|
Giữa "bão giá", một nữ công nhân tiết kiệm bằng món đậu hủ chiên thay vì thịt, cá |
Mang cá khô từ quê vào ăn để đỡ tiền chợ
Theo ghi nhận của PV , tại một xóm trọ công nhân ở tổ 24, khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, Q.12, đã tầm 6 giờ tối nhưng những hành lang vẫn tù mù, rất ít đèn được bật. Khi hỏi lý do, nhiều người dân trong xóm ngán ngẩm: “Điện tăng quá, đợi tối hẳn rồi mới mở đèn, đỡ được đồng nào hay đồng nấy”.
Cắt giảm mọi chi tiêu không cần thiết đã trở thành câu chuyện chung của công nhân ở các xóm trọ. Thuộc tầng lớp thu nhập thấp, trung bình, những gia đình làm nghề công nhân càng khổ sở từ khi có thông báo giá điện tăng, giá xăng tăng gần 1.000 đồng/lít (dù đã tăng 2 lần trước đó, trong vòng chưa đầy 30 ngày).
Một xóm trọ công nhân đợi trời tối hẳn mới bật đèn bên ngoài để bớt đi chút tiền điện. Nhiều người cũng chọn cách ra ngoài ngồi để đỡ xài quạt trong nhà vì nóng nực |
Nhiều công nhân than thở vì tất tần tật mọi thứ đều tăng giá, trừ... lương |
Trong căn phòng trọ nhỏ khá oi bức, vợ chồng anh Hà Văn Tình (30 tuổi) và chị Lê Thị Hiền (27 tuổi) cùng 2 con cùng ngồi dùng cơm tối. Bữa cơm vỏn vẹn dĩa cá kho, cá khô, dưa cải và tô canh rau lõm bõm nước. Hai đứa trẻ tỏ ra chán ngán khi nhiều ngày phải ăn món khô cá cứng còng.
“Trước tiền ăn nhà tôi cao lắm là 150 nghìn/ngày, nhưng từ lúc xăng cộ, điện đóm lên giá, đành phải giới hạn con số lại còn 100 nghìn thôi, không ấy sẽ bị hụt tiền liền. Khô cá này là tôi mang từ Thanh Hóa vào hồi dịp về nghỉ lễ mới đây, nhà sát biển nên mẹ mua rẻ cho cả đống, mang vào để dành ăn, đỡ tiền chợ. Vợ chồng tôi thì không sao, chỉ tội mấy đứa nhỏ đang tuổi lớn mà ăn uống không đủ, không ngon”, chị Hiền bộc bạch.
Chị Hiền là công nhân may trong một công ty ở Bà Điểm (Hóc Môn). Còn anh Tình làm thuê đủ nghề. Hai vợ chồng gắng “cày cuốc” chỉ kiếm được khoảng trên 10 triệu đồng/tháng. Bài toán chi tiêu khó khăn được anh Tình kể lại: “Tiền nhà 1,6 triệu; điện nước trên 500 nghìn; 2 đứa nhỏ lớp lá và lớp 1 “ngốn” tiền học hành hơn 4 triệu; chợ búa cắt giảm lắm cũng tới 3 triệu/tháng; còn chưa kể tiền cưới hỏi, ma chay. Tính tới tính lui là hết trơn, làm hoài chẳng dư được. Giờ xăng lên, điện lên, không tính toán kỹ khéo còn thiếu hụt nữa là đằng khác”.
“Tính toán kỹ” đến nỗi anh Tình từ việc hút thuốc lá 1 gói/ngày, nay chỉ cắt giảm còn nửa gói/ngày! Còn chị Hiền, do “đầu tắt mặt tối” tăng ca ngày đêm đã chẳng mấy khi dùng tới mỹ phẩm, nay vật giá “leo thang” lại càng không. Thậm chí, để tiết kiệm điện, vợ chồng chị còn tự quy định “chỉ cần vừa coi xong tin “60s” là tắt ti vi luôn, ngày nào cũng vậy”.
Gia đình chị Hiền quây quần bên mâm cơm trong căn phòng trọ nhỏ xíu sau giờ tăng ca mệt nhọc |
Với nhiều gia đình công nhân, bữa cơm thế này đã được xem là rất đầy đủ |
Những đứa trẻ nhà chị Hiên chỉ loanh quanh trong nhà ngày cuối tuần vì không có điều kiện được ba mẹ dắt đi chơi |
Các loại khô là thức ăn quen thuộc của công nhân vì rẻ và có thể để được lâu |
Một đứa trẻ tỏ ra chán ăn vì phải thường xuyên ăn món khô |
Chủ nhà trọ lỗ nặng khi điện đột ngột tăng giá vào giữa tháng
Bà Võ Thị Trọng, tổ trưởng tổ dân phố 24, phường Trung Mỹ Tây, Q.12, đồng thời là chủ khu trọ dành cho công nhân với hơn 40 phòng cho biết: “Đời sống công nhân trong những khu xóm trọ rất khó khăn, nhất là trong cảnh “bão giá” như vầy, nên tôi cũng luôn cố gắng hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ. Nhất là đảm bảo việc học hành cho những đứa trẻ. Gần chục năm rồi, giá thuê trọ tôi chỉ tăng so với ban đầu có vài trăm nghìn. Vừa qua điện đột ngột tăng giá từ 20.3, lỡ cỡ quá nên tôi giữ nguyên giá cũ, đến tháng sau mới tăng nhẹ 200 đồng/kWh. Có chục ngày lỡ cỡ đó mà mất 11 triệu đó”.
|
Theo Thanh Niên