Trung Quốc vừa tuyên bố mở rộng sự hiện diện của lực lượng bán quân sự trên Biển Đông, thông qua hợp đồng trị giá 161,4 triệu nhân dân tệ (khoảng 23,5 triệu USD) để mua tàu tuần tra ở quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974.
Theo SCMP, "cục thực thi pháp luật hàng hải Tam Sa" - đặt tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa - đã ủy quyền cho Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Vũ Xương, công ty con của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc, đóng tàu tuần tra mới.
Theo trang web của tỉnh Hải Nam, tàu tuần tra mới có chiều dài 102m, lượng choán nước 1.900 tấn, có thể mang theo thủy thủ đoàn 50 người. Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 23 hải lý/giờ, tốc độ hành trình 18 hải lý/giờ, phạm vi hoạt động 6.000 hải lý.
Hải quân Mỹ tuyên bố sẽ đối xử như nhau đối với tàu tuần tra và tàu đánh cá Trung Quốc trong bất kỳ cuộc chạm trán. (Ảnh: Kyodo). |
Theo kế hoạch 5 năm được công bố vào năm 2016, Trung Quốc sẽ tăng hạm đội thực thi pháp luật hàng hải từ một lên 20 tàu. Con tàu mới được các chuyên gia nhận định là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng sự hiện diện, ngoài lực lượng hải quân trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các hoạt động của Hải quân Mỹ, cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã làm cho các hoạt động thực thi tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông trở nên phức tạp.
Đô đốc Richardson tuyên bố các tàu hải quân, tàu bảo vệ bờ biển, thậm chí cả tàu đánh cá sẽ bị Hải quân Mỹ đối xử giống nhau trong bất kỳ cuộc chạm trán nào. Trong khi đó, Bắc Kinh cho rằng các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh trong khu vực đã làm suy yếu sự ổn định của Biển Đông.
Trung Quốc đang phối hợp với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn rất chậm. Hôm 13/5, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah, cho biết yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông là “quá đáng”. Đất nước ông sẽ tìm cách giải quyết những vấn đề thông qua ASEAN, thay vì các hiệp định song phương.
“Chúng tôi muốn nói với Bắc Kinh rằng chúng tôi sẽ thảo luận về Biển Đông ở cấp độ nhóm. Nó có thể không nhất thiết phải cứng nhắc như vậy, nhưng Malaysia có liên quan thì phải nằm trong một nhóm”, Malay Mail có trụ sở tại Kuala Lumpur, Malaysia trích dẫn lời Ngoại trưởng Abdullah.
Theo Zing