Đạo luật chi tiêu quốc phòng cho năm tài khóa 2020 (NDAA), dài 973 trang, được thông qua với 86 phiếu thuận và 8 phiếu chống với nhiều điều khoản đề cập tới các vấn đề chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh chống lại tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới.
Việc Thượng viện Mỹ thông qua NDAA trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được xem là một thông điệp các nhà lập pháp Mỹ muốn gửi đến Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trong một động thái bất thường, Thượng viện Mỹ sẽ có một cuộc bỏ phiếu riêng vào ngày 28/6 về việc sửa đổi một điều khoản cấm Tổng thống Donald Trump tấn công Iran nếu không được sự chấp thuận của Quốc hội.
Tổng thống Trump ký Dự luật chi tiêu quốc phòng năm 2019. (Ảnh: Reuters) |
Bất chấp căng thẳng gia tăng với Iran, sửa đổi này dự kiến sẽ không nhận được 60 lá phiếu ủng hộ để được thông qua.
Trong một số điều khoản khác, NDAA yêu cầu Bộ Quốc phòng báo cáo chi tiết để ngăn chặn chuyển giao công nghệ cho Nga, cập nhật các hoạt động tại Bắc Cực. Nó cũng đòi hỏi sàng lọc chặt chẽ hơn các trường hợp tìm kiếm thị thực tới Mỹ, đề cập tới các lệnh trừng phạt Triều Tiên và chi phí cho bức tường biên giới Mỹ-Mexico.
Tuy nhiên, NDAA sẽ cần vài bước trước khi trở thành luật. Dự luật này sau khi được Thượng viện thông qua sẽ đối chiếu với dự luật tương tự do Hạ viện soạn thảo dự kiến sẽ được đưa ra sau cuộc bỏ biếu vào tháng 7.
Văn bản cuối cùng phải được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua trước khi được trình lên Tổng thống Trump ký ban hành.
Là một trong số ít các dự luật chính được thông qua hàng năm, NDAA trở thành công cụ cho một loạt các biện pháp chính sách cũng như xác định mọi thứ từ mức chi trả quân sự cho các khí tài hiện đại hóa, mua hoặc ngừng sử dụng.
Theo VTC