Hành tinh của chúng ta đang ấm dần lên, từ Bắc Cực cho tới Nam Cực. Kể từ năm 1906, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 0,9 độ C, kể cả ở những vùng cực lạnh giá. Tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu giờ đã không còn là tương lai gần hay xa mà đang xuất hiện ở khắp mọi nơi vào thời điểm hiện tại.
Trái đất nóng lên làm tan chảy sông băng, băng biển, làm thay đổi mô hình mưa và khiến động vật phải di cư vì mất nơi cư ngụ.
Dấu hiệu nóng lên toàn đang được quan sát thấy ở khắp mọi nơi trên thế giới. (Ảnh: WWF) |
Cụ thể, băng đang tan trên toàn thế giới, đặc biệt là các cực của Trái đất, bao gồm sông băng trên núi, các dải băng bao phủ Tây Nam Cực và Greenland và băng biển Bắc Cực. Trong Công viên Quốc gia Glacier của Montana, số lượng sông băng giảm xuống dưới 30 so với hơn 150 vào năm 1910.
Hiện tượng tan băng góp phần làm tăng mực nước biển. Mực nước biển toàn cầu tăng 3,2 mm mỗi năm. Tốc độ này đang được đẩy nhanh hơn trong những năm gần đây.
Nhiệt độ Trái đất tăng ảnh hưởng tới môi trường sống của động vật. Băng tan đe dọa môi trương sống của chim cánh cụt, gấu Bắc Cực, tuần lộc. Một số loài bướm, cáo phải di cư xa hơn về các vùng phía Bắc hoặc các khu vực có nhiệt độ cao hơn, mát mẻ hơn.
Một số vùng rơi vào tình trạng hạn hán nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ cháy rừng, mất mùa và thiếu nước. Đơn cử ở Australia, báo cáo của Cơ quan Khí tượng nước này cho biết cho phần lớn các khu vực của Australia đều có lượng mưa thấp hơn trung bình và đây là mùa Xuân khô nhất trong lịch sử.
Nguồn nước ở một số nơi xuống mức cạn kiệt, buộc chính quyền địa phương phải đưa ra các quy định khắt khe về việc sử dụng nước. Tại Sydney, nguồn cung nước giảm dưới 50% vào đầu năm nay và đang trên đà xuống dưới 40% vào đầu năm 2020. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng khiến nhiều khu vực ở Australia phải trải qua nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng.
Nóng lên toàn cầu cũng làm một số loại côn trùng như muỗi, ve, sâu có hại cho cây trồng phát triển mạnh. Chẳng hạn, quần thể bọ cánh cứng đang gặm nhấm hàng triệu ha cây trồng ở Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo đây mới chỉ là các dấu hiệu ban ban đầu.
Và nếu hiện tượng này vẫn tiếp tục và không có sự can thiệp, mực nước biển dự kiến sẽ tăng từ 26 đến 82 cm hoặc cao hơn vào cuối thế kỷ này. Các cơn bão trở nên mạnh hơn và thường xuyên ghé thăm hơn.
Lũ lụt và hạn hán cũng sẽ trở nên phổ biến hơn. Nước ngọt sẽ ít hơn vì các sông băng lưu trữ 3/4 lượng nước ngọt trên thế giới.
Một số bệnh tật cũng sẽ lây lan, như sốt rét. Hệ sinh thái sẽ tiếp tục thay đổi. Một số loài có thể di chuyển xa hơn về phía Bắc, một số loài khác như gấu Bắc Cực đừng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Các đợt nóng kỷ lục cũng sẽ được ghi nhận nhiều hơn với nhiệt độ năm nay lại cao hơn nhiệt độ năm trước.
Theo VTC