|
Bức tường biên giới được xây dựng ở Donna, bang Texas, Mỹ. (Ảnh: NY Times). |
Hai ngày sau khi miễn cưỡng đồng ý bán đất cho chính phủ liên bang, ông Richard Drawe cùng vợ và mẹ đứng thật lâu trên mảnh đất gia đình ông từng sở hữu gần nửa thế kỷ ở Progreso, bang Texas, để ngắm nhìn những đàn sếu và cò thìa hồng.
Bức tường biên giới được xây dựng trên mảnh đất này sẽ chia cắt gia đình Richard với khung cảnh quen thuộc, nơi có con đê, hồ nước, cánh đồng hành tây và những đàn chim. Ông cũng không còn cơ hội nhìn ngắm dòng sông Rio Grande yêu dấu mỗi ngày.
Người đàn ông 69 tuổi nghi ngờ bức tường biên giới không chỉ để ngăn chặn dòng người di cư. Dù ủng hộ kế hoạch của Tổng thống, Drawe tin rằng cuộc sống của ông sẽ bị "hủy hoại" vì nó. Nhưng bán đất sớm là lựa chọn tốt và tiết kiệm hơn việc phải ra hầu tòa, bởi mảnh đất sẽ bị lấy đi bằng mọi cách.
Bức tường biên giới, các con đường và hệ thống đèn sẽ được xây dựng trên mảnh đất rộng hơn chục mẫu mà ông nội Drawe từng mua trong thập niên 1920.
"Cuối cùng, chúng tôi cũng phải bỏ cuộc. Nếu họ không xây tường biên giới, tôi đã không giao mảnh đất dù được cho một triệu đôla. Tôi không cần tiền. Nơi đây là cuộc sống của tôi", Drawe nói.
"Dù thương lượng với chủ đất hay đệ đơn kiện ra tòa để giành quyền sử dụng, họ cuối cùng vẫn lấy được đất để xây dựng bức tường biên giới", Roy Brandys, luật sư đại diện của Drawe, cho biết.
Theo thỏa thuận, Drawe sẽ bị cắt quyền sử dụng khu đất rộng hơn 140 hecta, nằm giữa bức tường biên giới và dòng sông, từ mảnh đất rộng 212 hecta. Thay vào đó, ông nhận 42.000 USD cho gần 5 hecta đất xây bức tường và khoảng 197.000 USD tiền bồi thường thiệt hại cho trang trại của gia đình.
Drawe có thể tiếp cận khu đất phía Nam bức tường nơi có cổng ra vào. Tuy nhiên, ông từng phát hiện các gói ma túy trong khu đất này và lo ngại các băng đảng tội phạm mà Trump coi là lý do để xây dựng bức tường biên giới, sẽ kiểm soát nó.
Khi tranh cử, Tổng thống Trump hứa hoàn thành bức tường biên giới dài hơn 720km trước năm 2021. Tuy nhiên, kế hoạch này hiện đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cuộc điều tra hợp đồng xây dựng, trì hoãn tài trợ và lệnh cấm sử dụng ngân sách quốc phòng cho hoạt động xây dựng. Lệnh cấm trên phạm vi liên bang ảnh hưởng tới hơn 280km của bức tường ở Laredo và El Paso ở Texas, Yma ở Arizona và El Centro ở California. Nhưng dàn xếp với các chủ sở hữu đất như Drawe có lẽ là rào cản lớn nhất đối với kế hoạch của Trump.
Hiện chính quyền Trump mới xây dựng được gần 150km của bức tường, chủ yếu nằm trên đất của liên bang để thay thế hàng rào cũ đổ nát, theo Cục Hải quan và Biên phòng (CBP) Mỹ. Theo kế hoạch, 260km của bức tường chạy qua phía Nam Texas, trong đó có 230km thuộc phần đất sở hữu tư nhân. Từ năm 2017, chính quyền Trump chỉ mua được gần 5km trong số này.
Nhân viên CBP Mark Morgan lo ngại bức tường khó có thể hoàn thành đúng hạn. "Ngay lúc này, tôi không chắc có thể hoàn thành kế hoạch xây bức tường đúng hạn. Nhưng tôi tự tin chúng tôi đang tới rất gần mục tiêu đó", Morgan cho biết.
Trong suốt nhiệm kỳ của Trump, Nhà Trắng không ngừng thúc giục Bộ An ninh Nội địa Mỹ đẩy nhanh tiến độ xây dựng bức tường, dưới sự giám sát của con rể Tổng thống, Jared Kushner. Khi áp lực thời gian ngày một lớn, Trump liên tục đề xuất kế hoạch trưng thu đất chủ sở hữu tư nhân.
Theo nhiều luật sư và học giả, luật pháp thường nghiêng về phía chính quyền và các chủ sở hữu có rất ít lựa chọn khi nhận được yêu cầu trưng thu đất từ chính phủ. Họ có thể tự nguyện cho khảo sát khu đất và chấp thuận đề nghị của chính phủ, hoặc có thể ra tòa để tìm kiếm bồi thường lớn hơn. Nhưng theo luật, chính phủ có thể bắt đầu xây dựng trước khi thanh toán đủ tiền cho chủ đất.
Ngôi nhà (bên phải) của gia đình Richard Drawe ở bang Texas, Mỹ. (Ảnh: NY Times). |
Bằng cách sử dụng quyền trưng thu đất, luật sư liên bang có thể lập luận trước tòa rằng việc xây dựng bức tường là vấn đề khẩn cấp. Điều này hầu như luôn dẫn đến việc tòa án trao quyền sử dụng cho chính phủ, theo Efrén C. Olivares, luật sư thuộc tổ chức Dự án Quyền dân sự Texas. Chính phủ sau đó có thể bắt đầu xây dựng bức tường, bất chấp việc khởi kiện đòi trả đủ tiền của chủ đất trong nhiều năm. "Nó giống như bạn đồng ý bán nhà sau khi buộc phải chấp thuận một mức giá định sẵn trước đó", Olivares nói.
Sau khi chính quyền Tổng thống George W. Bush ký Đạo luật Hàng rào An ninh năm 2006, tổng cộng 300 vụ kiện được chủ sở hữu đất tiến hành, trong đó 46 vụ kiện hiện chưa kết thúc. Chính phủ đã đạt được thỏa thuận trưng thu đất với hầu hết các chủ đất khác. Nhiều chủ đất tự nguyện giao đất cho chính phủ, theo quan chức Bộ Tư pháp.
Chính quyền Trump chọn Texas là nơi bắt đầu kế hoạch trưng thu đất, và hiện 38 vụ kiện chống lại chủ sở hữu đất tư được thực hiện. Bà Jones, 69 tuổi là một trong số đó. Chính quyền Trump mới đây gửi thư cho gia đình bà, cảnh báo sẽ đệ đơn kiện nếu không được chấp thuận khảo sát khu đất cho kế hoạch xây tường biên giới. Theo bà Jones, kế hoạch xây dựng bức tường biên giới chạy qua khu đất của gia đình bà, liền kề Khu bảo tồn động vật hoang dã Santa Ana, cần được loại bỏ vì gây hại cho động vật hoang dã ở đây.
Bà Jones và ông Drawe cho biết họ ủng hộ CBP và công tác bảo vệ an ninh biên giới. Nhưng thay vì xây một bức tường không hiệu quả, họ hy vọng chính quyền tập trung thay đổi luật nhập cư, tăng thêm cơ quan bảo vệ an ninh biên giới và đầu tư công nghệ giám sát.
Thực tế cho thấy tình hình khu vực biên giới có nhiều thay đổi sau khi Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và thực thi nhiều biện pháp siết chặt nhập cư. Thay vì vào Mỹ, 55.000 người di cư phải chờ xin tị nạn ở biên giới Mexico, trong khi nhiều gia đình buộc phải quay về Trung Mỹ. Số vụ bắt người di cư ở biên giới giảm 70% xuống còn hơn 42.600 vụ so với hồi tháng 5, thời điểm chứng kiến số người di cư cao kỷ lục trong năm.
Tuy nhiên, các chính sách của chính quyền Trump khiến nhiều người di cư tìm đường vượt biên nguy hiểm hơn. Trong 3 tháng qua, lính biên phòng phát hiện nhiều người di cư trốn trong một xe đầu kéo ở Texas, một số khác trốn trong đồ nội thất và máy giặt ở San Diego. Trong khi đó, không ít người dùng thang gỗ trèo qua tường biên giới.
Ngoài ra, cảnh sát Mỹ từng tìm thấy một đường hầm chưa hoàn thành dài gần 9m thông sang Mexico ở Nogales, Arizona. Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ phát hiện gần 1kg ma túy trong một đường hầm khác ở thành phố này. CBP tịch thu một lô ma túy đá và thuốc fentanyl trị giá 500.000 USD trên một máy bay siêu nhẹ điều khiển từ xa ở Tucson hồi tháng 5.
"Bức tường biên giới giống như một giải pháp lỗi thời", Michael Maldonado, 30 tuổi, nói. Maldonado là con trai của Pamela Rivas, một chủ đất ở Texas có cuộc chiến pháp lý với chính quyền Mỹ trong 11 năm qua. Chính quyền liên bang khởi kiện bà Rivas để lấy mảnh đất ở Los Ebanos, Texas, năm 2008. Bà Rivas từ chối bán đất với hy vọng trì hoãn kế hoạch xây tường biên giới của chính phủ.
Gia đình Rivas sở hữu mảnh đất này từ năm 1890 và phải đối đầu với kế hoạch trưng thu đất của hai đời Tổng thống Mỹ. "Nếu chúng tôi có thể cầm cự lâu hơn, biết đâu điều gì đó sẽ thay đổi. Một chính quyền mới xuất hiện và nói rằng 'Chúng tôi không cần mảnh đất đó nữa'", Maldonado nói.
Theo VNE