Ruộng lúa nứt nẻ do khô hạn

Thứ hai, 30/12/2019, 17:17
​Đầu mùa hạn, nông dân huyện Bắc Bình tự ý phá công trình thủy lợi, mở cửa ngăn để tháo nước về cứu lúa mới gieo vụ đông xuân.

Những ngày qua, ông Trần Văn Chuyển, người dân xã Sông Bình cầm cuốc ra nạo vét mương, lấy lượng nước đục còn lại vào chân ruộng của gia đình trên cánh đồng để cứu lúa nhưng vô vọng. Hơn một hecta lúa đã mọc xanh, cao hơn nửa gang tay, đứng trước nguy cơ chết khô. "Nước qua kênh hết sạch rồi, chỉ mong trời đổ mưa mới cứu được lúa", ông Chuyển nói.

Ông Trần Văn Chuyển trên ruộng lúa khô hạn.

Năm nay, lượng mưa ít đã khiến cho tỉnh Bình Thuận đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất, căng thẳng nhất là huyện Bắc Bình. Cánh đồng Bình Phụ rộng hơn 150 hecta kề bên kênh D8. Phần lớn các thửa ruộng đã nứt nẻ, khô khốc. Nhiều chòm lúa non héo úa, cháy vàng, trong khi nước thủy lợi từ hệ thống tưới Phan Rí - Phan Thiết đưa về đây như thường lệ đã bị ngắt. Dưới nắng gắt, nhiều nông dân đã lỡ gieo giống đứng ngồi không yên.

Anh Lê Xuân Tuấn cho biết đã đầu tư gần 8 triệu đồng cày ải, xuống giống một hecta lúa. Biết trước nước thủy lợi sẽ không về, nhưng gia đình anh vẫn quyết định làm. Những năm trước khi được thông báo thiếu nước, nhưng một số người làm liều vẫn có thu hoạch, nên giờ đây ai cũng làm theo. "Sống nhờ ruộng lúa, ngưng sản xuất ba tháng là đói, nên chúng tôi phải liều thôi", anh Tuấn nói.

Trước đây, vùng này trồng được lúa vụ ba nhờ nguồn nước thủy điện Đại Ninh chuyển về hệ thống tưới Phan Rí - Phan Thiết. Hiện, hồ thủy điện Đại Ninh chỉ còn khoảng 94 triệu m3; hồ chứa Cà Giây còn 27 triệu m3. Lượng nước này được dự báo có khả năng không đủ cho hơn 2.100 ha lúa đông xuân và gần 3.000 ha thanh long.

Do lượng nước tích trữ ít, huyện Bắc Bình buộc phải cắt nước, ngừng sản xuất vụ đông xuân ở cánh đồng Bình Phụ cũng như nhiều nơi khác trên toàn huyện để tránh bị thiệt hại.

Nhóm nông dân phá cửa xả kênh thủy lợi để dẫn nước về cứu lúa được chính quyền và công an giải thích.

Nửa tháng trước, phiên nước được mở qua kênh D8 để phục vụ đợt cuối cho 100 ha lúa vụ mùa sắp thu hoạch ở cánh đồng xã Lương Sơn. Thấy lúa mới gieo có nguy cơ chết khô, một số nông dân xã Sông Bình đã tự ý đập phá cửa cống để "trộm" nước. Một nhóm nông dân ở xã Bình An và Phan Thanh cũng đã kéo đến cống cách đó hơn 1,5 km, đập phá mối hàn, nâng cửa xả, tháo nước về cứu lúa non và một số loại cây trồng khác.

Khi đi ngăn chặn việc phá công trình đêm 13/12, ông Phan Anh Cường, Trưởng trạm thủy lợi Sông Lũy và nhân viên của trạm đã bị một số người quá khích cầm hung khí rượt đuổi, đòi hành hung trên đường kênh. "Anh em chạy thục mạng. Tôi bị vấp đá, té xuống dập đầu gối và hỏng điện thoại", ông Cường thuật lại.

Không dừng lại ở đó, chiều 16/12, tại khu vực đầu mối kênh D8 nối vào kênh ở xã Phan Lâm lại xuất hiện gần 40 người kéo đến phá cửa xả. Họ kéo dây xích, nâng cửa cống lên, tháo nước. Lãnh đạo Chi nhánh Thủy lợi Bắc Bình đến trực tiếp giải thích, cùng có sự hỗ trợ can thiệp của công an, đám đông mới rời đi.

Hai ngày qua, Chi nhánh Thủy lợi Bắc Bình đã phân tiếp phiên nước về kênh D8, cứu thanh long và cây trồng lâu năm ở hai xã Phan Lâm và Bình An. "Lường trước, chúng tôi đã đề nghị chính quyền cử lực lượng hỗ trợ bảo vệ công trình, nhờ đó không xảy ra tình trạng trộm nước phức tạp như phiên trước", ông Nguyễn Trọng Quý, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Bắc Bình - Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận nói.

Cánh đồng Bình Phụ, xã Sông Bình nứt nẻ do nắng hạn.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết huyện đã chỉ đạo các xã thành lập Ban chỉ đạo chống hạn, nạo vét kênh mương chống thất thoát, tiết kiệm nước khi tưới, đồng thời phối hợp với ngành thủy lợi bảo vệ công trình mỗi phiên nước. Phòng Nông nghiệp huyện theo dõi chặt diễn biến thời tiết, xây dựng lịch mở nước, cân đối lượng nước còn lại trong hệ thống thủy lợi.

Nếu hạn kéo dài, địa phương sẽ ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt của người dân, tiếp đó là nước uống cho vật nuôi, rồi mới cân đối cho sản xuất nông nghiệp.

Theo VNE

Các tin cũ hơn