Sri Lanka sẽ điều tra việc bỏ lọt thông tin về nguy cơ khủng bố

Thứ hai, 22/04/2019, 10:51
Thủ tướng Sri Lanka yêu cầu tiến hành cuộc điều tra để xác định vì sao đã có thông tin cảnh báo về nguy cơ khủng bố từ 10 ngày trước vụ đánh bom liên hoàn đẫm máu ngày 21.4, nhưng lực lượng an ninh vẫn không thể ngăn chặn.

Lực lượng an ninh đứng gác bên ngoài nhà thờ Thánh Anthony tại thủ đô Colombo

Theo AFP, 10 ngày trước vụ tấn công, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Sri Lanka, ông Pujuth Jayasundara đã gửi thư cảnh báo cho các quan chức cấp cao, cảnh báo nguy cơ các nhà thờ bị tấn công.
“Một cơ quan tình báo nước ngoài cung cấp thông tin rằng nhóm National Thowheeth Jama'ath (NTJ) đang lên kế hoạch đánh bom liều chết nhắm vào những nhà thờ nổi tiếng và văn phòng cao ủy Ấn Độ ở Colombo”, theo lá thư. NTJ là nhóm Hồi giáo cực đoan ở Sri Lanka dính líu đến vụ phá hoại hàng loạt tượng Phật giáo hồi năm 2018.
“Một số quan chức tình báo nắm rõ vụ việc. Rõ ràng đã có chậm trễ trong hành động”, Bộ trưởng Truyền thông Harin Fernando viết trên Twitter và đăng tải kèm lá thư.
Thủ tướng Ranil Wickremsinghe cũng thừa nhận chính phủ đã nhận được lá thư cảnh báo, nhưng không có phản ứng phù hợp để ngăn chặn, theo tờ The Independent. “Chính vì thế, một cuộc điều tra là cần thiết”, theo ông Wickremsinghe.
Đến sáng 22.4, cảnh sát thông báo có ít nhất 290 người thiệt mạng và 500 người bị thương sau 8 vụ đánh bom liên hoàn tại 4 khách sạn và 3 nhà thờ đang tổ chức thánh lễ vào ngày Phục Sinh tại Colombo và bên ngoài thủ đô, cũng như ở Batticaloa, phía đông Sri Lanka.
Sau đó, quả bom thứ 9, dưới dạng bom ống tự tạo, được phát hiện tại sân bay quốc tế Colombo của Sri Lanka và đội tháo dỡ bom mìn đã gỡ thành công, nhưng an ninh tại đây vẫn tiếp tục được thắt chặt.
Bên trong nhà thờ Thánh Sebastian tại thị trấn Negombo (phía Bắc thủ đô Colombo) sau vụ đánh bom
Ít nhất 13 nghi phạm đã bị bắt và giới hữu trách tiếp tục săn lùng nghi phạm. Hiện vẫn chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng chính phủ xác nhận tất cả những đợt tấn công là đánh bom liều chết và do cùng một nhóm thực hiện.
Theo báo cáo của chính phủ, Sri Lanka có dân số 21,44 triệu người, với khoảng 70% theo Phật giáo, 12,6% đạo Hindu, 9,7% Hồi giáo và 7,6% Công giáo.
Kể từ khi lực lượng ly khai Hổ Tamil bị đánh bại và nội chiến kéo dài 25 năm kết thúc hồi 2009, đất nước Nam Á chưa từng hứng chịu bất kỳ vụ tấn công nào liên quan đến những nhóm Hồi giáo cực đoan nước ngoài.
Tuy nhiên, một công dân Sri Lanka (37 tuổi) thiệt mạng hồi năm 2016 trong lúc tham gia tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Hồi tháng 1, cảnh sát đã tịch thu một lượng lớn thuốc nổ gần khu bảo tồn động vật hoang dã sau khi bắt giữ 4 người đàn ông thuộc một nhóm Hồi giáo cực đoạn mới thành lập.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn