành, địa phương gắn với việc nêu gương của người đứng đầu, giải quyết hậu quả... đều cho thấy lỗi chồng lỗi chất, sai phạm thắt nút như một mạng lưới. Một sai phạm có tính hệ thống như vậy thì quá sức nguy hại cho quốc gia.
Sắp tới Bộ Công an và Bộ GD& ĐT sẽ có phiên giải trình kín trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 nhưng không ít người băn khoăn, thưa bà?
Tôi và không ít cử tri đã rất băn khoăn khi biết được sắp tới sẽ diễn ra phiên giải trình kín của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Tại sao cùng là vụ việc gây chấn động dư luận, như các vụ dâm ô, xâm hại trẻ em thì giải trình công khai, còn vụ việc liên quan đến chạy điểm nâng điểm thì lại làm kín?
Trong khi yêu cầu chung của dư luận, cử tri cả nước là công khai minh bạch quá trình tiếp nhận, xử lý làm rõ vụ việc, thậm chí phải trả lời trước người dân cả nước giải pháp tiếp theo sẽ như thế nào khi mà kỳ thi Quốc gia đang đến cận kề.
Liệu rằng các kết quả của kỳ thi sắp tới có đảm bảo tính công tâm, công bằng hay không khi mà trên thực tế, việc xét tuyển đại học đã cho thấy độ vênh đầy bất công, 1 điểm đậu thủ khoa, 30 điểm rớt đại học?
Xin đừng bỏ qua niềm tin của nhân dân bằng thái độ tránh né sự thật thêm một lần nào nữa!. ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền |
Phải chăng vì có liên quan đến cán bộ lãnh đạo của các địa phương nên phải thận trọng, chặt chẽ, kín kẽ? Nếu như thế, thì càng cần có câu trả lời rõ ràng thẳng thắng trước công luận.
Tôi cho rằng, nếu lấy lý do tổ chức công khai thì các Bộ ngành sẽ khó giải trình, không dám nói hết sẽ càng dẫn đến những tranh luận trái chiều, gây bất bình trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy lực chỉ đạo điều hành của các Bộ ngành, của Chính phủ.
Xin đừng bỏ qua niềm tin của nhân dân bằng thái độ tránh né sự thật thêm một lần nào nữa!
Theo bà, đến thời điểm này Bộ Công an, Bộ GD&ĐT có nên công bố chính thức danh tính thí sinh, phụ huynh thí sinh gian lận điểm thi ở các địa phương?
Tôi cho rằng cần phải công bố. Đây là một vụ án chạy điểm bằng tiền, bằng sức ảnh hưởng của quyền lực gây chấn động dư luận, người dân và các cơ quan truyền thông báo chí quan tâm theo dõi, chờ đợi kết luận của cơ quan điều tra, kết quả xử lý của cơ quan có thẩm quyền trong suốt gần một năm.
Hãy nhìn phản ứng của dư luận xã hội những ngày qua, có muốn cũng không thể che giấu được. Và ai có tên trong danh sách sai phạm này, vô tình hay cố ý cũng cần xác định mình phải chịu trách nhiệm.
Việc công khai minh bạch của “danh sách đen” này có giá trị ở chỗ, nó sẽ củng cố niềm tin của người dân về sự ngay thẳng của cơ quan công quyền. Đừng để nó xuất hiện với lý do “bị lộ” sẽ khó mà giải quyết khủng hoảng.
Tuy nhiên, các vụ việc liên quan đến con người, ở độ tuổi, vị trí, thành phần nào cũng đều ít nhiều có tính nhạy cảm. Đặt trong bối cảnh xã hội mình hiện nay, khi công khai danh tính thì cơ quan chức năng cần có biện pháp bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân nằm ngoài phạm vi của vụ việc.
Việc hầu hết thí sinh được nâng điểm cũng là con, cháu các cán bộ lãnh đạo chủ chốt thuộc các sở, ngành của các địa phương có khiến bà cảm thấy xót xa?
Tôi thấy xót xa vô cùng, bao công sức của đội ngũ quản lý, trí thức có tâm huyết, có năng lực tham gia xây dựng nền móng cho sự phát triển của giáo dục nước nhà từ những viên gạch đầu tiên có nguy cơ đổ sông đổ biển.
Nguy hại hơn, hầu hết thí sinh được nâng điểm cũng là con, cháu của những người có quyền, có tiền đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp giáo dục và phát triển con người, gây ra hệ lụy rất lớn đến nhận thức, lối sống của thế hệ trẻ.
Chính vì một xã hội sính bằng cấp đã làm tha hoá đội ngũ cán bộ, thưa bà?
Phải chăng, chúng ta đang sống trong một xã hội quá chú trọng địa vị bằng cấp nên làm tha hóa đội ngũ cán bộ, ham tiền quyền, cha truyền con nối bằng mọi giá phải đạt được điều mình muốn. Điều đó đã góp phần làm mục ruỗng các giá trị đạo đức, làm trì trệ động lực phát triển.
Giáo dục mang tính nhân văn mà dùng quyền và tiền cướp đi cơ hội của bao người xứng đáng là không thể chấp nhận được. Hiện tại đã như vậy, thì tương lai sẽ ra sao?
Nếu phát hiện ra các cán bộ này cố ý chạy điểm cho con em mình, phải có biện pháp xử lý ra sao, thưa bà?
Cá nhân tôi nghĩ, nếu cán bộ đảng viên mà gây sai phạm, vi phạm pháp luật thì vẫn phải xử lý theo quy định của pháp luật. Thậm chí, để làm gương thì cần phải làm nghiêm khắc, nếu xét thấy có dấu hiệu tham gia hành vi dùng tiền, quyền và mối quan hệ chạy điểm thì trước hết nên tạm đình chỉ để cơ quan điều tra làm rõ. Công tội phải rõ ràng thì mới có thể thanh lọc làm trong sạch bộ máy.
Chúng ta đâu có thiếu những người tài đức, có tâm huyết, năng lực, xứng đáng giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt. Chúng ta chẳng thể tạo dựng một xã hội, một quốc gia phát triển bền vững nếu không lấy con người là gốc, giáo dục làm nền tảng, sự công bình và minh bạch trong quản lý điều hành làm trụ cột. Nói thế để hiểu rằng, tất cả đều do con người.
Các thí sinh đã được nâng điểm cần được xử lý thế nào, thưa bà?
Có thể có nhiều động cơ khác nhau của những người có liên quan trong vụ án nâng điểm này. Vô tình có những thí sinh trở thành nạn nhân của hành vi có động cơ xấu trong mối quan hệ phức tạp của người lớn. Nếu thế, tôi thật lòng bày tỏ sự cảm thông với các thí sinh rơi vào trường hợp này.
Xét cho cùng, chẳng ai có mục đích lấy lòng cấp trên mà lại âm thầm làm việc bợ đỡ mà cấp trên không biết.
Việc xử lý các thí sinh được nâng điểm thì cần phải chiếu theo quy chế thi và quy định của pháp luật. Dù rơi vào hoàn cảnh nào thì không thể thay đổi sự thật, các em là đối tượng đã vi phạm quy chế thi, trên giấy trắng mực đen là tên của các em, số báo danh của các em chứ không phải ai khác, vì vậy vô hiệu kết quả thi là việc bắt buộc.
Thực tế, đã có các trường ngành Công an xử lý rất kịp thời số thí sinh này, các em đã được trả về địa phương, cách giải quyết khắc phục hậu quả tạo sự đồng thuận trong dư luận. Những trường khác, nếu vẫn để các em tiếp tục theo học bằng bất kỳ lý do gì thì đó chẳng khác nào đồng lõa với hành vi đã được xác định là làm trái pháp luật.
Một số em chủ động rút hồ sơ nghỉ học vẫn chứng tỏ các em hiểu chuyện hơn số phụ huynh đang cố tỏ ra mình không biết gì, mình vô can. Dù muộn, nhưng biết sai, biết chấp nhận quay lại, tôi nghĩ chúng ta nên ghi nhận bằng sự bao dung của người lớn.
Điều đó không hề xóa đi cơ hội cho các em, mà chính là tạo cơ hội để các em trở lại là chính mình, học lại từ đầu bằng bài học về thái độ, cách ứng xử, tư duy độc lập trong cuộc sống, không phụ thuộc, ỷ lại, cậy nhờ.
Bằng tốt nghiệp của một trường Đại học danh giá sẽ chẳng có giá trị gì nếu đó là sản phẩm từ sự lừa dối ngay từ xuất phát điểm, càng không thể sánh với quá trình tiếp thu, rèn luyện tri thức trong hành trình làm người.
Đau xót nhất vẫn là những thí sinh đã mất cơ hội cho những người gian lận điểm?
Tôi đã nghĩ rất nhiều đến những thí sinh mất đi cơ hội bước vào trường đại học bằng sự cố gắng nổ lực thật sự, các em và cả gia đình các em đã quá thiệt thòi, quá đáng thương khi phải nhận lấy những bất công.
Việc các em có được công nhận kết quả hay không còn là một câu hỏi lớn, nếu không, thì đó là một sự chấp nhận đầy đắng cay và không hề mong muốn.
Nhưng tôi lo nhất, nếu không xử lý giải quyết hậu quả một cách triệt để, thì không chỉ các em, gia đình các em mà cả xã hội này sẽ hình thành một lối tư duy thỏa hiệp với cái xấu, với sự lộng quyền, bất công, chấp nhận sự phân hóa sâu sắc giữa các thành phần xã hội sẽ rất nguy hiểm.
Môi trường giáo dục không giữ được sự trong sáng, tôn nghiêm, không rèn luyện và hình thành trong học sinh, giáo viên, cán bộ một thái độ sống hướng đến sự công bằng văn minh, tuân thủ và tôn trọng kỷ luật thì làm sao xây dựng và giữ được cái lớn hơn là kỷ cương phép nước.
Xin cảm ơn bà !
Theo VTC