|
Mái vòm hình oval 3 lá độc đáo làm từ vôi rơm của nhà thờ Bùi Chu. |
Nếu được bảo tồn, trùng tu tốt, nhà thờ Bùi Chu có thể đứng vững bao nhiêu năm nữa theo dự đoán của ông?
Làm sao mà nói được. Cái dự án họ đang thực hiện đang nằm ở các cơ quan quản lý ngành xây dựng của tỉnh, tôi không biết. Để trả lời câu hỏi này tôi phải được xem dự án. Rõ ràng là công trình này đang xuống cấp, có bệnh phải chữa trị, phải tu bổ. Tốt nhất là nên chữa trị theo bài bản của bảo tồn. Nhưng điều này khó thực hiện vì nhà thờ Bùi Chu không nằm trong diện quản lý nhà nước về di sản.
Đây là công trình có giá trị đặc biệt về phương diện lịch sử, văn hóa, kiến trúc, đặc biệt phản ánh sự cộng sinh của kiến trúc nhà thờ phương Tây với kiến trúc truyền thống Việt Nam. Nhà thờ Bùi Chu là một dấu ấn tất nhiên không được đậm đà, nhuần nhị như nhà thờ Phát Diệm nhưng cũng có nhiều giá trị.
Vậy có gì đáng lưu ý trong việc bảo tồn công trình đặc biệt này, thưa ông?
Nếu bằng cách nào đó nó được tu bổ để khắc phục bệnh tình, tương thích với những quan điểm bảo tồn, ứng xử với di sản văn hóa thì rất tuyệt vời. Mong muốn của tôi là làm sao cải thiện tình trạng kỹ thuật, đảm bảo an toàn để công trình phát huy được tất cả những nét đẹp, giá trị của nó trong cuộc sống đương đại.
Đúng nhất, nên trùng tu trên cơ sở giữ lại tối đa yếu tố gốc, giữ lại tối đa những giá trị lịch sử, kiến trúc, những đặc điểm nổi trội. Nhưng hiện nay tôi thấy chủ sở hữu nhà thờ đã và đang làm theo cách của họ rồi. Để họ làm tiếp hay không là việc của chính quyền và của bên Thiên Chúa giáo, mình không nói được. Ước mong của tôi là làm sao vẫn có đủ thời gian và khả năng để làm mấy việc sau đây.
Thứ nhất là nên có một cuộc đánh giá thật kỹ thuật, chuyên môn, toàn diện về tình trạng bệnh lý của công trình. Đánh giá tất cả những gì hư hỏng mang tính chất thách thức, báo động, các mức độ nặng nhẹ khác nhau, cái gì là trọng tâm trọng điểm, phải ưu tiên trong tu bổ. Cố gắng hạn chế sự thay thế, hạn chế can thiệp quá mạnh mẽ làm biến đổi công trình. Cố gắng giữ lại những đặc điểm cơ bản về tổ chức không gian, hình hài cơ bản, đặc điểm cấu tạo trang trí. Thay thế trong trường hợp bất đắc dĩ cái gì thực sự hỏng, cái gì cần thiết phục chế thì phục chế.
Đặc biệt, việc hạ giải định vào ngày 13/5 nên theo kiểu chữa bệnh điều trị, chứ không phải hạ giải ồ ạt, phá sạch đi, sau đó bắt đầu làm theo trí nhớ, mong muốn hay tưởng tượng. Phải hạ giải từng phần, vừa làm vừa quan sát, nghiên cứu, đồng thời cố gắng cứu vãn những gì còn có thể. Như người ta chữa trị một bệnh nhân ấy. Tôi hiểu có đúng thế không, nhưng nếu hạ giải sạch sành sanh xong làm lại thì nên tránh.
Đây là công trình quý hiếm nằm trong hệ thống những công trình quý hiếm của kiến trúc Thiên Chúa giáo ở Việt Nam. Làm sao có những hồ sơ để nay mai ta sẽ tu bổ nhà thờ Phát Diệm hay các nhà thờ khác. Nên dành thời gian để lập hai hồ sơ. Thứ nhất hộ sơ hiện trạng của công trình ghi chép thật khách quan, đầy đủ. Thứ hai là hồ sơ bệnh lý để mình chữa. Nên dành ít thời gian nếu có thể để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, có cách giải quyết thấu đáo hơn, với một công trình có giá trị nhiều phương diện.
“Tôi cảm giác ngăn lại thì không được nhưng nên có sự can thiệp về chuyên môn làm sao để công cuộc tu bổ nhà thờ Bùi Chu vẫn cải thiện được tình trạng kỹ thuật, tình trạng thẩm mỹ của công trình, đồng thời vẫn giữ lại tất cả những giá trị cơ bản về nhiều phương diện”. GS.TS.KTS Hoàng Ðạo Kính |
Nhân dịp này, chúng ta cũng nên quan tâm tới các nhà thờ cùng niên đại, ít ra trong việc lập hồ sơ kỹ thuật, thưa ông?
Chuyện này không dễ giải quyết. Có nhiều lý do vì sao kiến trúc nhà thờ không vào diện để công nhận di tích… Thứ hai, kiến trúc Thiên Chúa giáo ở Việt Nam đặc biệt nhưng ít được nghiên cứu, chưa nói kiểm kê hay điều tra, hồ sơ hóa. Vấn đề này lớn lắm.
Kiến trúc nhà thờ Thiên Chúa giáo đã định hình từ lâu rồi ở phương Tây, khi thâm nhập Việt Nam thích ứng và tiếp thụ điều kiện tự nhiên, tài nguyên, đặc biệt là văn hóa và kiến trúc cũng đã định hình của người bản địa. Kiến trúc rất bảo thủ, định hình của phương Tây nhất là Thiên Chúa giáo vào đến đây lại hấp thụ, cộng sinh với một nền kiến trúc gỗ cũng hết sức “cứng nhắc”. Biểu hiện thực sự đặc sắc, sáng tạo chính là nhà thờ Phát Diệm. Và khoảng chục nhà thờ khác ở Thái Bình, Hà Nam… Họ lồng công năng của công trình kiến trúc Thiên Chúa giáo vào khuôn khổ kiến trúc gỗ Việt Nam rất đáng quý. Đây là một hiện tượng văn hóa lịch sử rất đáng để chúng ta nghiên cứu tìm hiểu, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Dường như trong đời sống hiện đại, các công trình tôn giáo đều có nhu cầu mở rộng quy mô, không riêng gì trong Thiên Chúa giáo. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Tôi nghĩ trên đời các loại công trình kiến trúc đều thay đổi theo nhu cầu của thời đại, theo khả năng của chất liệu, vật liệu, của khoa học công nghệ. Bây giờ ta không thể tiếp tục ngôi chùa năm gian hai chái được nữa, vì nhu cầu xã hội, dân đông gấp mười lần ngày xưa. Thứ hai, chùa không còn đứng trong khuôn khổ làng nữa rồi. Nhà thờ trong Nam sau 1954 hay nhà thờ châu Âu cũng thế, giờ làm hiện đại nhiều lắm. Cho nên vấn đề này mình phải bàn sâu, bàn nhiều. Không nên áp đặt nhà thờ dứt khoát phải là gothic (phong cách kiến trúc châu Âu hưng thịnh vào thế kỷ XVIII với mái vòm nhọn là đặc trưng - PV) hay như nhà thờ Đức Bà ở TP.HCM. Cái gì cũng thay đổi cả, chỉ có Phật vẫn là Phật, Thánh vẫn là Thánh thôi.
|
|
KTS Hoàng Ðạo Kính tại triển lãm tranh do ông sáng tác vào năm ngoái. |
Ðây là công trình quý hiếm nằm trong hệ thống những công trình quý hiếm của kiến trúc Thiên Chúa giáo ở Việt Nam. Làm sao có những hồ sơ để nay mai ta sẽ tu bổ nhà thờ Phát Diệm hay các nhà thờ khác. Nên dành thời gian để lập hai hồ sơ. Thứ nhất hồ sơ hiện trạng của công trình ghi chép thật khách quan, đầy đủ. Thứ hai là hồ sơ bệnh lý để mình chữa. Dành ít thời gian nếu có thể để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, có cách giải quyết thấu đáo hơn, với một công trình có giá trị nhiều phương diện. |
Theo Tiền Phong