Thủ tướng: "Không để thiếu điện là một mệnh lệnh"

Thứ tư, 25/12/2019, 16:43
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành điện trong mọi hoàn cảnh không để xảy ra thiếu điện. Đủ điện là tiền đề quan trọng giúp phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng dù công việc rất bận rộn, ông đã cố gắng đến dự hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sáng 25/12. Ông muốn nói rõ một số định hướng phát triển ngành điện trong thời gian tới, nhất là khi nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

“Không có điện thì không thể làm được gì hết, kể cả việc áp dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào cuộc sống”, Thủ tướng nói khi mở đầu phát biểu kéo dài khoảng 1 giờ của mình.

“Không có điện không làm được gì cả”

Người đứng đầu Chính phủ dành nhiều thời gian để nói về các khó khăn thiếu điện trong thời gian tới.

Thứ nhất, phụ tải và nhu cầu điện đang tăng cao ở Việt Nam. Tăng trưởng điện hàng năm phải đi trước một bước, cao hơn 1,4-1,6 so với tăng trưởng GDP. Việt Nam là nước có sản lượng điện cao thứ nhì ASEAN, chỉ đứng sau Indonesia với 250 triệu dân.

Thủ tướng cho rằng đáp ứng nhu cầu của thị trường rất lớn như Việt Nam vừa là cơ hội, vừa là thách thức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP).

Thứ hai, khô hạn xảy ra ở nhiều lưu vực sông trên cả nước. Năm nay, lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn 7 tỷ m3 so với cùng kỳ. Trong khi đó, các nguồn cung cấp nhiên liệu than, khí… cũng khó khăn.

Nhiều dự án nguồn điện bị chậm tiến độ. Hiện tại cả nước có 35 dự án, với công suất lắp đặt khoảng 40.000 MW chậm tiến độ. EVN trực tiếp quản lý 7 dự án. Ông đánh giá đây là tồn tại và hạn chế chung của cả ngành điện, trong đó có cả các chủ đầu tư khác như TKV, PVN…

“Báo động tình trạng thiếu nguồn năm tới và các năm tiếp theo. Không có điện sẽ không làm được bất cứ điều gì, kể cả việc áp dụng các công nghệ 4.0”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng việc đảm bảo đủ điện vừa giúp phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.

Ông lưu ý trong năm tới, Việt Nam sẽ có nhiều sự kiện đối nội, đối ngoại quan trọng, nhiệm vụ này lại càng thêm nặng nề.

Cân nhắc kỹ lưỡng khi phát triển thêm điện than

Định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu điện phải đi trước một bước. Trước hết, ngành điện cần phát triển đúng theo sơ đồ điện VII đã được phê duyệt. Đồng thời, cần đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế quốc dân.

“Không để thiếu điện cho phát triển là một mệnh lệnh. Điện là vấn đề an ninh, an toàn xã hội. Dân trí càng cao thì nhu cầu càng lớn. Yêu cầu đó phải được đáp ứng”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu EVN điều phối tốt hệ thống, tính toán nắng nóng, khô hạn để có sự bù đắp kịp thời. Theo tính toán, năm 2020 cả ước sẽ thiếu 20 tỷ kWh điện. Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo tốt nguồn cung cấp than, khí cho nhiệt điện. Nếu thiếu khí thì phải ưu tiên cho sản xuất điện trước.

Ước tính giai đoạn 2021-2025, Việt Nam thiếu khoảng 41,7 tỷ kWh điện.

EVN cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện, nhất là dự án trọng điểm.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải giải quyết nhanh các kiến nghị của EVN và PVN.

Các cơ quan này cần đề xuất cơ chế phát triển các dự án điện tới Chính phủ, theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xã hội hóa mạnh mẽ các dự án, kể cả xây dựng đường dây truyền tải.

Về các dự án năng lượng tái tạo, Thủ tướng yêu cầu EVN sớm bổ sung lưới điện truyền tải, giải tỏa công suất, đặc biệt là các địa phương có bức xạ lớn như Ninh Thuận, Bình Thuận.

Với nhiệt điện than, Thủ tướng cho rằng các nước trên thế giới đang giảm dần, tuy nhiên, bối cảnh Việt Nam thì không cực đoan, cần cân đối ở mức độ hợp lý.

“Thế giới phản đối điện than, ta không cực đoan như vậy. Chúng ta cần cơ cấu hợp lý điện than mới đảm bảo an toàn hệ thống; cần cân đối ở mức độ nào, đặt nhà máy ở đâu... Sơ đồ điện VII đã quy hoạch cái nào thì tiếp tục xây dựng, tuy nhiên, với nhà máy mới thì cần rất cân nhắc”, ông nói.

Thủ tướng cũng mong muốn Bộ Công Thương, EVN tiếp tục đẩy mạnh phong trào tiết kiệm điện, sử dụng hiệu quả. Ông yêu cầu Bộ Công Thương sớm trình chỉ thị tiết kiệm điện ngay nửa đầu tháng 1/2020.

Theo tính toán của Trung tâm điều độ điện quốc gia (A0), giai đoạn 2021-2025, cả nước sẽ thiếu khoảng 41,7 tỷ kWh (tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 là 2019 tỷ kWh). Cụ thể, năm 2021 thiếu 6,6 tỷ kWh, năm 2022 thiếu 11,8 tỷ kWh, đỉnh điểm vào năm 2023 thiếu 15 tỷ kWh, năm 2024 thiếu 6,4 tỷ kWh và giảm vào năm 2025 khi thiếu 1,9 tỷ kWh.

Tính đến cuối năm 2019, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt gần 55.000 MW, tăng 6.320 MW so với năm 2018. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ hai khu vực ASEAN (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới.

Sản lượng điện thương phẩm năm 2019 đạt 209 tỷ kWh, tăng 8,87% so với năm 2018, trong đó điện thương phẩm nội địa ước đạt 208 tỷ kWh, tăng trưởng 8,65% (miền Bắc tăng 8,9%, miền Trung tăng 9,3%, miền Nam tăng 8,3%)

Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đạt 88,2 điểm, tăng 0,24 điểm so với năm 2018, duy trì thứ hạng 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chính phủ.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2019 ước đạt 393.230 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2018, trong đó doanh thu bán điện là 387.675 tỷ đồng (tăng 16,4%).

Theo Zing

Các tin cũ hơn