Mới đây, có khoảng 100 hộ nông dân ở Tây Ninh đã tập trung ven tỉnh lộ ĐT 785 ở xã Tân Hưng, H.Tân Châu (Tây Ninh) để xem các kỹ thuật viên Công ty Nông nghiệp Xanh và Xanh (Long An) điều khiển máy bay không người lái phun thuốc cánh đồng mì rộng hơn 1ha.
30 phút phun xịt xong cánh đồng mì
Chỉ trong vòng 30 phút, toàn bộ diện tích mì được phun thuốc xong khiến nhiều người dân trầm trồ thích thú. Anh Trần Văn Giới (49 tuổi, ngụ H.Tân Châu, Tây Ninh) cho biết đây là lần thứ 2 xem trình diễn mô hình xịt thuốc bằng máy bay bởi gia đình đang có 10ha mía và mì, nằm ở vùng sâu, điều kiện đi lại khó khăn mỗi khi xịt thuốc.
“Cái khó lớn nhất là thuê được nhân công xịt, đó là chưa kể đến chuyện phải vận chuyển vất vả một lượng nước rất lớn. Trong lúc xịt, có nhiều nhân công xịt không đều tay hoặc không tận tình nên chỗ có thuốc chỗ không”, anh Giới nói.
Sau khi xem máy bay xịt thuốc không người lái, anh Giới chia sẻ: “Ban đầu, tôi nghĩ nếu tưới bằng máy bay sẽ dễ xịt trùng thửa đã bay qua. Nhưng thực tế thì người điều khiển lập trình sẵn đường bay nên thửa tưới rất chính sát”. Cũng theo anh Giới, nếu xịt 1 ha phải tốn đến 15 bình thuốc, trong khi nếu xịt bằng máy chỉ cần tốn khoảng 7-8 bình.
“Tuy nhiên, muốn áp dụng chiếc máy này trên đồng thì còn phụ thuốc rất lớn vào chi phí. Tôi nghĩ, nếu nông dân muốn sử dụng máy này thì phải liên kết nhiều hộ lại để đỡ được chi phí nhân công và thuốc…”, anh Giới chia sẻ.
Còn gia đình bà Lê Xuân Nguyệt (60 tuổi, ngụ xã Bàu Năng, H.Dương Minh Châu) đang 4ha trồng mì và cách đây gần 2 tháng, bà cho phun thử nghiệm mô hình này trên nửa diện tích, nửa còn lại bà thuê nhân công xịt tay. Sau 20 ngày, kiểm tra lại bà nhận định diện tích phun bằng máy bay đạt hiệu quả cao hơn, cây mì tiếp thu lượng thuốc nhiều hơn. “Khi xịt bằng máy bay, lượng thuốc vốn đông đặc hơn và được phun đều hạt hơn nên cây hấp thụ nhanh và hiệu quả do đó cũng cao hơn”, bà Nguyệt nhận định
Máy bay phun xịt thuốc đang được nhiều nông dân quan tâm |
Lợi nhiều nhưng còn rào cản lớn
Ông Phạm Xuân Phong, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Xanh và Xanh cho biết: “Khi phun bằng máy bay không người lái, thuốc được phun đều, phun đủ cả 2 mặt. Nó hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trên diện tích trồng trọt tập trung lớn để sản xuất ra nông sản xuất khẩu với độ đồng đều cao. Trong khi đó, người dân không phải trực tiếp bị ảnh hưởng xấu từ thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình phun thuốc”. Cũng theo ông Phong, so với phun xịt thủ công, hiệu quả của máy gấp 10 lần, tức là khi nông dân hoàn thành được 1ha thì chiếc máy sẽ làm được 10ha.
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội của máy bay phun thuốc không người lái thì trên thực tế nông dân muốn sở hữu phải vượt qua rất nhiều rào cản.
Ông Trần Văn Hận, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh phân tích: “Dù đây là mô hình mới có nhiều hiệu quả nhưng là máy bay không người lái nên ít nhiều ảnh hưởng về an ninh quốc phòng. Do đó, khi sử dụng máy bay cái khó đầu tiên là người nông dân phải xin phép từ Bộ Quốc phòng. Nếu xin được phép thì sau 6 tháng phải đăng ký lại. Về mô hình này cũng cần phải có kiến nghị để các ngành chức năng có giải pháp cũng như về thủ tục pháp lý để cho người dân thuận lợi”.
Ông Hận cũng phân tích thêm: “Số nông dân làm diện tích lớn ở Tây Ninh còn ít, chủ yếu là nông dân làm từ 5 ha trở xuống. Trong khi đó giá thành của máy bay không người lái so với mức thu nhập của nông dân còn chênh lệch quá lớn (khoảng hơn 300 triệu đồng/chiếc). Chắc chắn, đây sẽ điều đắn do của nông dân khi bỏ số tiền lớn ra đầu tư”. Cũng theo ông Hận, đây là mô hình mới, do đó phụ tùng thay thế cho máy bay sẽ là vấn đề mà người nông dân rất quan tâm nếu sử dụng đại trà.
Theo Thanh Niên