Thông tin đăng tải mới đây trên trang web của Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết, các thực thể mà mạng lưới UAV này theo dõi sẽ bao gồm các đảo không người ở, khó tiếp cận cũng như các vùng biển mở rộng lớn tại Biển Đông.
Chuỗi liên lạc bằng máy bay không người lái giúp nâng cao năng lực giám sát trên Biển Đông, mở rộng tầm giám sát của Trung Quốc tới các vùng biển khác, Bộ này cho biết.
Mô hình mạng lưới UAV của Trung Quốc. (Ảnh: SCMP) |
Theo SCMP, mạng lưới này sẽ bao gồm các UAV được trang bị camera độ phân giải cao, bao quát nhiều góc độ cùng các thiết bị liên lạc di động đóng vai trò như các các trạm chuyển tiếp và mạng lưới viễn thông hàng hải dựa trên vệ tinh. Đây được xem là sự bổ sung cho hệ thống cảm biến từ xa của vệ tinh Trung Quốc, vốn thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều mây trong khu vực.
Các xe tiếp nhận thông tin có thể di chuyển tới các điểm không có trạm thông tin mặt đất để tiếp nhận tín hiệu mà các máy bay không người lái gửi về. Những tín hiệu này sẽ được chuyển lên mạng lưới vệ tinh dưới dạng hình ảnh tĩnh hoặc video trực tiếp trước khi được hiển thị trụ sở cơ quan phụ trách vùng biển phía Nam tại Bộ Tài nguyên Trung Quốc cách đó hàng nghìn km.
Bộ Tài nguyên Trung Quốc nhấn mạnh hệ thống này sẽ giúp quản lý hàng hải, giám sát các hành động đáng ngờ, các địa điểm hay xảy ra bất ổn hay theo dõi các đảo và các vùng biển theo thời gian thực. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quan sát thảm họa và ứng phó khẩn cấp.
Động thái mới của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này đang tăng cường các hoạt động bồi đắp các thực thể mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép tại Biển Đông cùng hàng loạt các hành động quân sự hóa vi phạm luật pháp quốc tế.
Hành động ngang ngược và phi pháp của Trung Quốc gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng quốc tế.
Theo SCMP, Trung Quốc đang phóng hệ thống vệ tinh nhằm thiết lập chòm sao vệ tinh Hải Nam với mục đích giám sát các hoạt động tại Biển Đông. Hệ thống này bao gồm 6 vệ tinh quang học, 2 vệ tinh siêu âm và 2 vệ tinh radar, dư kiến sẽ hoàn tất vào năm 2021.
Cùng với đó, Bắc Kinh tiếp tục thiết lập các hệ thống radar thời tiết, theo dõi hàng hải, các trạm giám sát môi trường cung cấp thông tin cho các lực lượng hoạt động trên biển.
Theo VTC