Việc lên danh sách các công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc (PLA) được coi là một nỗ lực của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm giúp các công ty Mỹ thận trọng hơn khi lựa chọn đối tác làm ăn, bảo vệ chuỗi cung ứng quốc phòng và các công nghệ nhạy cảm, theo các nguồn tin giấu tên.
Động thái diễn ra trong bối cảnh giới chức quân sự Mỹ đang lo ngại về các lỗ hổng nghiêm trọng trong ngành công nghiệp sản xuất có thể giúp PLA thu thập thông tin giá trị cao thông qua những công ty Trung Quốc hoạt động tại Mỹ.
Lầu Năm Góc và Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về thông tin này, nhưng nhiều quan chức cho rằng đây là động thái cần thiết. Nghị sĩ Mỹ Mike Gallagher khẳng định người Mỹ "có quyền được biết liệu các công ty do PLA chỉ đạo có đang hoạt động ở Mỹ và đe dọa tới an ninh quốc gia của chúng ta hay không".
Logo của tập đoàn Huawei trong một triển lãm tại Trung Quốc hôm 16/4. (Ảnh: Reuters). |
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, ủy viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho rằng danh sách các công ty có liên hệ với PLA đáng ra phải được lập từ lâu. Theo ông, các nhà đầu tư Mỹ cần xác định được những công ty không chỉ có liên hệ với PLA mà còn dính dáng đến các hoạt động gián điệp và chính sách "Made in China 2025" của Trung Quốc.
Một số quan chức khác cũng cảnh báo về việc phải bảo vệ chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Mỹ bởi Trung Quốc có thể cấy ghép những chi tiết tinh vi trong các công nghệ được quân đội Mỹ sử dụng và gây tổn hại cho các vũ khí của Washington, từ tên lửa hành trình đến máy bay chiến đấu.
"Các hoạt động tác động vào chuỗi cung ứng như vậy rất khó phát hiện. Biện pháp tốt nhất của Lầu Năm Góc hiện chỉ dựa vào nỗ lực nhận diện các công ty đáng tin cậy, như việc lựa chọn nhà cung cấp mạng 5G hoặc liệt vào danh sách đen những công ty có dấu hiệu bị tình báo Trung Quốc chi phối", Paul Triolo, chuyên gia của Eurasia Group, đánh giá.
Trước đó, Mỹ đã kêu gọi các đồng minh, không sử dụng thiết bị của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei bởi chúng có thể được Bắc Kinh dùng cho mục đích gián điệp.
Theo VNE