Trump tuyên bố rằng ông Kim sẽ bắt đầu một quá trình "khiến nhiều người cảm thấy hân hoan và rất an toàn". Nhưng sau đó Triều Tiên vẫn thực hiện hơn một chục vụ thử tên lửa tầm ngắn, pháo phản lực và còn tuyên bố dừng đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ. Họ dọa tặng Mỹ "món quà Giáng sinh" nếu Mỹ không thay đổi lập trường mà họ coi là "thù địch" trước thời hạn cuối năm.
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng hai. (Ảnh: Reuters). |
Nhiều người đổ lỗi cho Triều Tiên, cho rằng họ không nghiêm túc trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và đưa ra một loạt yêu cầu phi thực tế khi Trump - Kim gặp nhau lần thứ hai tại Hà Nội vào tháng hai.
Nhưng cũng có nhiều bằng chứng cho thấy Trump và các phụ tá cũng có lỗi trong việc làm trật bánh các cuộc đàm phán. Ông đưa ra những thông điệp bất nhất, không thấu hiểu đối tác, yêu cầu quá nhiều và đưa ra những lời hứa không thể thực hiện.
Trump đã thuyết phục Trung Quốc và Nga áp đặt một số lệnh trừng phạt nặng nề nhất với Triều Tiên. Việc ông đe dọa trút "lửa và thịnh nộ" lên Triều Tiên năm 2017 đã khiến họ lo lắng và cảm thấy cần ngồi vào bàn đàm phán, theo Andrei Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin ở Seoul.
Trump khiến Triều Tiên tin rằng ông có thể xem xét triển khai hành động quân sự. Ông thực hiện điều mà chưa Tổng thống Mỹ nào làm: mở cửa cho các cuộc đàm phán thượng đỉnh. Nhiều nhà phân tích nói rằng ông Kim đã đến Singapore với tinh thần sẵn sàng thảo luận nghiêm túc về một thỏa thuận, giảm kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy hòa bình và mối quan hệ tốt hơn với Mỹ.
Nhưng Trump đã mắc ít nhất hai sai lầm chính ở Singapore. Ông không yêu cầu Kim Jong-un định nghĩa rõ ràng "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Mỹ cho rằng cụm từ này có nghĩa là Triều Tiên đơn phương phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, Triều Tiên cho rằng trước hết Mỹ cần loại bỏ "mối đe họa hạt nhân" đối với đất nước họ. Bình Nhưỡng nói vào tháng 12/2018 rằng Mỹ đã "hiểu sai" cụm từ.
Trump cũng cam kết chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, lời hứa mà quân đội của ông không thể thực hiện. Các cuộc tập trận được thu nhỏ quy mô nhưng không bị xóa bỏ hoàn toàn, bởi liên quân Mỹ - Hàn cần thực hiện chúng để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu. Triều Tiên nói rằng họ bị phản bội và cảm thấy họ không còn bắt buộc phải giữ lời hứa.
Điều đó đã mở ra những vấn đề lớn trong quá trình đối thoại. Triều Tiên tin rằng họ xứng đáng nhận được một điều gì đó, như Mỹ - Hàn kết thúc các cuộc tập trận, để đổi lại việc họ ngừng thử tên lửa tầm xa và hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ tin rằng bản thân nỗ lực đàm phán đã là "phần thưởng" cho việc Triều Tiên dừng thử vũ khí.
Trong khi Trump đang đàm phán với Kim Jong-un, Mỹ - Trung lâm vào cuộc chiến thương mại với các đòn áp thuế lẫn nhau. Điều đó làm suy yếu sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên và giúp ông Kim có cơ hội sửa chữa mối quan hệ với Trung Quốc, vốn nguội lạnh từ trước năm 2018.
Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc đang đưa một lượng lớn du khách đến Triều Tiên và đã nới lỏng đáng kể các lệnh trừng phạt. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến chiến dịch gây áp lực tối đa của Trump đối với Triều Tiên bị suy yếu.
Tại Hà Nội, Trump cho thấy ông không hiểu rõ động lực thúc đẩy ông Kim ngồi vào bàn đàm phán. Trump đề xuất về "một tương lai tươi sáng" cho Triều Tiên, tức triển vọng hợp tác kinh tế, chỉ khi họ từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân. Hứa hẹn về "các giao dịch lớn" không phải là mối quan tâm của Triều Tiên. Bình Nhưỡng cảm thấy họ bị yêu cầu từ bỏ an ninh của chính quyền để đổi lấy một lời hứa đầu tư mơ hồ. Đó chưa bao giờ là canh bạc hấp dẫn đối với ông Kim.
Bằng cách đòi hỏi tất cả mọi thứ, Washington có nguy cơ không nhận được gì. Các nhà phân tích cho rằng họ nên đề ra những mục tiêu thực tế hơn như kiềm chế và giảm kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên để đổi lấy mối quan hệ tốt hơn.
Nhưng sai lầm lớn nhất ở Hà Nội có thể là việc Trump quyết định hủy bữa trưa làm việc và kết thúc cuộc họp sớm. Chiến thuật này có thể có hiệu quả khi thương lượng về giao dịch bất động sản, nhưng không hiệu quả khi đàm phán với người đứng đầu một quốc gia rất tôn trọng lãnh đạo. Động thái của Trump có thể khiến ông Kim cảm thấy bẽ mặt. Ông đã tỏ ra bực bội rõ rệt sau hội nghị thượng đỉnh và mối quan hệ đã tụt dốc từ đó.
Triển vọng cho bán đảo Triều Tiên năm 2020 rất ảm đạm. Những đe dọa của Trump về hành động quân sự không còn sức thuyết phục như hồi năm 2017, sau khi ông đột ngột ra lệnh rút quân khỏi Syria, khiến nhiều người cho rằng ông chỉ là "hổ giấy".
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã giảm nhiệt nhưng vẫn chưa kết thúc nên Mỹ không thể khiến các lệnh trừng phạt với Triều Tiên được áp đặt nghiêm ngặt như trước đây. Trong khi đó, Triều Tiên dường như đang quay trở lại con đường thử vũ khí và có những hành động khiêu khích.
"Chúng ta sẽ thấy căng thẳng dâng cao trở lại, hoặc sẽ có một số thỏa thuận nhỏ giúp hai bên duy trì nỗ lực ngoại giao hiện tại trong năm 2020 mà không có bất kỳ nhượng bộ lớn nào", cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Mintaro Oba nói.
Theo VNE