Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa sẽ là đại diện của Bắc Kinh tại Đối thoại Shangri-La (SLD) diễn ra từ ngày 31/5 đến ngày 2/6 tại Singapore. Ông Ngụy Phượng Hòa, người dự kiến sẽ có bài phát biểu vào ngày cuối cùng của diễn đàn, là đại diện cấp cao nhất của Trung Quốc từng tham dự diễn đàn này kể từ năm 2011.
Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi trọng tâm của chương trình nghị sự tại Đối thoại Shangri-La 2019 được định hình là sự đối đầu Mỹ-Trung. Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng của các quốc gia châu Á sẽ tới Singapore giữa những diễn biến căng thẳng mới trong mối quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Washington.
Thủ tướng Sigapore Lý Hiển Long sẽ có bài phát biểu quan trọng tập trung vào sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc và tác động đối với châu Á – Thái Bình Dương, cũng như vai trò của các quốc gia nhỏ hơn trong việc củng cố, tăng cường an ninh khu vực và trật tự thế giới.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Singapore ngày 18/10/2018. (Ảnh: EPA-EFE) |
Các cuộc đàm phán thương mại song phương chưa có kết quả giữa Mỹ và Trung Quốc đang tạo ra sự bất ổn lớn cho khu vực không chỉ trên mặt trận kinh tế. Trung Quốc đang tích cực đầu tư hiện đại hóa và tái cấu trúc quân đội của mình và ngày càng quyết đoán hơn, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến yêu sách lãnh thổ tại Biển Đông, Hoa Đông và Đài Loan.
Việc Trung Quốc cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng trên các vùng biển tranh chấp đang làm gia tăng sự quan ngại của các quốc gia láng giềng. Đây cũng là mối đe dọa rất đáng kể đối với khả năng kiểm soát các tuyến đường biển trọng yếu ở Thái Bình Dương của Mỹ cũng như các đồng minh. Đó là lý do vì sao chỉ trong tháng 5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hai lần tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi thông lệ là hai tháng một lần.
Hiện nay, châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như vấn đề biến đổi khí hậu, cướp biển, cứu trợ hàng hải và khủng bố, đòi hỏi phải có cách tiếp cận đa phương. Tuy nhiên, sự nhiệt tình của Trung Quốc khi tham gia các diễn đàn do phương Tây hoặc Mỹ khởi xướng dường như đang suy giảm. Bằng chứng là Trung Quốc chỉ duy nhất cử Bộ trưởng Quốc phòng của mình tới SLD một lần là vào năm 2011.
Kể từ đó, nước này chỉ cử các quan chức quốc phòng cấp thấp hơn tham gia, có lẽ là để tập trung vào các cuộc đối thoại an ninh thay thế được tổ chức theo ý của mình. Cụ thể gần đây là Diễn đàn Hương Sơn được tổ chức vào tháng 10 hàng năm, nhằm tạo ra một diễn đàn thay thế, cạnh tranh với Shangri-La, cũng như để đề cao tiếng nói và ảnh hưởng của Trung Quốc.
Vậy tại sao đột nhiên Trung Quốc lại cử Bộ trưởng Quốc phòng của mình tham gia SLD năm nay?
Diễn đàn lần này sẽ là cơ hội để ông Ngụy Phượng Hòa khoa trương những đóng góp của Trung Quốc cho an ninh khu vực bên cạnh Sáng kiến “Vàng đai và Con đường”, đồng thời lắng nghe quan điểm của các nước khác về vai trò của Trung Quốc ở châu Á.
Hơn nữa, sau khi ưu tiên các sự kiện an ninh khác ở châu Á trong những năm qua, Trung Quốc có lẽ đang thay đổi cách tiếp cận. Điều này có thể được thúc đẩy bởi mong muốn không bị gạt ra khỏi một diễn đàn lớn như SLD khi mà các chính sách của Mỹ tại châu Á ngày càng tỏ ra khó lường.
Ngoài ra, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ đang lên cao và tấn công về mọi mặt, Trung Quốc muốn khẳng định vai trò của mình trong các diễn đàn tham gia, qua đó giảm thiểu sự tương tác của Mỹ với các nước châu Á. Đó có thể là lý do khiến Trung Quốc cảm thấy cần phải cử Bộ trưởng Quốc phòng tới Shangri-La để gửi đi các thông điệp nhằm bảo vệ lợi ích của Trung Quốc.
Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn được tổ chức thường niên, quy tụ các Bộ trưởng Quốc phòng và các quan chức quân sự từ nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, cũng như các học giả và đại diện các phương tiện truyền thông, nhằm mục đích thúc đẩy trao đổi về các vấn đề an ninh cấp bách trong khu vực, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ giữa các quốc gia.
Theo VTC