Zhao Na là một con nghiện mua sắm. Cô từng chi tới 9.000 USD để sắm một chiếc túi xách hàng hiệu trong chuyến du lịch tới Paris năm 2017 và là khách "ruột" của nhiều trung tâm thương mại lớn, nhỏ ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.
Nhưng với tình hình kinh tế Trung Quốc đang suy giảm thời gian gần đây, chuyên viên môi giới bất động sản 29 tuổi thừa nhận thu nhập của cô đã bị ảnh hưởng đáng kể. Không còn kiếm được tiền nhiều như trước, Zhao buộc lòng phải bấm bụng tính toán khi sắm một món hàng hiệu nào đó, khác hẳn với thói quen vung tay tiêu tiều như nước trước đây.
"Không còn được vung tiền như mình thích khiến tôi cảm thấy bế tắc, nhưng cũng chẳng thể làm gì hơn", Zhao nói.
Zhao Na phải thắt lưng buộc bụng vì thu nhập sụt giảm. (Ảnh: Reuters) |
Nền kinh tế tăng trưởng thần tốc trong 3 thập kỷ của Trung Quốc đã bắt có dấu hiệu chững lại, ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng ở Hà Nam như Zhao. Thành phố với 100 triệu dân này là một trụ cột quan trọng trong tham vọng chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc nhờ thúc đẩy chi tiêu và nâng cao mức sống của người dân.
Theo cuộc phỏng vấn với người tiêu dùng và thương nhân ở Hà Nam, người dân tại đây đang chi tiêu ít hơn cho mọi thứ từ ô tô, đồ gia dụng cho tới quần áo, mỹ phẩm.
Sự sụt giảm trong sức mua của những người thành thị như Zhao có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng với nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã chịu thương tổn không nhỏ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nó đồng thời cũng là cơ hội thử lửa đối với các nhà bán lẻ toàn cầu.
Nhà mốt Ermenegasy Zegna của Italia, thương hiệu trang sức nổi tiếng của Mỹ Tiffany và Apple đều thừa nhận sức mua của khách hàng Trung Quốc đang giảm đi rõ rệt.
Các số liệu được công bố mới đây cho thấy, doanh thu bán lẻ của Trung Quốc đang tăng trưởng yếu và mức chi cho mua sắm quần áo lần đầu tiên giảm trong hơn một thập kỷ.
Chi tiêu sụt giảm ở các thành phố như Trịnh Châu có thể là một đòn giáng mạnh vào tham vọng của các nhà bán lẻ toàn cầu từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào các tỉnh như Hà Nam.
Hà Nam hiện là mắt xích giao thông quan trọng trong mạng lưới Vành đai và Con đường của Trung Quốc, với tuyến đường sắt kết nối tới Trung Á và Tây Âu cùng các tuyến tàu điện cao tốc nối thẳng tới Bắc Kinh và Thượng Hải. Nhà sản xuất Foxconn của Đài Loan đã cho xây dựng một nhà máy iPhone khổng lồ tại thành phố này với số nhân công lên tới 230.000 người.
Người đàn ông đẩy xe hàng bên ngoài một một khu buôn bán sầm uất ở trung tâm thành phố Trịnh Châu. (Ảnh: Reuters) |
Với Trịnh Châu, từng là thủ phủ không mấy phát triển của Hà Nam, những năm gần đây đã chuyển mình thành một đô thị phát triển với tương lai đầy hứa hẹn.
Nhiều người trẻ tuổi tham vọng từng muốn thoát ly khỏi Hà Nam để theo đuổi sự nghiệp ở những nơi phồn hoa, rợp ánh đèn. Nhưng sự phát triển thần tốc của Trịnh Châu trong những năm gần đây đã "giữ chân" khá nhiều người trẻ ở lại phát triển quê nhà.
Zhao sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng nhờ nỗ lực của bản thân, cô thi đỗ vào một đại học tiếng tăm ở Trịnh Châu trước khi dấn thân vào sự nghiệp môi giới bất động sản. Chẳng mấy chốc, Zhao trở nên dư dả nhờ những khoản hoa hồng béo bở từ các hợp đồng bán các căn hộ cao cấp ở một khu vực đang sốt đất ở Trịnh Châu.
Tuy nhiên, vào năm ngoái, khi thị trường bất động sản ở Trịnh Châu biến động lớn, hoa hồng của Zhao cũng từ đó mà giảm đi. Zhao buộc phải từ bỏ thói quen mua sắm vô tội vạ trước đây.
Theo số liệu được hãng nghiên cứu Nielsen cung cấp, tăng trưởng doanh số bản lẻ tại Trịnh Châu lần đầu tiên giảm xuống còn 1 con số vào năm 2018 sau gần 2 thập kỷ.
Tại 2 trung tâm mua sắm ở Trịnh Châu, các thương hiệu lớn nói rằng các khách hàng đang trở nên thận trọng và kén chọn hơn.
"Họ từng mua sắm rất nhiều và tiêu tiền chẳng cần suy tính. Giờ thì họ trở nên kén chọn hơn vì phải tính toán cần thận khi chi tiêu", Li Mengru, giám đốc bán hàng tại trung tâm thương mại Dennis ở Trịnh Châu chia sẻ.
Nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi trong quý đầu tiên với GDP tăng trưởng vượt trên mong đợi của các nhà phân tích.
Nhưng với việc cuộc chiến thương mại leo thang thời gian qua, hoạt động của các nhà máy Trung Quốc trở nên chậm chạp và kìm lại nhu cầu toàn cầu với các sản phẩm của Trung Quốc. Hều hết các nhà kinh tế nói rằng tình trạng "lình xình" này sẽ kéo dài ít nhất hết năm 2019.
Trước thực trạng này, Bắc Kinh đã đưa ra hàng loạt giải pháp để thúc đẩy chi tiêu như giảm gánh nặng thuế thu nhập cho nhiều cá nhân, trợ giá để tăng sức mua tô tô - ngành công nghiệp chứng kiến doanh số sụt giảm lần tiên vào năm 2018 sau hơn 2 thập kỷ phát triển như vũ bão.
Tuy nhiên, nỗ lực này khó bù đắp được sự suy giảm niềm tin xuất phát từ việc thu nhập tăng chậm trong khi nợ hộ gia đình tăng.
Tất nhiên, không phải ai cũng phải sống quá mức thắt lưng buộc bụng, cắt hoàn toàn các khoản chi tiêu, mua sắm. Vào một buổi chiều hè oi bức trên một con phố ở trung tâm Trịnh Châu, các trung tâm mua sắm vẫn rất đông đúc và nhộn nhịp. Nhiều người ngó thử những thỏi son mới nhất, một số lại ngồi nhàn tản nhấm nháp ly cà phê.
Nhưng Zhao không nằm trong số đó. Gánh nặng của các món nợ ngập đầu khiến cho Zhao không thể quay lại các trung tâm mua sắm "ruột" trong một khoảng thời gian nữa.
"Khi thu nhập giảm, tôi phải tiết kiệm từng đồng một. Các chi tiêu xa xỉ không cần thiết giờ cũng nên bỏ rồi", Zhao chia sẻ.
Theo VTC