|
Khi bị báo chí truy, trưởng phòng giáo dục quận Cầu Giấy mới cho biết trong quyết định thành lập, Trường liên cấp quốc tế Gateway có tên là Trường tiểu học Gateway. Chữ quốc tế có thể do trường tự gắn vào để tự quảng cáo.
Bởi nếu không quốc tế sẽ không hút được phụ huynh, không quốc tế khó thu được học phí trên trời. Vì thế, nhất định phải là quốc tế. Và tất nhiên, quốc tế nên cũng phải có giáo viên tầm quốc tế kèm theo một hiệu trưởng quốc tế. Không xưng danh ai biết là ai? Quả thật, nếu không xưng là trường quốc tế, phụ huynh sao biết được.
Nếu đi khảo sát, số lượng trường xưng danh quốc tế có lẽ cũng không ít ở Hà Nội. Trong điều kiện Luật Giáo dục, các văn bản Nghị định đều không có quy định về trường quốc tế, nhưng lại cũng không cấm nên việc các trường tự tung tự tác xưng danh không có gì lạ.
Phòng giáo dục, Sở GD&ĐT cấp phép một đằng nhưng trường xưng danh một nẻo và vẫn để cho tồn tại mới là chuyện đáng bàn. Phụ huynh, họ không thể biết được trường được cấp phép là trường quốc tế hay không, vì họ không có đủ dữ liệu, thông tin để thẩm tra điều ấy.
Phòng, Sở không công khai thông tin cấp phép các trường, phụ huynh làm thế nào tỏ tường được tổ chuồn chuồn? Họ chỉ biết trường nói với họ, trường ghi tên ở cổng là trường quốc tế, mức học phí cũng quốc tế nên phụ huynh tin là vậy. Không “international” (quốc tế) tên trường thì international chương trình đào tạo.
Nào là đào tạo theo chương trình của Anh, chương trình của Úc, chương trình Canada… đánh vào tâm lý “sính ngoại” của người Việt, họ đã tạo ra một mê trận quốc tế trong lĩnh vực giáo dục. Thì ra, chữ quốc tế không chỉ ngấm sâu vào thói quen tiêu dùng hàng ngày mà nó đã bắt đầu ngấm vào tư duy giáo dục của phụ huynh.
Trong khi đó, nếu không có sự việc đau lòng tại trường Gateway thì các cấp quản lý chắc cũng ngó lơ, không quan tâm đến mác trường quốc tế. Sau sự việc, như một phản ứng dây chuyền, từ cấp bộ, cấp sở đến cấp phòng lập tức yêu cầu rà soát kiểm tra.
Mất bò mới lo làm chuồng là có thật trong tư duy quản lý giáo dục. Không phải bây giờ phụ huynh Việt mới “bổ chửng” về trường quốc tế mà cách đây mấy năm, nó đã xẩy ra, đã được phản ánh về trường hợp trường quốc tế Singapore (SIS), gắn mác quốc tế nhưng chương trình đào tạo lại thuần Việt .
Giáo dục là một thị trường, các cấp quản lý dù có công nhận hay không thì điều đó vẫn nghiễm nhiên tồn tại. Nếu quản lý không theo kịp, chắc chắn phụ huynh Việt sẽ còn tiếp tục bị lừa phỉnh. Hậu quả không phải là chuyện phụ huynh mất tiền tỷ học phí mà nó còn kéo theo hàng loạt các hệ lụy như niềm tin vào ngành giáo dục bị giảm sút, tương lai con em bị ảnh hưởng bởi cái bóng đè quốc tế.
Theo Tiền Phong