Trung Quốc báo động quân đội sau khi tàu chiến Mỹ tuần tra ở Trường Sa

Thứ ba, 07/05/2019, 15:10
Quân đội Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đối phó hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.

Tàu khu trục USS Preble hoạt động trên biển hôm 18/4. Ảnh: US Navy.

Đại tá Li Huamin, phát ngôn viên Chiến khu Nam Bộ quân đội Trung Quốc (PLA), hôm nay tuyên bố lực lượng quân sự nước này sẽ được đặt trong "tình trạng báo động cao" và sẽ "áp dụng mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ cái mà Bắc Kinh gọi là "chủ quyền quốc gia", sau khi hai tàu chiến Mỹ tuần tra tự do hàng hải gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.

Li không nói rõ các "biện pháp cần thiết" này là gì, nhưng cho biết PLA đã triển khai nhiều tàu chiến và máy bay để "xua đuổi" tàu khu trục USS Preble và USS Chung Hoon của hải quân Mỹ khi chúng tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép tại đá Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 6/5.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng chiến dịch tuần tra tự do hàng hải này của hải quân Mỹ là "hành động khiêu khích" và yêu cầu Washington chấm dứt các hoạt động tương tự. Trong khi đó, quân đội Mỹ khẳng định hành trình "đi qua vô hại" của hai chiến hạm trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Ga Ven và Gạc Ma là "nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng và duy trì quyền tự do đi lại trên biển theo luật pháp quốc tế".

"Các lực lượng Mỹ hoạt động hàng ngày ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông", trung tá Clay Doss, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Mỹ, nói. "Mọi chiến dịch đều được tiến hành phù hợp với luật quốc tế và cho thấy Mỹ sẽ hoạt động trên các vùng trời, vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép. Đây là những gì diễn ra trên Biển Đông cũng như bất kỳ nơi nào trên thế giới".

Doss khẳng định chiến dịch tuần tra tự do hàng hải của hải quân Mỹ là "hoạt động thường lệ" và "không nhắm vào quốc gia nào, cũng không thể hiện tuyên bố chính trị nào".

Đây là hoạt động mới nhất của hải quân Mỹ nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và nỗ lực hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông của Trung Quốc. Đá Ga Ven và Gạc Ma nằm trong số 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cải tạo thành đảo nhân tạo.

Vị trí các bãi đá bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo ở Trường Sa. (Đồ họa: Thư viện Quốc hội Mỹ).

Trung Quốc cũng thúc đẩy hoạt động quân sự hóa tại các đảo nhân tạo này, xây dựng nhiều cơ sở quân sự và các đường băng đủ khả năng tiếp nhận tiêm kích và oanh tạc cơ hạng nặng.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, hải quân Mỹ tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Hồi đầu tháng 1, tàu khu trục USS McCampbell cũng áp sát quần đảo Hoàng Sa để thách thức những yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.

Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.

Theo VNE

Các tin cũ hơn