|
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP). |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hành động dựa nhiều hơn vào trực giác và phân tích của riêng ông, thay vì lời khuyên từ các trợ lý trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc và điều này đang phá vỡ một quy trình thận trọng đã mang lại vài kết quả tích cực cho đến nay, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề.
Hôm 5/8, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, 6 giờ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố như vậy trên Twitter. Đây là ví dụ mới nhất cho thấy cách Trump tự quyết định các bước đi tiếp theo của ông trong thương chiến với Trung Quốc.
Một ngày sau, các cố vấn cao cấp của Trump vẫn để ngỏ phương án Nhà Trắng giảm bớt một số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc nếu các lãnh đạo Bắc Kinh đưa ra những nhượng bộ rõ ràng.
"Dù mọi chuyện có thể khó khăn và tôi biết các thị trường đang biến động, thực tế là chúng tôi muốn đàm phán", giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow nói trong cuộc trao đổi với hãng tin CNBC. Các phát biểu của Kudlow được đưa ra vào ngày các lãnh đạo Trung Quốc tìm cách ổn định đồng nội tệ để trấn an giới đầu tư sau cú bán tháo mạnh trên các thị trường chứng khoán hôm 5/8 vì Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua.
Một số quan chức Nhà Trắng cho hay họ giờ đây đang hướng tới một cuộc đấu trí dài hơi với các lãnh đạo Trung Quốc trong bối cảnh những cuộc đàm phán thương mại đứt đoạn bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái đạt rất ít tiến triển.
Trump tin rằng nền kinh tế Trung Quốc đang chịu tổn thương lớn hơn nền kinh tế Mỹ trong cuộc xung đột thương mại giữa hai nước hiện nay và các lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng sẽ nhượng bộ.
Tổng thống Mỹ thường dựa vào óc xét đoán của riêng mình để điều hành các tranh chấp thương mại với những nước khác, một chiến thuật mang lại không ít kết quả trái ngược. Các lãnh đạo Hàn Quốc đã nhất trí sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Mỹ sau khi Trump đe dọa rút Mỹ khỏi FTA hiện tại với Hàn Quốc.
Tương tự, Canada và Mexico cũng nhất trí sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) dù các nhà lập pháp Mỹ vẫn chưa thông qua các sửa đổi này. Trump cũng tìm cách sửa đổi các thỏa thuận thương mại nhạy cảm với Nhật Bản, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) nhưng đạt được ít tiến triển.
Nhưng các đối tác thương mại kể trên không có mối quan hệ kinh tế phức tạp và đan quyện với nền kinh tế Mỹ giống như Trung Quốc.
Sau quyết định áp thuế của Trump, Trung Quốc tung đòn "trả đũa kép", khi hạ giá đồng nhân dân tệ và quyết định ngừng mua nông sản Mỹ. Cả hai bước đi này chứng tỏ rằng các lãnh đạo Trung Quốc không muốn nhanh chóng nhượng bộ Nhà Trắng.
Một số cố vấn của Trump khuyến cáo ông không nên tiến hành vòng áp thuế mới vì lo lắng điều này chỉ càng khiêu khích Bắc Kinh trả đũa và có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ, nhưng Trump kiên quyết làm theo ý mình.
"Hành động của Trump đối với Trung Quốc có lẽ dựa vào kinh nghiệm cá nhân và bất kỳ những gì mà bản năng mách bảo ông rằng đó là điều đúng để làm", Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington, nhận định.
"Ông ấy sẽ thông báo các quyết định thông qua những dòng tweet mà dường như không thể có ai khác trong chính quyền kịp thời biết và sau đó, họ phải cuống cuồng thực hiện chúng", Glaser nói thêm.
Các nghị sĩ phe Dân chủ trong khi đó chỉ trích xu hướng hành động bốc đồng của Trump đang khiến nông dân và các doanh nghiệp Mỹ khốn đốn.
"Chúng tôi nhận thấy có lẽ ngưỡng 'chịu đau' của Trung Quốc cao hơn chúng tôi nghĩ. Họ dường như không quan tâm đến việc đòn thuế mới sẽ gây ra những hậu quả cực kỳ xấu đối với nền kinh tế. Giờ đây, tình hình giống như kiểu một cuộc đấu mà hai bên chắc chắn cùng bị hủy diệt", Stephen Moore, cố vấn kinh tế cho Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, nhận xét.
|
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer (phải) trong cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump ở Phòng Bầu dục hồi tháng hai. (Ảnh: Reuters). |
Các lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà kinh tế và các cựu quan chức chính phủ Mỹ lo ngại xung đột thương mại trầm trọng hơn giữa Nhà Trắng và Trung Quốc đang gây tổn thương nền kinh tế Mỹ.
Những cố vấn bên ngoài Nhà Trắng và các chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc khuyến khích chính quyền Trump nối lại đàm phán với Bắc Kinh nhưng vẫn chưa rõ Trump lên kế hoạch hành động như thế nào. Ông thường thông báo các quyết định bằng những dòng đăng trên Twitter, thỉnh thoảng sau khi tham vấn ý kiến từ các trợ lý, nhưng chủ yếu dựa vào quan điểm của ông về cách tiến hành các bước đi tiếp theo.
Thái độ của Trump sẵn sàng xé bỏ quy trình đàm phán từ các cố vấn cấp cao đã tăng dần trong những tháng qua. Dấu hiệu như vậy xuất hiện hồi tháng hai, khi Trump công khai khiển trách Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer trong cuộc gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Lúc bấy giờ, Lighthizer cố gắng đàm phán thỏa thuận với Trung Quốc theo hình thức "một bản ghi nhớ với nội dung chi tiết". Nhưng Trump bác bỏ văn kiện này vì cho rằng nó không có sức mạnh.
"Tôi không thích bản ghi nhớ vì chúng chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi nghĩ ông nên thảo luận chi tiết một thỏa thuận thì tốt hơn", Trump nói.
Lighthizer cố gắng giải thích rõ hơn ý của ông khi nói thêm rằng: "Bản ghi nhớ là một bản giao kèo. Đó là cách mà các thỏa thuận thương mại thường được triển khai".
"Tiện thể đây, tôi không đồng ý. Tôi nghĩ rằng một bản ghi nhớ không phải bản giao kèo chúng ta mong muốn", Trump đáp.
Hồi tháng trước, Kudlow cố trấn an giới đầu tư rằng Nhà Trắng đã loại bỏ phương án can thiệp giảm giá USD như là một phần của cuộc chiến tranh tiền tệ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, Kudlow cho biết các cố vấn Nhà Trắng đã họp và quyết định không can thiệp. Chỉ vài giờ sau đó, Trump nói với các phóng viên thông tin trên không đúng và ông bảo lưu quyền can thiệp này nếu muốn.
"Tôi có thể làm điều đó trong vòng hai giây nếu tôi muốn. Tôi không nói tôi sẽ không làm điều gì cả", Trump nói.
Theo VNE