Đêm 12/9, hai con người từng yêu nhau - cựu binh Mỹ Ken Reesing và người phụ nữ Việt có tên Thúy Lan (tên thật Vũ Thị Vinh) - tái ngộ ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Mái tóc của hai người đều đã ngả màu, và ký ức cũ chỉ còn là những mảnh ghép rời rạc.
Bà hỏi vì sao đã qua 50 năm còn tìm, ông chỉ nhẹ nhàng bảo: “Còn yêu thì tìm”. Dường như 50 là con số định mệnh gắn với cuộc tình kỳ lạ của họ.
Lời hứa từ quá khứ
Những tháng gần đây, cuộc sống bình lặng của bà Thúy Lan (67 tuổi, ngụ phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) có nhiều xáo động. Bà được nhiều người biết đến, nhận nhiều lời chúc mừng và thời gian biểu mỗi tối có thêm một việc, đó là nói chuyện với ông Ken Reesing (ngụ quận Medina, bang Ohio, Mỹ) - một cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam.
Bà Thúy Lan khi còn trẻ. (Ảnh: Người Đồng Nai) |
Cái tên Thúy Lan bắt đầu được biết đến từ tháng 6/2019, khi hình ảnh bà ở tuổi 17 được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội cùng lời nhắn nhủ từ nước Mỹ xa xôi:
“Xin chào, tôi là Ken Reesing (cựu binh Mỹ) từng đóng quân tại căn cứ Long Bình (Biên Hòa) năm 1969. Tại đây tôi đã quen và yêu một cô gái tên là Thúy Lan. Khi đó cô ấy làm việc tại EM Club trong căn cứ Long Bình (cô ấy giờ có lẽ khoảng 70 tuổi). Tôi chưa bao giờ ngừng nghĩ về cô ấy.
Tôi đã hứa với cô ấy sẽ quay trở lại nhưng vì nhiều lý do tôi đã không thể. Tôi muốn tìm lại cô gái ấy, người luôn hiện hữu trong trái tim tôi, chỉ để biết rằng cô ấy có còn sống và hạnh phúc và tôi sẽ không xen vào cuộc sống của cô ấy”.
Một thời gian ngắn sau, có người tìm đến nhà để xác nhận xem bà có phải là cô gái trẻ trong bức ảnh hay không. Tuy nhiên, với những câu hỏi được đưa ra, bà Lan đều không trả lời đúng.
“Mọi chuyện đã qua 50 năm, tôi gần như quên tất cả. Ví dụ như chuyện bì thư ông ấy hỏi, tôi không nhớ, tôi không biết ông đưa tôi lúc nào nữa. Hay những tấm hình của tôi, tôi không thể nhớ được đã cho ông ấy lúc nào, nhưng ông ấy nhớ tất cả và giữ lại tất cả”, bà Lan tâm sự.
Dù không thể nhớ chuyện gì nhưng ngay khi nhìn thấy hình ông Ken chụp cùng đồng đội, bà nhận ra ngay. Câu chuyện 50 năm trước lần nữa mở ra trước mắt 2 con người đang ở tuổi xế chiều.
Khoảng năm 1966, Ken Reesing nhập ngũ khi mới 20 tuổi. Hai năm sau đó, khi cuộc chiến ở Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, ông Ken được đưa sang làm việc ở trung tâm dịch vụ dữ liệu của quân đội Mỹ đóng tại căn cứ Long Bình (Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Ông Ken Reesing trở về Mỹ năm 1969. (Ảnh: NVCC) |
Đất khách quê người, không có nhiều người quen thân nên cứ tối đến, ông lại tới quán bar EM Club để thư giãn. Một hôm, chàng lính Mỹ 22 tuổi vô tình nhìn thấy cô gái người Việt phục vụ tại đây và si mê cô ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Cô gái Việt đó có mái tóc dài đen óng và nụ cười duyên dáng tuyệt đẹp. Ken đến quán bar thường xuyên hơn và lặng lẽ ngồi gần nơi cô làm việc. Chàng trai trẻ lén nhìn trộm cô. Một lần tình cờ ánh mắt 2 người "va" vào nhau và họ cùng mỉm cười. Từ đó, họ bắt chuyện với nhau và dần trở nên thân thiết.
Cứ cuối tuần, sau khi Thúy Lan đi nhà thờ về, Ken lại cùng người yêu hẹn hò ở gần doanh trại. Họ cứ thế yêu nhau bằng thứ cảm xúc mãnh liệt mà đơn giản nhất.
Một ngày tháng 9/1969, Ken nhận được lệnh rời quân ngũ sớm để trở lại Mỹ. Ngày rời Việt Nam cận kề, cả hai dần ít nói hơn. Sau thời gian suy nghĩ, chàng lính trẻ hỏi người yêu có muốn rời Việt Nam cùng mình hay không. Cô lắc đầu từ chối.
“Tôi là con đầu trong gia đình có 7 người nên không thể đi cùng ông ấy. Tôi quen sống cuộc sống ở Việt Nam”, bà nhớ lại.
Đó là lần duy nhất Ken hỏi người yêu điều đó vì tin rằng mình sẽ sớm trở lại để cưới cô gái này. Chàng lính trở về quê hương với lời hứa sẽ không để cô gái của mình chờ đợi quá lâu.
Nhưng thời gian ấy lại kéo dài đến 50 năm.
Lỡ hẹn một lần, chờ nửa thế kỷ
“Đôi khi lỡ hẹn một giờ, lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm” (Bùi Giáng) - câu thơ ấy như vận đúng cho mối tình giữa ông Ken Reesing và bà Thúy Lan. Ông bà không mất trăm năm, nhưng mất một nửa số ấy, mất đủ nửa đời người.
Ông Ken trở lại tìm bà Lan đúng 50 năm sau ngày chia tay. |
Ngày chia tay càng đến gần càng trở nên khó khăn hơn với cả hai. Một ngày trước cuộc gặp cuối cùng với người yêu, Ken mua tập bì thư rồi đánh số từ 1 đến 50 với lời ước hẹn: “Khi lá thư cuối cùng được gửi đi, anh đang trên đường trở về tìm em”.
Chàng trai tuổi đôi mươi cứ nghĩ rằng cô gái anh yêu sẽ viết cho mình mỗi tuần một bức thư và chỉ mất 1 năm, anh sẽ trở lại tìm cô. Nhưng cô gái thì không nghĩ vậy, cô viết thư cho anh rất thường xuyên. Những lá thư là cầu nối duy nhất giữa hai con người cách xa nhau nửa vòng trái đất. Mỗi tuần Ken đều nhận được nhiều thư từ Việt Nam và chưa hết năm 1969, số bì thư Ken để lại đã hết.
“Tôi suy nghĩ đến việc tái ngũ nhưng ai cũng phản đối gay gắt điều đó. Người Mỹ thời điểm đó rất ghét cuộc chiến ở Việt Nam và ghét cả những ai tham chiến ở đó”, ông Ken kể.
Cuộc chiến ở Việt Nam những năm 1970 là điểm nóng tại Mỹ. Dư luận Mỹ phản đối gay gắt việc quân đội có mặt ở Việt Nam và liên tục biểu tình phản đối để yêu cầu chính phủ ngừng can thiệp vào đất nước này. Không muốn sa lầy ở miền Nam Việt Nam, chính phủ Mỹ rục rịch rút quân.
Một bức thư bà Lan gửi cho ông Ken năm 1969. (Ảnh: NVCC) |
Cũng như những người dân Mỹ khác, Ken không hề muốn cuộc chiến tiếp tục. Tuy nhiên, lời hứa với Lan cứ đè nặng tâm trí khiến ông nhiều lần tìm cách trở lại Việt Nam nhưng không thành. Khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, căn cứ Long Bình cũng biến mất và hai người mất hoàn toàn liên lạc với nhau.
Sau ngày đó, ông Ken cố gắng gửi đi nhiều bức thư nữa đến EM Club với hy vọng mong manh sẽ có ai đó giúp ông chuyển đến tay Lan, nhưng đổi lại là sự im lặng kéo dài.
“Thời điểm đó tôi chỉ còn biết tự trách mình vì thất hứa. Tôi ước tôi biết rõ hơn về cô ấy như địa chỉ nhà, tên tuổi cụ thể. Trái tim tôi vỡ vụn và cảm thấy thật khờ dại”, ông Ken tâm sự.
Cũng từ đó, ông sống những ngày dằn vặt với mối tình không trọn vẹn. Niềm day dứt không biết bà Lan còn sống sót qua cuộc chiến hay không đeo bám ông cho đến tận 50 năm sau. Tim ông thắt lại khi nghĩ đến việc vĩnh viễn không còn gặp lại người con gái xinh đẹp kia nữa.
Còn về phía bà Lan, khi bức thư thứ 50 được gửi đi, Ken không trở lại nhưng bà vẫn viết và viết liên tục cho đến ngày chiến tranh kết thúc dù nhiều bức thư sau này không còn nhận được hồi âm. “Khi chiến tranh kết thúc, việc một gia đình người Việt có liên quan đến lính Mỹ sẽ gây nhiều khó khăn. Chính vì vậy mẹ tôi quyết định đốt hết tất cả thư từ, hình ảnh của ông Ken mà tôi đang giữ”, bà Lan kể lại.
Bà cứ nghĩ ông Ken đã yên ổn gia đình ở bên kia địa cầu mà không biết rằng ông vẫn luôn tìm kiếm bà. |
Không còn nhận được hồi âm, bà cứ nghĩ ông đã yên ổn gia đình ở bên kia địa cầu. Nỗi buồn xa cách người yêu dần nguôi ngoai, bà lấy chồng nhưng không hạnh phúc nên chỉ ở với nhau được một năm thì quyết định chia tay và ở vậy nuôi con.
Khoảng năm 1990, bà mở một quán cháo nhỏ gần ngã ba thành (đường Phan Đình Phùng, phường Thanh Bình, TP Biên Hòa) để mưu sinh. Hình ảnh ông Ken và kỷ niệm thời tuổi trẻ cũng theo ngọn lửa đốt thư từ năm xưa mà tan biến.
“50 năm qua, tôi gần như đã quên hết tất cả. Tôi cứ ngỡ mọi chuyện đã trôi hết vào dĩ vãng mà không hề biết ông ấy vẫn tìm tôi suốt 50 năm dài như vậy. Khi tìm lại được nhau, tôi hỏi vì sao vẫn tìm tôi, ông ấy nói rằng: Còn yêu thì tìm”, bà Lan nghẹn ngào.
Nhiều người từng hỏi vì sao ông phải mất đến 50 năm mới tìm được bà nhưng ông không trả lời, vì với ông điều quan trọng nhất chính là bà vẫn còn sống…
Theo VTC