Nghiên cứu mới nhất: Không có bằng chứng khoa học liên quan giữa thịt đỏ và ung thư

Thứ ba, 08/10/2019, 11:32
Nghiên cứu được công bố mới đây đã gây ra nhiều tranh cãi và bối rối cho các nhà khoa học, cũng như người tiêu dùng.

Từ hàng thập kỷ trước, chúng ta đều được các nhà khoa học, chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng nên hạn chế ăn thịt đỏ, đặc biệt là ở dạng chế biến. Những thông tin như tiêu thụ thịt đỏ, thịt chế biến làm tăng nguy cơ mắc ung thư trực tràng từ 20% đến 30% hay gây bệnh tim,… đã quá phổ biến.

Nhưng nghiên cứu được công bố mới đây đang làm choáng váng các nhà khoa học cũng như cộng đồng y tế, thách thức mọi tư vấn dinh dưỡng kéo dài hàng thập kỷ này và có thể giúp bạn "bật đèn xanh" cho thịt đỏ hay thịt chế biến.

Theo báo cáo được đăng tải trên Annals of Internal Medicine, do Bradley C. Johnston thuộc Đại học Dalhousie ở Canada cùng mười ba nhà nghiên cứu các khác thực hiện, đã kết luận rằng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh được mối liên hệ giữa tiêu thụ thịt với bệnh tim và ung thư.

Họ tiến hàng phân tích, thống kê năm mô hình khác nhau, với sự tham gia của từ 1,2 đến 6 triệu người tiêu thụ thịt đỏ. Kết luận được đưa ra là việc giảm lượng tiêu thụ thịt đỏ làm giảm rất ít nguy cơ dẫn đến các bệnh tim mạch (bệnh tim mạch, đột quỵ, và nhồi máu cơ tim) hay tử vong do ung thư.

Nói cách khác, không có nhiều sự khác biệt về sức khỏe tim mạch hoặc tỷ lệ ung thư giữa những người thường xuyên ăn với những người ăn ít thịt đỏ, trái ngược với các bằng chứng trước đây.

Kết quả nghiên cứu đáng ngạc nhiên này đã vấp phải sự chỉ trích và hoài nghi từ các nhà khoa học dinh dưỡng, tổ chức y tế. Nhiều người cho rằng Johnston có mối liên hệ với Viện Khoa học Đời sống Quốc tế (hay ILSI), nhóm thương mại công nghiệp được hỗ trợ phần lớn bởi các công ty kinh doanh nông sản, thực phẩm và dược phẩm, bao gồm cả McDonald's, Coca-Cola, PepsiCo và Cargill - một trong những nhà chế biến thịt bò lớn nhất ở Bắc Mỹ.

ILSI được thành lập bởi một giám độc điều hành của Coca-Cola từ 40 năm trước, từ lâu đã bị Tổ chức Y tế Thế giới và những chuyên gia khác cáo buộc cố gắng làm suy yếu các khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng để thúc đẩy lợi ích của các công ty thành viên.

Trong khi đó, Johnston tuyên bố mối quan hệ trong quá khứ của mình với ILSI không ảnh hưởng đến nghiên cứu về thịt. Ông cho biết từng được ILSI tài trợ vào năm 2015 nhưng trong nghiên cứu này, không hề có mối quan hệ hay lợi ích cạnh tranh nào.

Dẫu vậy, các nhà phê bình cho rằng trong khi Johnston có thể đã thực hiện đầy đủ các quy tắc công bố thông tin, ông đã không tuân thủ tinh thần công khai tài chính. Vào năm 2016, Johnston cũng là tác giả chính trong nghiên cứu tương tự, phản đối lại lời khuyên tiêu thụ ít đường đã tồn tại bấy lâu.

Nhiều người tiêu dùng khi được hỏi tỏ ra hoang mang và bối rối. Một số cho rằng vẫn không nên tiêu thụ nhiều thịt đỏ vì điều đó không có lợi cho môi trường.

Theo GenK

Các tin cũ hơn