TS Nguyễn Khánh Trung, Trưởng dự án Giáo dục Emile Việt, băn khoăn không rõ lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhận thức như thế nào về các sự việc gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, bởi các động thái của lãnh đạo bộ này và các cục, vụ liên quan chưa thể hiện rõ trên truyền thông.
Theo TS Trung, với những nhà giáo dục thì chuyện này rất nghiêm trọng, vì nó không chỉ là những sự cố ảnh hưởng tới tính nghiêm minh của một kỳ thi cụ thể, với bao nhiêu em đó đỗ thành trượt, điểm giả trở về với điểm thật, mà nó phản ánh một thực tế nghiêm trọng hơn nhiều: quan điểm lệch lạc của nhiều người dân, thể hiện qua các vị phụ huynh “chạy điểm” cho con, trong xã hội về giáo dục.
“Câu chuyện này phản ánh não trạng của nhiều người trong xã hội về giáo dục. Họ hiểu rất sai về giáo dục khi chỉ quan tâm tới việc làm sao con mình đạt được điểm cao. Họ cho rằng có thể tìm được chỗ đứng tốt cho con mình nhờ điểm số đó bất chấp mọi giá, kể cả bằng cách làm đen tối. Vì quan điểm về giáo dục lệch lạc như thế mà họ sẵn sàng thực hiện những hành vi phản giáo dục mà “chạy điểm” chỉ là một biểu hiện”, TS Trung bức xúc, và cho rằng đáng ngạc nhiên hơn cả là cách thể hiện vai trò, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT về vấn đề này trong bối cảnh dư luận cả nước ồn ào bàn tán trong suốt một thời gian dài vừa qua.
“Mặc người dân tranh cãi nhau về việc công khai danh tính thí sinh, phụ huynh hay không, rồi đuổi hay không đuổi... tôi không nhìn thấy ở đâu có biểu hiện là Bộ GD-ĐT quan tâm về việc này. Nếu có thì chỉ thấy nói rằng giao cho các trường đại học quyền tự chủ, giao cho địa phương quyền xử lý. Câu chuyện nghiêm trọng với hệ thống giáo dục như thế, đáng lý ra Bộ GD-ĐT phải là nơi đầu tiên lên tiếng cho công luận biết là mình sẽ làm thế nào, nơi đầu tiên lên tiếng trước khi dư luận cãi nhau về các vấn đề trên, nhưng có vẻ như họ quá thụ động. Không ai biết quan điểm của Bộ GD-ĐT thế nào, và tại sao họ lại bàng quan như thế? Họ trốn trách nhiệm, hay họ không nhận thức đúng nguy cơ? Nếu không nhận thức đúng nguy cơ thì tôi cho rằng đó mới thực sự là tai hại. Nền giáo dục được lãnh đạo bởi những người không có quan điểm đúng đắn về giáo dục thì con em chúng ta sẽ được đưa đến đâu trong tương lai?”, TS Trung lo lắng.
Lãnh đạo Bộ đang nợ một lời xin lỗi
TS Hoàng Ngọc Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp, cũng cho rằng lẽ ra Bộ GD-ĐT phải lên tiếng mạnh mẽ hơn, không phải bởi trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, mà còn bởi ngành GD-ĐT sẽ là “nạn nhân”, nếu các cơ quan chức năng giải quyết không nghiêm khắc sự việc này.
Theo TS Vinh, việc mà Bộ GD-ĐT giao cho các Sở GD-ĐT Hòa Bình, Sơn La tự đi giải quyết với các trường ĐH, còn các trường ĐH tự lên phương án xử lý (mà các phương án xử lý này lại gây tranh cãi, chẳng hạn như đuổi học hay không đuổi học các thí sinh điểm thi sau gian lận vẫn còn cao), và cho rằng đó là phân cấp, chính là một cách trốn tránh trách nhiệm. “Anh phân cấp là giao quyền, nhưng anh vẫn phải quản lý. Khi xảy ra những sự việc nghiêm trọng thì anh phải thể hiện cái quyền và trách nhiệm quản lý đó. Anh phải thể hiện được ý chí, được thái độ của anh một cách dứt khoát. Nếu có việc gì anh cũng đá quả bóng cho các ngành khác hay cho địa phương thì Bộ GD-ĐT tồn tại để làm gì?”, TS Vinh đặt vấn đề.
Với các lập luận trên, TS Vinh cho rằng lãnh đạo Bộ GD-ĐT đang nợ công luận một lời xin lỗi. Hoặc ít ra, không đủ can đảm để nói lời xin lỗi thì cũng phải đưa ra được những lời giãi bày, vì đã gây mất lòng tin cho người dân vào hệ thống giáo dục.
Theo Thanh Niên