Công kích đồng minh trước G20, TT Trump muốn "nước Mỹ cô độc"?

Thứ sáu, 28/06/2019, 10:24
Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp đưa ra chỉ trích nhắm vào Đức, Nhật Bản và Ấn Độ ngay trước khi có cuộc gặp với lãnh đạo các nước này bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có một loạt cuộc gặp với lãnh đạo các nước bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản. Những cuộc gặp này diễn ra sau khi ông Trump đã đặt ra dấu hỏi về nền tảng quan hệ truyền thống lâu đời với hai trong số những đồng minh thân cận nhất của nước Mỹ là Đức và Nhật Bản, cũng như khơi mào đối đầu thương mại với đối tác quan trọng tại Nam Á là Ấn Độ.

Chỉ trích các đồng minh thân cận

Các lãnh đạo Nhật Bản, chủ nhà của G20 năm nay, vẫn còn quay cuồng sau khi Tổng thống Trump chỉ trích hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước, vốn là nền tảng của quan hệ Washington - Tokyo trong suốt 7 thập kỷ qua.

Ngay trước khi đặt chân tới Osaka, Tổng thống Trump phàn nàn về việc Nhật Bản sẽ không trợ giúp nếu nước Mỹ bị tấn công vũ trang, thay vào đó người Nhật sẽ "theo dõi (cuộc tấn công) qua tivi Sony".

Tại Berlin, các chính trị gia đã quá quen thuộc với những chỉ trích của Tổng thống Trump về vấn đề quốc phòng, khi ông chủ Nhà Trắng cho rằng quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu chi tiêu quá ít ỏi cho quân sự và đang thu lợi từ chiếc ô bảo hộ hạt nhân của Mỹ.

Tổng thống Trump tại Alaska trước khi lên đường sang Nhật Bản. (Ảnh: New York Times).

Trong khi đó, Ấn Độ trở thành nạn nhân của những chỉ trích về chính sách thương mại từ Tổng thống Trump khi bị đưa ra khỏi danh sách được hưởng chương trình thương mại đặc biệt, đồng thời yêu cầu New Delhi rút lại các loại thuế đánh vào 28 mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ.

Những mục tiêu chỉ trích của Tổng thống Trump dường như có liên hệ mật thiết tới lịch trình làm việc của ông Trump trong ngày 28/6.

Dự kiến, ông chủ Nhà Trắng sẽ có cuộc làm việc tay đôi với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trước khi cùng ông Abe có cuộc hội đàm 3 bên với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông Trump sau đó sẽ lần lượt có các cuộc họp song phương với lãnh đạo Ấn Độ và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Ngược lại, Tổng thống Trump hầu như không đề cập gì tới Nga, khi Tổng thống Vladimir Putin sẽ hội đàm Tổng thống Trump cũng trong ngày 28/6.

Saudi Arabia cũng nằm ngoài danh sách chỉ trích của Tổng thống Trump, dù Thái tử Mohammed Bin Salman vừa bị Liên Hợp Quốc cáo buộc đứng sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi đầy tai tiếng. Ông Trump và Thái tử Salman sẽ cùng ăn sáng trong ngày 29/6.

Ông Trump đang nhầm lẫn?

Chỉ trích nhắm vào hiệp ước phòng thủ chung, văn kiện định hình quan hệ Mỹ - Nhật từ sau Thế chiến II, được Tổng thống Trump đưa ra hôm 26/6. Đáng chú ý, ông Trump đề cập tới vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn với Fox khi phóng viên còn chưa đề cập tới nội dung này.

"Chúng ta có một hiệp ước với Nhật Bản. Nếu họ bị tấn công, chúng ta sẽ tham gia như thể đó là Thế chiến III. Chúng ta sẽ bảo vệ, sẽ chiến đấu bằng sinh mạng và tài sản của mình, chúng ta sẽ chiến đấu bằng mọi giá, đúng vậy chứ? Nhưng nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản sẽ không phải giúp gì cả. Họ có thể theo dõi cuộc tấn công qua tivi Sony", ông Trump nói về hiệp ước phòng thủ chung.

Mỹ và Nhật Bản ký hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 sau khi Tokyo ban hành hiến pháp hòa bình mới, trong đó có một số quy định ngặt nghèo về sự phát triển và hoạt động của lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Hải quân Mỹ - Nhật tham gia tập trận chung năm 2017. (Ảnh: AFP).

Với hiệp định này, Mỹ được trao quyền đồn trú lực lượng vũ trang trên lãnh thổ Nhật Bản, giúp Washington thiết lập những căn cứ quân sự quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương, nhằm đối đầu với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Đổi lại, Nhật Bản được hưởng bảo hộ an ninh từ Mỹ.

Từ Tokyo, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga hôm 26/6 bác bỏ quan điểm cho rằng hiệp ước phòng thủ chung tạo ra sự bất bình đẳng cho bất cứ bên nào. "Nghĩa vụ của Mỹ và Nhật Bản là cân bằng cho cả hai nước", ông Suga nói.

Sau đòn tấn công vào hiệp ước phòng thủ với Nhật Bản, Tổng thống Trump nhắm tới Đức, mục tiêu ưa thích của ông chủ Nhà Trắng trong hai năm rưỡi vừa qua.

"Chúng ta chi trả gần như 100% chi phí của NATO. Mọi người không biết điều đó. Chúng ta phải trả nhiều như vậy bởi Đức không trả số tiền mà họ có nghĩa vụ phải trả. Và trong số 28 quốc gia, chỉ có 7 nước chịu chi tiền", ông Trump nói.

Tuy nhiên, theo New York Times, Tổng thống Trump đã hiểu sai về phương thức hoạt động của NATO và đưa ra con số không chính xác về mức độ đóng góp của Mỹ trong chi phí hoạt động của tổ chức này. NATO có ngân sách dành cho chi tiêu dân sự và quân sự, trong đó Mỹ trả 22% khoản ngân sách này, dựa trên tổng thu nhập quốc dân. Không quốc gia NATO nào đóng thiếu khoản ngân sách này.

Điều Tổng thống Trump chỉ trích chủ yếu thuộc về cam kết của các nước thành viên NATO trong việc chi ít nhất 2% tổng thu nhập quốc dân để xây dựng lực lượng quân đội của từng nước đến năm 2024. Ông Trump chính xác khi chỉ ra chỉ có 7 quốc gia đã đạt được mức chi này, gồm Mỹ chi 3,4%, cùng với Hy Lạp, Estonia, Anh, Romania, Ba Lan, và Latvia. Trong khi đó, Đức chỉ chi 1,4% GDP cho ngân sách quốc phòng.

Theo một báo cáo được công bố tuần này, tổng chi tiêu ngân sách quốc phòng của tất cả thành viên khối NATO năm 2019 đạt khoảng 1.000 tỷ USD. Trong đó, Mỹ chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, con số này bao gồm cả những khoản chi tiêu của Mỹ cho quân đội tại những điểm nóng khác trên thế giới như châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông, chứ không chỉ giành cho việc phòng thủ châu Âu.

Tổng thống Trump và Thủ tướng Merkel năm 2018. (Ảnh: AP).

Đối với Ấn Độ, chỉ trích của Tổng thống Trump được đưa ra trên Twitter, khi ông chủ Nhà Trắng đang trên Air Force One bay xuyên Đại Tây Dương để tới Nhật Bản.

"Tôi rất mong chờ thảo luận với Thủ tướng Modi về thực tế là Ấn Độ, vốn duy trì mức thuế rất cao với hàng hóa Mỹ nhiều năm qua, vừa tăng thuế lên mức thậm chí cao hơn nữa. Điều này thật không thể chấp nhận được, các loại thuế phải bị dỡ bỏ", ông Trump viết.

Tuy nhiên, dường như ông Trump đã lờ đi thực tế hành động tăng thuế đối với 28 loại hàng hóa của Mỹ là đòn đáp trả việc Washington tăng thuế nhắm vào nhôm và thép nhập khẩu, cũng như việc Mỹ đưa Ấn Độ ra khỏi danh sách được hưởng chương trình thương mại đặc biệt, gây ảnh hưởng tới lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá khoảng 5 tỷ USD của nước này.

Hạ cánh xuống Osaka tối 27/6, Tổng thống Trump tham dự bữa tối cùng Thủ tướng Australia Scott Morrison. Trong khi đang gây chiến với các đồng minh khác, Tổng thống Trump lại dành những lời lẽ ủng hộ nhiệt thành đối với chính sách an ninh cứng rắn của Thủ tướng Morrison chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Trong một dòng chia sẻ trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump đăng tải những hình ảnh với dòng chữ "Sẽ chẳng có ngôi nhà nào cho bạn ở Australia" "Không có cách nào đâu".

"Những tờ rơi này phản ánh chính sách của Australia đối với người nhập cư bất hợp pháp. Có nhiều thứ đáng để học hỏi", ông Trump viết.

Khi xuất hiện cùng Thủ tướng Morrison trước bữa tối, ông Trump đáp lại câu hỏi của một phóng viên Australia khi người này cho rằng chính sách "Nước Mỹ trên hết" sẽ khiến nước Mỹ đối đầu với cách đồng minh, và cuối cùng trở thành "Nước Mỹ cô độc".

"Chúng tôi đối xử rất tử tế với các đồng minh của mình. Chúng tôi phối hợp và chăm sóc các đồng minh", ông Trump tuyên bố.

Theo Zing

Các tin cũ hơn