Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ neo đậu tại cảng Manila hôm 7/8. Ảnh: AFP |
Phát biểu được chuẩn đô đốc Thomas, chỉ huy nhóm tác chiến 70 của tàu sân bay USS Ronald Reagan, đưa ra khi đón các phóng viên trên siêu tàu sân bay đang neo đậu tại cảng Manila.
"Chúng tôi có hiệp ước phòng thủ chung với Philippines. Chúng tôi hiện diện ở khu vực để đảm bảo an ninh và ổn định. Con tàu này rất có năng lực và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống liên quan đến an ninh từ khủng hoảng đến thảm họa nhân đạo. Chúng tôi sẵn sàng làm điều đó", chỉ huy hải quân Mỹ khẳng định.
Khi được hỏi về những thách thức trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, Thomas cho biết có nhiều tàu chiến đang hoạt động trong vùng biển này. Dù chuẩn đô đốc Mỹ không đề cập cụ thể tàu của nước nào, một số thủy thủ trên USS Ronald Reagan khẳng định đó chủ yếu là chiến hạm Trung Quốc.
Theo Thomas, mục đích sự hiện diện của USS Ronald Reagan tại khu vực là nhằm thể hiện quyền tự do di chuyển và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng hai tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga là USS Antietam và USS Chancellorsville ngày 7/8 ghé thăm cảng Manila của Philippines sau hành trình dài ngày trên Biển Đông. Trong quá trình di chuyển từ cảng Yokosuka, Nhật Bản tới Manila, các máy bay chiến đấu trên tàu Ronald Reagan đã tiến hành một số hoạt động huấn luyện trên Biển Đông.
Chuyến thăm của tàu Ronald Reagan diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lên tiếng chỉ trích hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông chủ Lầu Năm Góc cho rằng hành vi này cùng với chính sách kinh tế của Bắc Kinh đang gây bất ổn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tình hình Biển Đông gần đây trở nên căng thẳng sau khi nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở phía Nam Biển Đông. Đến chiều 7/8, nhóm tàu này đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rời khỏi EEZ Việt Nam.
Hai tàu khảo sát khác Trung Quốc hồi đầu tháng cũng tiến vào EEZ của Philippines khiến Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố sẽ gửi công hàm ngoại giao phản đối.
Tại hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN vừa diễn ra ở Bangkok, Thái Lan, Việt Nam đã nêu rõ Trung Quốc là bên có hành vi gây hấn ở Biển Đông và nhận được sự ủng hộ của đông đảo đại diện các nước tham gia. Ngoại trưởng Mỹ, Nhật, Australia hôm 2/8 ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về diễn biến tiêu cực và hoạt động triển khai vũ khí ở Biển Đông.
Theo VNE