Trong cuộc phỏng vấn tối 10/9, ông Rodrigo Duterte cho biết tại cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh cuối tháng 8, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết sẽ để Philippines hưởng phần lớn hơn trong đề xuất chia sẻ tài nguyên ở Biển Đông theo tỷ lệ 60:40.
Đổi lại, Bắc Kinh muốn Manila gạt phán quyết Tòa Trọng tài sang 1 bên.
"Đặt phán quyết sang một bên, chúng tôi sẽ cho phép mọi người kết nối với các công ty Trung Quốc", ông Duterte thuật lại lời của ông Tập.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trả lời phỏng vấn tại Điện Malacañan hôm 10/9. (Ảnh: Phủ Tổng thống) |
"Chúng tôi chấp nhận để các ông hưởng 60%: Đó là lời hứa của ông Tập. Họ sẽ chỉ nhận được 40%", nhà lãnh đạo Philippines nói thêm.
Khi được hỏi tỷ lệ này có áp dụng các các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hay không, ông Duterte cho biết:"Vùng đặc quyền kinh tế là một phần phán quyết của Tòa Trọng tài mà chúng tôi sẽ bỏ qua để theo đuổi một hoạt động kinh tế", ông cho hay.
Tòa Trọng tài tại The Hague năm 2016 ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc, đồng thời công nhận quyền chủ quyền của Philippines tại một số khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này nhưng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Vẫn chưa rõ các khu vực tranh chấp có nằm trong kế hoạch thăm dò tài nguyên chung của Philippines với Trung Quốc hay không.
Khẳng định sẵn sàng gạt bỏ phán quyết Biển Đông 2016 để đổi lại hợp tác khai thác dầu khí chung với Trung Quốc, ông Duterte cho thấy sự bất nhất trong những tuyên bố của chính quyền Manila về vấn đề này.
Phủ Tổng thống Philippines nhiều lần khẳng định Manila sẽ không từ bỏ phán quyết Biển Đông, nhấn mạnh phán quyết là cuối cùng, mang tính ràng buộc và không thể kháng cáo.
"Tuyên bố của chúng tôi, như Tổng thống đã nói, phán quyết về Biển Đông là cuối cùng, ràng buộc và không thể kháng cáo. Chúng tôi sẽ phải tìm kiếm cơ chế để thực thi nó", người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo nói hôm 5/9.
Trước chuyến thăm Bắc Kinh, Tổng thống Duterte còn nhiều lần bóng gió ông sẽ hủy gặp Chủ tịch Tập Cận Bình nếu phán quyết Biển Đông bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự giữa lãnh đạo 2 nước.
Nhiều chính trị gia Philippines từng kịch liệt phản đối đề xuất khai thác dầu khí chung với Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Manila không thể tin tưởng vào những hứa hẹn từ Bắc Kinh.
Phó Tổng thống Leni Robredo tháng trước cảnh báo ông Duterte đã không tận dụng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế năm 2016 vốn khẳng định quyền của Philippines trong vùng biển của nước này.
Bà Robredo nói thêm rằng người dân Philippines đang lo sợ một ngày nào đó, họ sẽ thức dậy và nhận ra nhiều phần lãnh thổ của Philippines không còn là của Philippines nữa.
Cựu Tổng thống Benigno Aquino III thì cho rằng khu vực biển Tây Philippines (Biển Đông) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila (EEZ) nên quốc gia này không có nghĩa vụ phải chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc.
"Tỷ lệ thương lượng là 60-40 nghiêng về Philippines. Nhưng cuối cùng nó có thể đảo ngược. Trung Quốc sẽ cố đạt tới 60 hoặc 70", ông cảnh báo, khẳng định không thể tin tưởng Bắc Kinh và nhấn mạnh đề xuất của Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho quốc gia mình.
Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio nhắc lại các điều khoản trong Hiến pháp năm 1987 quy định cấm phát triển chung trong vùng EEZ.
Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal cũng khẳng định phát triển chung trong một khu vực như vậy được coi là "không phù hợp" với phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra năm 2016.
Trong phán quyết của mình, Tòa Trọng tài khẳng định "đường lưỡi bò" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, nghĩa là nó không có giá trị gì để Trung Quốc đòi quyền khai thác tài nguyên trong "đường lưỡi bò".
Theo VTC