Đội quân "tóc dài" lắp iPhone tương lai

Thứ tư, 04/09/2019, 16:03
Chiếc iPhone tiếp theo bạn mua rất có thể được sản xuất bởi những nữ công nhân không biết tới điều hòa và thiếu nước sinh hoạt.

Hàng chục chiếc xe buýt nối đuôi nhau, đỗ bên ngoài dãy nhà thấp màu xanh ở bang Andhra Pradesh vào một buổi sáng mùa hè ướt át. Những người phụ nữ mặc trang phục truyền thống salwar kameez sặc sỡ, chiếc khăn quàng dupatta hai thân bay phấp phới khi đi qua bụi cây dâm bụi và tấm áp phích ghi dòng chữ: "Mục đích của chúng tôi, không tai nạn".

Ca đêm tại nhà máy lắp ráp điện thoại di động của Foxconn ở Sri City sắp kết thúc và hàng nghìn phụ nữ trẻ đang chuẩn bị ra về khi những người khác đến thay thế họ. Một trong những người đang tới là Jennifer Jayadas, 21 tuổi, dáng người cao gầy, đang sống cách đó vài trăm mét, ở một túp lều hai phòng, không có nước sinh hoạt.

Hàng nghìn nữ công nhân tập trung ăn sáng trước khi vào ca làm việc tại nhà máy Foxconn Ấn Độ. (Ảnh: Bloomberg).

Sau khi ngấu nghiến một bữa sáng miễn phí với bánh mì chapatti và cà ri khoai tây, Jayadas đội lên đầu một chiếc mũ trắng, mặc áo tạp dề, đi giày chống tĩnh điện và đôi găng tay nhỏ xíu. Sau đó, cô tới vị trí của mình tại một trạm thử nghiệm, nơi cô sẽ dành 8 tiếng tiếp theo để đảm bảo âm lượng, độ rung và các tính năng khác của iPhone hoạt động tốt. "Những chiếc điện thoại này từng được sản xuất tại Trung Quốc. Bây giờ, chúng tôi sản xuất nó ở đây", Jayadas nói.

Foxconn đã mở nhà máy đầu tiên ở Ấn Độ từ bốn năm trước. Hiện tại, công ty vận hành hai nhà máy lắp ráp với kế hoạch mở rộng những nhà máy đó và mở thêm hai nhà máy nữa. Ấn Độ đã trở thành một cơ sở sản xuất quan trọng khi công ty có trụ sở tại Đài Bắc đang muốn đa dạng hóa hoạt động của mình ra phía ngoài Trung Quốc.

Thành công của Ấn Độ đã trở nên có ý nghĩa hơn kể từ khi Tổng thống Mỹ công bố cuộc chiến thương mại và mức thuế mới đối với hàng nghìn sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc. Điều này làm ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều công ty như Foxconn vốn đang lắp ráp iPhone cho Apple, Amazon, Dell...

Vào cuối tháng 8, Tổng thống Trump đã yêu cầu các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc với viện dẫn về luật an ninh quốc gia. Mặc dù sau đó ông Trump đã "dịu giọng" hơn, nhưng nhiều công ty đã xem xét và đánh giá lại các yếu tố để định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, tránh rủi ro trong tương lai.

"Nguyên tắc kinh doanh ‘sống còn’ là không được bỏ tất cả trứng vào một giỏ duy nhất", Josh Foulger, Giám đốc điều hành Foxconn Ấn Độ chia sẻ. "Chúng tôi phải tìm giải pháp khả thi và đáng tin cậy. Rõ ràng vị trí thay thế phải mang tính cạnh tranh", Foulger nói. "Chúng tôi không thể đặt một nhà máy ở Mexico để sản xuất điện thoại di động. Nó có thể hoạt động 10 năm về trước nhưng không phải bây giờ".

Foulger, 48 tuổi, lớn lên ở Chennai và theo Đại học Texas ở Arlington, trước khi trở về Ấn Độ vào giữa năm nay để thiết lập nhà máy sản xuất cho Nokia. Ông gia nhập Foxconn bốn năm trước, để giúp người sáng lập Terry Gou thành lập các nhà máy lắp ráp ở Ấn Độ, hiện là thị trường điện thoại thông minh phát triển nhanh nhất thế giới.

Ông Josh Foulger - Giám đốc điều hành Foxconn tại Ấn Độ. (Ảnh: Bloomberg).

Năm 2015, nhà máy lắp ráp đầu tiên của Foxconn tại Ấn Độ được xây dựng tại Sri City, một đặc khu kinh tế với nhiều ưu đãi về xuất nhập khẩu hàng hóa, với nhiều công ty nước ngoài làm mọi thứ từ tã lót cho tới toa xe lửa. Nhà máy của Foxconn có gần 15.000 công nhân, khoảng 90% số đó là phụ nữ và họ lắp ráp điện thoại cho nhiều nhà sản xuất khác nhau, bao gồm cả điện thoại của Xiaomi. Trong những tháng gần đây, các công nhân này đã bắt đầu thử nghiệm và lắp ráp iPhone X của Apple để bán tại Ấn Độ và xuất khẩu đi nước ngoài.

Nhà máy thứ hai của Foxconn được khai trương năm 2017, tại Sriperumbudur, cách cơ sở ở Sri City khoảng hai giờ đi bộ. Tại đây, công ty sử dụng khoảng 12.000 công nhân và một phần khâu sản xuất được tự động hóa. "Vào năm 2023, hai nhà máy sẽ được mở rộng thêm nữa và chúng tôi còn có thêm hai nhà máy mới", Giám đốc điều hành Foxconn Ấn Độ nói.

Foxconn hiện nhập các bộ phận từ Trung Quốc, nhưng công ty hy vọng một ngày nào đó sẽ sản xuất màn hình và bảng mạch in tại Ấn Độ. Foulger tin sẽ chiếm được một phần ba thị trường điện thoại thông minh trong nước và 10% thị trường toàn cầu (hiện chiếm 2,5%). "Chúng tôi dự định sản xuất thêm các sản phẩm khác, bao gồm cả loa Amazon Echo", ông nói. "Hiện tại, Ấn Độ vẫn đang sản xuất cho thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ sớm làm cho cả thế giới".

Ngồi trong một văn phòng nhìn ra trung tâm của nhà máy Sriperumbudur, Foulger với bộ râu quai nón được buộc gọn gàng chia sẻ về những thế mạnh của thị trường Ấn Độ: Chi phí lao động chỉ bằng một nửa của Trung Quốc, đội ngũ công nhân gồm các kỹ sư tài năng, một chính phủ hết lòng vì doanh nghiệp.

Ngoài ra, họ cũng có một người đồng hành đáng tin cậy là Thủ tướng Narendra Modi, người đang chịu áp lực phải hạ tỷ lệ thất nghiệp hiện đang vượt quá 6%. Chính sách của ông ở Ấn Độ là "Make in India" đã được khởi động từ bốn năm trước với hàng loạt các chính sách ưu đãi, nhằm khuyến khích công ty nước ngoài mở nhà máy và đưa đất nước trở thành một cường quốc sản xuất. Pankaj Mahindroo, người đứng đầu Hiệp hội Di động và Điện tử của Ấn Độ cho biết kế hoạch nhằm đẩy nhanh giá trị sản xuất điện thoại 25 tỷ USD lên 400 tỷ USD vào năm 2024. "Một phần đáng kể trong số đó sẽ dành cho thị trường xuất khẩu", Mahindroo nói.

"Vẫn còn một chặng đường dài để hoàn thành kế hoạch ‘Make in India’ vì mới chỉ có 700.000 công việc sản xuất điện tử được tạo ra cho tới nay", ông Mahindroo chia sẻ. "Các công nhân lành nghề như nhà thiết kế công nghiệp còn thiếu, chưa có nhiều mạng lưới nhà cung cấp các thành phần quan trọng như pin, chất bán dẫn và bộ xử lý", Anshul Gupta, Giám đốc nghiên cứu cấp cao của Gartner India cho biết. "Nhưng mọi thứ đang bắt đầu đi vào đúng quỹ đạo. Ấn Độ có thể tăng cường năng lực sản xuất và giúp thế giới cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc", ông Gupta nói thêm.

Foxconn là một phần không thể thiếu để đưa ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc đạt đến sự "khổng lồ" như ngày nay. Người sáng lập của công ty từng nói rằng họ cũng có thể giúp Ấn Độ làm được điều tương tự. Tuy nhiên, Trung Quốc đã cần tới 30 năm để có được điều đó. "Lợi thế của Trung Quốc là đội ngũ lao động khổng lồ với chi phí sản xuất thấp và họ làm được điều đó bằng cách đầu tư mạnh vào hầu cần và vận chuyển", Andrew Polk, một đối tác sáng lập với Trivium China, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh chia sẻ. "Ngay cả khi lợi thế nhóm lao động đang dần mất đi, các quy trình và hệ thống của họ vẫn có thể sản xuất hiệu quả với quy mô lớn để cung cấp hàng hóa ra thị trường", Polk nhận định.

Để bắt kịp, chính phủ Ấn Độ và các công ty tư nhân sẽ cần đầu tư mạnh vào đường, đường ray, cảng và cơ sở hạ tầng khác. "Khi Trung Quốc làm điều đó, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị phân mảnh và giờ không có một Trung Quốc nào khác nữa", Polk nói thêm. "Ấn Độ sẽ không chỉ phải làm đúng mà còn phải làm tốt hơn Trung Quốc. Chiến tranh thương mại chỉ có thể giúp đỡ một phần". Ông cũng cho biết Trung Quốc có lợi thế là có thể phát triển mà không phải lo lắng quá nhiều về tác động đến môi trường. "Biến đổi khí hậu đang được quan tâm nhiều hơn, khó có thể có một sự phát triển thần tốc trong thời đại ngày nay", ông nói.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc trong các chuỗi cung ứng ở Ấn Độ và những nơi khác, Foulger nhận thức sâu sắc về những thách thức. "Tôi có thể xoay tròn bộ ria mép của mình và nói, ‘Ấn Độ có thể lặp lại thành công của Trung Quốc’ ", ông nói. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Foxconn Ấn Độ chia sẻ rằng thực tế vẫn có những điểm yếu như hạ tầng kém. "Chúng tôi vẫn phải chở nước cho hàng nghìn công nhân của mình vì thành phố Chennai và các khu vực lân cận bị thiếu nước nghiêm trọng", Foulger nhấn mạnh.

Foulger đã sớm quyết định tuyển dụng chủ yếu là phụ nữ. Ông cho biết việc xuất hiện các nữ công nhân ở nhà máy là phổ biến tại Trung Quốc, nhưng không bình thường ở Ấn Độ, nơi phụ nữ nông thôn thường được giao cho các công việc gia đình hoặc trang trại và không được trả lương. "Phụ nữ ở khu vực này thậm chí không được phép làm việc vào ban đêm trong các nhà máy cho đến khi chính quyền địa phương và tòa án can thiệp bốn năm trước", ông nói.

Chính mẹ của Foulger đã đưa ra ý tưởng và thuyết phục ông cho những người phụ nữ tại đây một cơ hội. Bà là một giáo viên của nhiều học sinh có hoàn cảnh kém may mắn. Bà cũng thường xuyên nói với ông rằng các cô gái rất chăm chỉ, tận tụy nhưng hoàn cảnh gia đình luôn ngăn cản họ vào đại học. "Nhiều người buộc phải bắt đầu công việc sớm hoặc bị đẩy vào hôn nhân và nuôi con từ nhỏ", bà chia sẻ.

Hơn 90% công nhân là phụ nữ trong các nhà máy của Foxconn tại Ấn Độ. Tuy nhiên, họ được đánh giá là chăm chỉ và tận tụy với công việc. (Ảnh: Bloomberg).

Foulger cũng cho biết hầu hết các nhà sản xuất Ấn Độ thích thuê đàn ông, nên rất dễ đạt được mục tiêu tuyển dụng của mình. Tuy nhiên, một số thứ khiến ông buộc phải thích nghi. Chẳng hạn, điều hòa phải được bật lên tới 26 độ vì những người phụ nữ này chưa bao giờ trải nghiệm nó trước đây. Một quản lý dây chuyền sản xuất từng đưa ra các vấn đề về vệ sinh và lúc đầu, ông cũng do dự. Họ sẽ phản ứng ra sao, ông tự hỏi? Tuy nhiên, Foulger sau đó vẫn lắng nghe và lắp đặt các máy rút băng vệ sinh trong nhà vệ sinh. Ông cũng phải trả tiền thêm để đảm bảo sự an toàn cho các công nhân nữ mới và cung cấp xe bus, chỗ ở ký túc xá cho những người sống xa nhà máy. Tuy vậy, Foulger cho biết điều đó là xứng đáng vì phụ nữ làm việc chăm chỉ và "trân trọng những cơ hội mà chúng tôi trao cho".

Trong những năm qua, Foxconn đã bị chỉ trích vì môi trường làm việc khó khăn tại các nhà máy ở Trung Quốc. Một loạt các vụ tự tử của những người lao động nhập cư trẻ tuổi vào đầu thập kỷ này đã gây chấn động thế giới và khiến công ty phải thiết lập ngay một đường dây nóng trợ giúp, tăng lương và xây dựng lưới an toàn để ngăn cản những công nhân muốn nhảy lầu. Vào tháng 8, Foxconn đã sa thải hai giám đốc điều hành tại một nhà máy lắp ráp các thiết bị cho Amazon tại Trung Quốc sau khi một nhóm lao động cáo buộc hai người này cắt giảm lương và lách luật đối phó với thuế quan của Mỹ.

Tại hai nhà máy ở Ấn Độ của Foxconn, không có dấu hiệu rõ ràng về môi trường làm việc khắc nghiệt. Công nhân ở đó chủ yếu phàn nàn về sự đơn điệu của công việc. Từ phút họ bước vào nơi làm việc cho tới hết ca kéo dài tám tiếng, công việc của họ cứ lặp đi lặp lại một chu kỳ không ngừng. Mục tiêu sản xuất hàng ngày phải được đáp ứng bằng mọi giá. Từng hàng dài những người phụ nữ nối từng bộ phận điện thoại lại với nhau, kiểm tra từng điện thoại xem có lỗi gì không. Shivaparvati Kallivettu, 24 tuổi, chia sẻ rằng mình đã dành nhiều ngày để kiểm tra âm thanh điện thoại, pin và khay thẻ sim. "Thời gian nghỉ ngơi chính của tôi đến vào mỗi buổi sáng trong căng tin của nhà máy khi ăn sáng với bốn người bạn thân", cô nói.

Hầu hết phụ nữ làm công việc tại Foxconn đều có mục tiêu cụ thể trong đầu, chẳng hạn gửi con đến trường tốt hơn hoặc xóa nợ cho gia đình. Việc trả lương tại đây giúp cho họ vượt qua ngưỡng nghèo. Jayadas cho biết cô nhận được khoảng 9.000 rupee mỗi tháng (130 USD, bằng khoảng một phần ba mức lương trung bình của công nhân tại nhà máy Trung Quốc), đi xe buýt miễn phí và hai bữa ăn lành mạnh.

Để giúp tránh sự nhàm chán, công ty dạy cho công nhân ít nhất 10 kỹ năng trong các phần kiểm tra, đóng gói và lắp ráp của dây chuyền để họ có thể được luân chuyển sang các bộ phận khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người lao động coi công việc này chỉ để lấp khoảng trống cho thời gian chờ có việc tốt hơn. Gần đây, 400 phụ nữ đã không đến làm việc và nguyên nhân là tất cả đang tham gia kỳ thi tuyển dụng giáo viên cho chính phủ, dù thực tế mức lương giáo viên thấp chỉ bằng một phần ba số tiền mà Foxconn trả cho họ.

Jennifer Jayadas (trái), cùng cha mẹ tại ngôi nhà hai phòng của họ. (Ảnh: Bloomberg)

Sau ca làm việc của mình, Jayadas lên xe buýt và trở về nhà trước 4 giờ chiều. Cô bắt đầu nấu ăn, sau đó lấy 12 thùng nước từ vòi trên đường để đảm bảo nhu cầu sử dụng nước hàng ngày cho toàn bộ gia đình. Thu nhập từ việc sửa chữa radio và đầu DVD của cha cô thì ít ỏi và thất thường. Do vậy, toàn bộ tiền lương đều được cô đưa hết cho cha mẹ. "Trước tiên, tôi muốn sửa chữa mái nhà", Jayadas nói và chỉ tay về phía bức tường bị hư hỏng và mái nhà lợp bằng lá mong manh. "Sau đó, tôi muốn tiết kiệm tiền cho một khóa học làm đẹp".

Theo VNE

Các tin cũ hơn