Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có các cuộc gặp riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi tới thành phố Thành Đô để có cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Theo Reuters, mặc dù lãnh đạo các nước dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế khác nhau song vấn đề Triều Tiên vẫn sẽ là chủ đề chi phối chương trình nghị sự lần này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 22/12 tổ chức một cuộc họp của các quan chức quân sự hàng đầu của nước này để thảo luận về việc tăng cường năng lực quân sự, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên đưa tin.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 23/12 sẽ gặp lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap) |
Triều Tiên đã đặt ra thời hạn cuối năm để Mỹ thay đổi những gì mà Bình Nhưỡng nói là chính sách thù địch trong bối cảnh nỗ lực nhằm đạt được tiến bộ trong cam kết chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên và thiết lập hòa bình lâu dài.
Ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau ba lần kể từ tháng 6/2018, nhưng đối thoại không có tiến triển, trong khi Triều Tiên yêu cầu các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ trước.
Hôm 21/12, các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên nói rằng Mỹ sẽ "trả giá đắt" vì can thiệp vào vấn đề nhân quyền của Triều Tiên và cảnh báo rằng "những lời lẽ thù địch" của Washington sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã gặp hai nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc trong chuyến thăm hai ngày tới Bắc Kinh vào tuần trước, sau các cuộc họp tương tự ở Hàn Quốc và Nhật Bản trước đó. Đây được xem là những nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn một cuộc đối đầu mới.
Tuần trước, Bắc Kinh và Matxcơva đề xuất Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Cả Nga và Trung Quốc cho rằng, đây là nỗ lực nhằm phá vỡ bế tắc hiện tại.
Tuy nhiên, không rõ liệu Bắc Kinh có thể thuyết phục Seoul và Tokyo có quan điểm khác với Washington hay không. Mỹ đã cho thấy quan điểm trái ngược và có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào.
Mặc dù Hàn Quốc coi Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc hồi sinh các cuộc đàm phán, nhưng đến nay họ vẫn bỏ qua các câu hỏi về việc liệu họ có ủng hộ đề xuất mới của Bắc Kinh và Matxcova hay không. Nhật Bản, là nước ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên, cũng chưa đưa ra bình luận về đề xuất này.
Theo VTC