VARI, viện nghiên cứu đặt trụ sở ở bang Michigan, vi phạm Luật chống khai man, sau khi không tiết lộ tài trợ do Trung Quốc cấp cho hai nhà nghiên cứu của viện này cho Viện Y tế Quốc gia của Mỹ (NIH), Bộ Tư pháp Mỹ ra thông báo hôm 19/12. Vụ việc nằm trong chiến dịch chống hoạt động gián điệp và đánh cắp trí tuệ mà Mỹ cáo buộc do Trung Quốc thực hiện.
VARI bị cáo buộc "cố ý bỏ qua hoặc liều lĩnh coi thường" sự thật, khi từ tháng 1/2012 đến 8/2019, không tiến hành điều tra các khoản viện trợ nước ngoài của giới nghiên cứu.
Cơ quan tư pháp Mỹ cho rằng VARI biết đến tài trợ từ Trung Quốc khi nhận được thư của một viện nghiên cứu Trung Quốc. Thư đề cập đến Huaqiang Eric Xu, một nhà nghiên cứu của VARI, nhận "hỗ trợ hào phóng" từ chương trình vạn nhân tài của Trung Quốc.
Xu từng là điều tra viên chính của trung tâm nghiên cứu ma túy, hợp tác chiến lược giữa VARI và Viện dược liệu Thượng Hải của Trung Quốc. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Xu nhận hơn 10.000 USD trong giai đoạn 2013-2017.
VARI biết về tài trợ này khi duyệt thông cáo báo chí do Xu viết nhưng thay vì điều tra việc khai báo đầy đủ, VARI đã loại các khoản tài trợ của Trung Quốc ra khỏi thông cáo, Bộ Tư pháp Mỹ nói.
Jiyan Ma, nhà nghiên cứu khác của VARI, cũng nhận được tài trợ của Trung Quốc nhưng không tiết lộ cho NIH.
VARI cho biết hai nhà nghiên cứu đã từ chức và họ cũng hợp tác điều tra với Bộ Tư pháp nhiều tháng qua.
Khuôn viên Viện nghiên cứu Van Andel, bang Michigan, phía Tây Mỹ. (Ảnh: CC2.0). |
Viện chấp thuận đóng phạt 5,5 triệu USD nhưng phủ nhận trách nhiệm. "VARI không thừa nhận trách nhiệm pháp lý và vấn đề dân sự này không liên quan đến chất lượng nghiên cứu khoa học của Viện cũng như tính hợp lệ của kết quả nghiên cứu", VARI tuyên bố.
NIH trước đó gửi thư đến các viện nghiên cứu khắp Mỹ, yêu cầu giám sát các dự án nhận tài trợ liên quan đến các nhà nghiên cứu Trung Quốc hoặc người Mỹ gốc Hoa.
Một trong số dự án được nhắm đến là chương trình vạn nhân tài của Trung Quốc, vốn dùng để lôi kéo các nhà nghiên cứu ở Mỹ chia sẻ và truyền đạt kiến thức về Trung Quốc, để đổi lấy quyền lợi như lương bổng, tài trợ và không gian thí nghiệm.
Giới chức Mỹ cáo buộc chương trình này khiến các thành viên mới đánh cắp tài sản trí tuệ như dữ liệu quốc phòng liên quan đến động cơ máy bay của quân đội Mỹ. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong vụ kiện nhằm vào VARI.
Theo VNE