|
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh dự kiến sẽ đến Biển Đông vào năm 2021(Ảnh: Plymouthherald) |
“Trước đây, các nước châu Âu không muốn lên tiếng về những vấn đề an ninh ở Đông Á, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay họ cần phải tham gia”, ông Frans-Paul van der Putten, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Clindengdael, một tổ chức nghiên cứu tư vấn chính sách ở Hà Lan, nói.
“Đưa tàu chiến đến Biển Đông sẽ giúp châu Âu có tiếng nói lớn hơn với Mỹ và Trung Quốc trong những vấn đề địa chính trị gần với họ”, SCMP dẫn lời ông Van der Putten.
“Châu Âu từ lâu đã quen với việc đứng giữa 2 cường quốc - Mỹ và Nga - nhưng quan hệ Mỹ - Trung ngày càng tác động lớn hơn đến vị thế địa chính trị của châu Âu. Điều này tạo nên thế khó xử mới cho các chính phủ châu Âu khi họ chịu sức ép phải chọn phe”, ông Van der Putten đánh giá.
Cuối tháng trước, Anh, Pháp và Đức ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông. Ba nước kêu gọi các bên liên quan đến tranh chấp ở vùng biển này “có các bước đi và biện pháp để giảm căng thẳng, đóng góp cho hòa bình, ổn định và an toàn ở khu vực”. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều hành động ngang nhiên vi phạm vùng biển của các nước khu vực, gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Dù không phải một bên liên quan, Mỹ coi Biển Đông là một phần của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm kiểm soát sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Trong một bước đi nhằm thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết, Mỹ và Anh thực hiện một cuộc diễn tập hàng hải chung trên Biển Đông vào tháng 2 năm nay. Năm ngoái, Pháp đưa tàu chiến Dixmude và một tàu khu trục tiến gần các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hoá. Anh cũng ngày càng quan tâm đến hoạt động tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế cùng Mỹ và đồng minh Úc. London có kế hoạch sẽ đưa tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth đến châu Á - Thái Bình Dương để thực hiện chuyến làm nhiệm vụ đầu tiên, dự kiến vào năm 2021.
Dù hợp tác về quân sự, Mỹ và châu Âu có nhiều khác biệt trong lĩnh vực chính trị và kinh tế.
Giữa tuần trước, việc Ngân hàng trung ương châu Âu thông báo triển khai gói kích thích kinh tế và giảm lãi suất lớn nhất trong 3 năm qua khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp trả bằng thông điệp giận dữ trên Twitter: “Họ đang cố gắng, và thành công, trong việc đánh tụt giá trị đồng Euro trước đồng USD rất mạnh, gây tổn thương cho xuất khẩu của Mỹ”.
Tháng trước, ông Trump chỉ trích chính phủ Pháp đánh thuế dịch vụ công nghệ mà ông cho là nhắm vào các hãng công nghệ Mỹ và dọa sẽ đáp trả bằng cách đánh thuế rượu vang Pháp. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố EU sẽ đáp trả nếu Mỹ làm như vậy.
EU cũng đang mâu thuẫn với Trung Quốc trước tình trạng các doanh nghiệp châu Âu bị đối xử không công bằng khi làm ăn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong một tài liệu công bố đầu năm nay, Ủy ban châu Âu thúc giục lãnh đạo các nước thành viên thông qua kế hoạch hành động 10 điểm gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh kinh tế” và “đối thủ hệ thống đang tìm cách phổ biến mô hình quản trị thay thế”. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Berlin gia tăng trong tuần qua sau khi Ngoại trưởng Đức Heiko Mass gặp “nhà hoạt động Hong Kong” Joshua Wong tại thủ đô của Đức.
Không chỉ là đối tác thương mại
Sarah Raine, nhà nghiên cứu cấp cao về địa chính trị và chiến lược tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London, nói rằng không có gì ngạc nhiên khi châu Âu muốn góp vai trò trong các tranh chấp ở Biển Đông và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực.
“Đó là hệ quả tự nhiên của thực tế là châu Âu đã chán bị coi chỉ là một đối tác thương mại và không phù hợp trong những vấn đề chiến lược lớn của châu Á”, bà Raine nói.
“Để tham gia nhiều hơn vào các diễn biến trên Biển Đông, các quốc gia dẫn đầu trong EU đang phối hợp với nhau để hỗ trợ những giải pháp đa phương cho các vấn đề đa phương thông qua đối tác đa phương như ASEAN, tất cả đều trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”, bà nói.
Theo nhà nghiên cứu Siemon Wezeman, công tác tại Chương trình nghiên cứu về chi tiêu quân sự và chuyển giao vũ khí Sipri ở Thuỵ Điển, EU đang nỗ lực tăng vị thế của mình trước Trung Quốc và Mỹ bằng cách thể hiện rằng họ cũng là một người chơi lớn ở vùng biển tranh chấp.
“EU không phải Trung Quốc, và chắc chắn không phải Mỹ của ông Trump. Họ muốn thể hiện rằng họ vẫn ở đó, vẫn có vai trò”, ông Wezeman nói với SCMP.
“Ba bên vừa ký tuyên bố chung (Anh, Pháp và Đức) đặc biệt quan tâm đến khu vực. Họ có lợi ích thương mại...nếu xảy ra sự cố trên Biển Đông, họ sẽ bị ảnh hưởng”. Ông Wezeman
Theo Tiền Phong