Những thách thức trước khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN

Thứ năm, 09/05/2019, 08:01
Trước khi Việt Nam làm chủ tịch ASEAN vào 2020, khu vực châu Á đứng trước những lựa chọn khó khăn khi Mỹ - Trung gia tăng cạnh tranh.

Tàu khu trục USS Preble của Mỹ hoạt động ở Biển Đông đầu năm 2019. Ảnh: US Navy.

"Cạnh tranh giữa các nước lớn ở khu vực sẽ ở mức độ cao hơn và khó dự đoán. Dường như quá trình tái định hình trật tự thế giới vẫn tiếp diễn nhưng chúng ta không biết đường hướng là gì", ông Phạm Quang Vinh, cựu Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, nêu vấn đề trong hội thảo "Năm chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam: Khuyến nghị về các ưu tiên" ngày 8/5 tại Hà Nội. Từ đầu 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN, theo luân phiên trong Hiệp hội.

Trước ý kiến về việc ASEAN cần phải chọn một bên hay hợp tác ở một số lĩnh vực, khi Mỹ và Trung Quốc gia tăng cạnh tranh, ông Vinh cho rằng ASEAN có thể cần phải kết hợp các lựa chọn một cách linh hoạt. Thách thức của Hiệp hội là có nhiều lựa chọn nhưng lại không dễ thực hiện.

Cựu trưởng SOM Việt Nam đánh giá các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc vẫn coi ASEAN là đối tác quan trọng, sẽ tiếp tục hợp tác với Hiệp hội để xử lý các vấn đề của khu vực và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.

"Đây chính là lúc để ASEAN cân nhắc, tìm ra những lợi ích của mình trong cạnh tranh của các nước lớn", ông Vinh gợi ý.

Để phát huy vai trò của mình, ASEAN cần duy trì hợp tác với các nước lớn, đưa ra tiếng nói của mình với các vấn đề quan trọng của khu vực. Đặc biệt, việc ASEAN nhìn nhận luật quốc tế như thế nào trong thời điểm thế giới có nhiều thay đổi là điều rất quan trọng. Ông Vinh cho rằng các quy tắc và luật lệ quốc tế được xem xét như thế nào ở Biển Đông sẽ thu hút sự chú ý lớn.

Nêu cụ thể hơn cạnh tranh Mỹ - Trung ở khu vực, Tiến sĩ Alfred Oehlers, một chuyên gia Mỹ, nhắc đến hai sáng kiến Vành đai Con đường của Bắc Kinh (BRI) và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington (IPI). Ông Oehlers cho rằng vấn đề là cách thức Việt Nam, hoặc một nước khác làm Chủ tịch ASEAN, có thể điều phối hòa hòa hai sáng kiến này.

"Nếu ASEAN có thể cân đối hai sáng kiến, Hiệp hội sẽ đạt được một số lợi ích, hoặc giúp đưa trật tự thế giới dựa trên luật lệ vào các sáng kiến này, nhằm đảm bảo lợi ích cho các nước ASEAN", Tiến sĩ Oehlers nói.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, nếu Việt Nam đưa ra tuyên bố giúp định rõ tầm nhìn của ASEAN, cho thấy sự khác biệt và tương đồng với BRI và IPI, thì sẽ thu hút các đối tác tăng hợp tác với Hiệp hội và giúp tăng cường vai trò của ASEAN.

Với tranh chấp Biển Đông, Tiến sĩ Oehlers cho rằng Việt Nam khi nêu ra bàn thảo cần thể hiện cam kết mạnh mẽ với trật tự dựa trên luật lệ và luật quốc tế. ASEAN nên thể hiện sự nhất trí về khái niệm các quy tắc quốc tế mà tất cả các bên cần tuân theo.

"ASEAN có nhiều tuyên bố, nếu các thành viên đều tuân thủ theo đúng luật lệ thì Hiệp hội sẽ thể hiện được vai trò quan trọng của mình", ông Oehlers nói. Ông cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc là căn cứ cho thấy thảo luận nên đi theo hướng nào.

Theo VNE

Các tin cũ hơn