Cử tri hỏi về trách nhiệm vụ gian lận thi cử, Bộ GD&ĐT "né" trả lời

Thứ năm, 09/05/2019, 10:07
Cử tri rất nhiều tỉnh đề nghị nêu rõ trách nhiệm trong vụ gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay song Bộ GD&ĐT trả lời chung chung, chưa cụ thể trách nhiệm.

Sáng 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện đã tập hợp được gần 2.300 kiến nghị.

Bất bình về gian lận thi cử

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bà Hải dẫn ý kiến của cử tri Hà Nội cho rằng, việc Bộ GD&ĐT luôn thay đổi đề án thi THPT Quốc gia và xét tuyển sinh đại học làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và học sinh. Cử tri đề nghị có giải pháp lâu dài để khắc phục bất cập.

Cử tri nhiều địa phương khác bày tỏ sự bất bình trước hiện tượng gian lận trong thi cử xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La. Họ yêu cầu Bộ GD&ĐT cho biết trách nhiệm trong vấn đề này và các giải pháp khắc phục hậu quả.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.

Trong phần đánh giá về việc trả lời kiến nghị cử tri, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhận định một số văn bản trả lời cung cấp thông tin, giải trình các vấn đề mà cử tri nêu còn rất chung chung.

Đặc biệt, còn trả lời theo kiểu "đang chỉ đạo giải quyết” mà chưa đi thẳng vào vấn đề mà cử tri phản ánh, không nhận trách nhiệm của các Bộ, ngành mình trong công tác quản lý hoặc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực mà cử tri kiến nghị nên còn thiếu thuyết phục.

Điển hình, khi cử tri các tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắc Lắk, Hải Phòng, Hà Nội, Yên Bái, Tây Ninh... đề nghị Bộ GD&ĐT cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước và giải pháp khắc phục hậu quả trong các vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, thì Bộ lại chủ yếu nêu những giải pháp điều chỉnh, bổ sung trong kỳ thi sắp tới.

Bộ trả chung chung, không xử lý trách nhiệm cá nhân

Về trách nhiệm của Bộ trong bê bối gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay, bà Hải cho biết Bộ GD&ĐT chỉ nêu "ngoài nguyên nhân thuộc trách nhiệm trực tiếp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với việc tổ chức thi tại địa phương, còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức thi".

Như vậy, Ban Dân nguyện đánh giá Bộ GD&ĐT chỉ trả lời rất chung, chưa nêu rõ trách nhiệm cụ thể của Bộ trong công tác quản lý nhà nước của mình khi để xảy ra vụ việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay.

Đặc biệt về trách nhiệm của Bộ trong việc ban hành các quy định về chấm thi, quản lý bài thi... chưa khoa học, còn sơ hở chưa đảm bảo chặt chẽ, công khai nhưng không được thường xuyên rà soát, kiểm tra rút kinh nghiệm từ các kỳ thi trước.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức kỳ thi tại các địa phương còn hình thức, thiếu hiệu quả nên không chủ động phát hiện được sai phạm, nhưng cũng chưa thấy Bộ Giáo dục nhận trách nhiệm trong vấn đề này.

Bên cạnh đó, theo Trưởng ban Dân nguyện, Bộ GD&DT chưa nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định làm căn cứ để xử lý đối với kết quả thi của các thí sinh được nâng điểm... nên còn lúng túng trong việc hướng dẫn các trường ĐH xem xét kết quả của các thí sinh gian lận điểm thi này.

Đặc biệt, việc xử lý các cá nhân tập thể của Bộ trong việc để xảy ra những tiêu cực thi cử hoàn toàn không được nhắc đến trong các văn bản trả lời cử tri.

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, cho đến nay Bộ đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia để hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi. Ngày 4/12/2018, Bộ ra thông báo nêu rõ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 vẫn giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm 2017 và năm 2018; đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để hạn chế, bất cập, đặc biệt là hiện tượng gian lận, đảm bảo tổ chức kỳ thi được khách quan, an toàn, nghiêm túc.

Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, Bộ cơ bản giữ nguyên phương án xét tuyển như năm 2017 và năm 2018.

Bạo lực học đường diễn ra ngày càng nghiêm trọng

Theo Ban Dân nguyện, bạo lực học đường là vấn đề đã được cử tri nhiều địa phương đề cập qua một số kỳ họp, đồng thời cũng đã được kiến nghị tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, yêu cầu Bộ GD&ĐT kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường

Nhưng thực tiễn cho thấy, dù Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều biện pháp, hiệu quả còn chưa cao nên tình trạng này ngày càng diễn ra với mức độ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý học sinh và phụ huynh.

Điển hình như vụ việc nữ sinh lớp 9 ở trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) bị 5 bạn cùng lớp hành hung dã man ngay tại lớp học, quay clip đưa lên mạng gây phẫn nộ trong xã hội.

Theo Zing

Các tin cũ hơn