"Bất chấp những thành công to lớn mà đất nước chúng ta có được trong 3 năm qua, việc thương thảo của tôi với các nhà lãnh đạo nước ngoài (và những người khác) trở nên khó khăn hơn nhiều khi tôi liên tục phải bảo vệ mình trước một đảng Dân chủ Không làm gì và Lừa đảo. Thật tồi tệ cho nước Mỹ", ông Trump viết trên Twitter hôm 26/12.
Nhiều chuyên gia cũng tin rằng nỗ lực luận tội Tổng thống Trump của đảng Dân chủ có những tác động đáng kể với các cuộc đàm phán của Washington và các nước khác.
Nhà phân tích chính trị Daminov Ildar của tờ The Diplomat cho rằng những sóng gió trên chính trường Mỹ liên quan tới luận tội Tổng thống đang làm cản trở tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters) |
Theo chuyên gia này, Bình Nhưỡng có thể giảm thiện chí trong cách tiếp cận đàm phán hạt nhân với Washington vì nước này cảm nhận được sự bất ổn trong nội bộ chính trị Mỹ. Quốc gia Đông Bắc Á rõ ràng không thể an tâm để thương thảo với một nhà lãnh đạo đứng trước nguy cơ bị phế truất dù khả năng ông Trump bị buộc rời nhiệm sở là rất nhỏ.
Với Triều Tiên, sẽ chắc ăn hơn để chờ xem ai trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo trước khi thay đổi chiến lược đàm phán. Ông Ildar tin rằng trong trường hợp hy hữu là ông Trump không thể "sống sót" qua phiên tòa luận tội tại Thượng viện hay thất bại trong nỗ lực tái đắc cử, Bình Nhưỡng có khả năng quay trở lại với chiến thuật “đe dọa hạt nhân” cổ điển của nước này.
Trong khi đó, tờ Yonhap nhận định Bình Nhưỡng vẫn sẽ cân nhắc đàm phán với Washington, nhưng họ cần nắm rõ vận mệnh chính trị của nhà lãnh đạo Mỹ để đưa ra đối sách phù hợp.
Không chỉ Triều Tiên, cuộc đàm phán của Mỹ với Trung Quốc cũng chịu những ảnh hưởng nhất định từ cuộc luận tội ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm.
Theo ông James Zimmerman, đối tác của văn phòng luật sư Perkins Coie tại Bắc Kinh, việc Tổng thống Trump bị phân tâm bởi nỗ lực luận tội của đảng Dân chủ khiến ông không thể toàn âm toàn ý cho các thỏa thuận với Trung Quốc. Thời gian ông Trump cùng các đồng minh bàn mưu tính kế cho phiên tòa tại Thượng viện sẽ trám vào các cuộc thảo luận về sách lược đối phó với Bắc Kinh.
Không ít chuyên gia tin rằng Tổng thống Trump sẽ thúc đẩy những kịch bản có lợi với Trung Quốc để tìm kiếm một đòn bẩy trước thềm cuộc bầu cử năm 2020. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng mặc dù vừa hồ hởi khoe về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ được ký kết với Bắc Kinh trong vài tuần tới, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn sẽ tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc để cho người Mỹ thấy ông vẫn luôn giữ đúng cam kết đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy của mình.
Về phần mình, Bắc Kinh khẳng định quá trình luận tội là vấn đề nội bộ của Mỹ và các thành viên thuộc đoàn đàm phán của cả hai nước vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ về việc ký kết thỏa thuận sắp tới.
Theo SCMP, bất chấp kết quả ra sao, thực tế mà không ai có thể xóa bỏ là Bắc Kinh và Washington đang dắt tay nhau vào một cuộc cạnh tranh về ảnh hưởng kinh tế và chính trị vượt xa nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của 2 nước có thể là một khởi đầu tốt, một khoảng chững lại tạm thời nhưng sự đối đầu của họ vẫn không thể giải quyết trong một thời gian ngắn, ông Fan Gang, giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định.
Theo VTC