Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trả lời cử tri. |
Chiều 7/5, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng 3 ĐBQH khác đã tới quận 3 để tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14.
Phản ánh về tình trạng tham nhũng, cựu chiến binh Trần Quang Thái cho rằng, chữ “phòng chống tham nhũng không xứng đáng với tầm vóc dân tộc Việt Nam – một dân tộc từng đánh bại 2 đế quốc và tay sai”. Theo ông chữ này “nhẹ quá, giống như phòng chống bệnh”.
“Mong có một ngày nào đó rất gần, rất gần thôi, đồng tiền người dân làm ra phải trở về với người dân. Tôi cũng đề nghị có Đại biểu nào dũng cảm đề xuất Quốc hội bỏ chữ “Luật phòng chống tham nhũng” và thay bằng “Luật tiêu diệt tham nhũng”. Như vậy mới xứng đáng” – ông Thái nói.
Theo ông Thái, những người tham nhũng “trên cả kẻ thù, nặng tội hơn quân xâm lược, vì chúng uống máu của cả dân tộc”, do vậy hình phạt phải thật nặng mới đủ sức răn đe. “Mọi thời đại, trên không nghiêm thì dưới tất loạn” – ông Thái bức xúc.
Đồng quan điểm, cử tri Lê Thanh Tùng cho rằng, “mất lòng tin là mất tất cả”. Do vậy, cần “đánh mạnh vào tham nhũng để tạo lòng tin cho người dân, và ai sai cứ đánh”.
Còn cử tri Nguyễn Hữu Châu thì nhận định: “Tham nhũng và cơ hội chính trị đang phá hoại đất nước, làm suy yếu chế độ, do đó phải làm đến cùng các vụ trọng án vì đó là đòi hỏi chính đáng của nhân dân”.
Đáp lại chất vấn của cử tri, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, ông “hoàn toàn đồng tình" và nhấn mạnh không có vùng cấm trong chống tham nhũng. Thậm chí có những người bị xử nhiều tội nếu phạm tội ở nhiều giai đoạn khác nhau.
Về phát biểu của cử tri Thái, Bí thư Nhân cho biết “rất hoan nghênh tinh thần”, nhưng ông cũng chia sẻ rằng “trên thế giới chưa có nước nào dám nói rằng nước họ không có tham nhũng”.
“Đó là căn bệnh của một xã hội phát triển, vấn đề là chúng ta giảm đi ở mức độ nào” – ông Nhân nói.
Về đề xuất đổi tên Luật Phòng chống tham nhũng, ông Nhân cũng cho biết: “Đây là một đề xuất, khi nào Quốc hội bàn sẽ đưa ra, còn chọn hay không Quốc hội phải biểu quyết”.
Cũng trong buổi tiếp xúc, cử tri còn đề cập đến vụ sàm sỡ tại thang máy ở Hà Nội và vụ dâm ô trẻ em tại một chung cư ở quận 4, TP.HCM. Các ý kiến cho rằng hình phạt quá nhẹ, chưa thể hiện được tính răn đe và cũng chưa bảo vệ được trẻ em cũng như nhân phẩm người phụ nữ.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, cần hoàn chỉnh luật theo hướng xử nghiêm hơn, bởi hiện nay việc xử lý liên quan đến xác định hậu quả trong khi việc đo lường hậu quả “không phải dễ”, đặc biệt là thiệt hại về tinh thần.