Bất chấp vụ 39 nạn nhân ở Essex, người Việt vẫn quyết vào Anh

Thứ tư, 25/12/2019, 10:16
Van rời Quảng Bình một năm trước, với giấc mơ đi Anh. Cha mẹ của anh vay 10.000 USD từ ngân hàng, không ngờ con mình sẽ phải trả cái giá đắt hơn thế.

“Tôi bỏ học từ lớp 7”, anh nói. “Tôi chuẩn bị học nghề năm 2017, nhưng sau đó quyết định tiết kiệm tiền để ra nước ngoài, vì nghĩ tôi có thể kiếm nhiều tiền hơn ở Anh”.

Sau khi được đưa qua nhiều nước, Van cố vượt biên từ Pháp vào Anh trên thùng xe tải vào tháng 9, nhưng bị cảnh sát biên giới bắt lại, đưa vào trung tâm giam giữ ở phía Bắc nước Pháp.

Van vượt biên vào Anh khoảng một tháng trước khi 39 người di cư Việt Nam chết trên xe tải đông lạnh ở Essex phía Đông London.

Van may mắn vì không nằm trong số đó, nhưng bi kịch trên không ngăn được Van cố gắng vượt biên vào Anh.

Nến được thắp để tưởng niệm 39 nạn nhân thiệt mạng trên container đông lạnh vào Anh. (Ảnh: Reuters).

Sau vụ 39 thi thể, người Việt vẫn ra đi

Câu chuyện của thanh niên 22 tuổi được anh kể lại với nhà nghiên cứu về nạn buôn người Mimi Vũ, người gần đây đã tới thăm trung tâm giam giữ Coquelles ở phía Bắc Pháp. South China Morning Post đăng tải lại câu chuyện của Van, không dùng tên đầy đủ để bảo vệ nhân vật.

Van vẫn đang đợi phán quyết xem có bị trục xuất về Việt Nam hay không. Nếu không phải về, anh sẽ tìm cách quay lại các trại tạm do những kẻ buôn người lập ra và lại có thể lên xe tải vào Anh.

Thi hài và tro cốt của 39 nạn nhân người Việt chết ở Essex đã được đưa về với gia đình. Dù vậy, Van vẫn chờ cơ hội nữa để vào Anh. Ngay cả khi một số gia đình đang tiếc thương cho con em mình, những gia đình khác vẫn đang tiễn con em lên đường.

Hàng nghìn người Việt Nam đã vào Anh bất hợp pháp, làm việc trong các trại cần sa, tiệm nail và nhà hàng, nơi họ dễ bị bóc lột vì không có giấy tờ. Nhiều người khác vẫn chơi vơi ở biên giới Pháp - Anh, chờ thời cơ vượt biên. Nhiều người tự nguyện ra đi nhưng lại trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người đang hoạt động rất mạnh.

Các chuyên gia cho rằng cần tạo việc làm ở quê hương những người di cư này, đồng thời các nước như Anh nên cân nhắc tạo đường nhập cư hợp pháp cho nhân công trình độ thấp, để họ được bảo vệ tốt hơn.

“Con người sẽ di cư để tìm cơ hội tốt hơn, vì họ cần phải làm vậy”, Archana Kotecha, người đứng đầu phòng pháp lý ở tổ chức phi lợi nhuận Liberty Shared hoạt động chống buôn người, nói với South China Morning Post.

“Thắt chặt chính sách, khi vẫn có nhiều người vượt biên trong các xe tải đông lạnh, không phải là giải pháp thực tế”, bà nói.

Bà cho rằng toàn bộ châu Âu phải nhìn lại chính sách tổng thể, nhưng các diễn biến như Brexit đang định hình quan điểm xoay quanh vấn đề di cư.

Cảnh sát canh gác hiện trường nơi phát hiện xe tải đông lạnh có chứa thi thể 39 nạn nhân ở Essex. Ảnh: AFP.

Trước vụ 39 nạn nhân ở Essex, bao gồm 31 đàn ông và 8 phụ nữ ở tuổi 15-44, nhiều người Việt đã thiệt mạng trên đường sang Anh, dù không thể biết con số bao nhiêu, theo các chuyên gia.

Khi Van rời quê hương, anh không biết rằng một năm sau, mình vẫn đang thấp thỏm chờ đợi để vào Anh. Số tiền mà cha mẹ anh vay mượn đổi được chuyến bay sang Moscow và visa vào Nga. Sau ba tuần, anh được đưa sang Ukraine, nơi anh ngủ trong rừng trong ba tuần. Sau đó, anh vượt biên vào Slovakia, rồi lên xe đi tới chợ Đồng Xuân của người Việt ở thủ đô Berlin, Đức.

“Tôi sống trong một căn nhà ở Berlin khoảng 7 tháng và bán thuốc giả từ Ba Lan cho người Đức ở lối ra vào các bến tàu”, Van kể lại.

Anh không biết đó là thuốc gì, vì anh không đọc được tiếng Đức hay tiếng Anh. Nhưng anh được trích 20% tiền bán hàng, nhờ thế kiếm được 45 USD mỗi ngày.

Người di cư che giấu những khổ cực trên đường đi

Tiếp tục hành trình, anh đi tàu tới Paris và đi xe tới Arras, thành phố phía Bắc Pháp, cùng một số người Việt khác.

“Tôi được đưa tới một khu rừng với hơn 30 người... đa số từ Nghệ An, Hà Tĩnh”, Van nói. “Có lúc tôi trốn trong container, nhưng tài xế không biết”.

Cuối tháng 9, anh bị cảnh sát biên giới Pháp bắt giữ và đưa tới trại giam ở Coquelles. Anh cùng 6 người khác đang trên xe tải vào Anh thì bị cảnh sát kiểm tra, phát hiện.

Tasmin Barber, giảng viên môn xã hội học tại Đại học Oxford-Brookes, cho biết tới khoảng 15 năm trước, có cộng đồng người Việt nhỏ ở Anh bao gồm những người tị nạn. Đến đầu những năm 2000, họ bắt đầu mở các tiệm kinh doanh, như nhà hàng và tiệm làm móng, khiến nhu cầu lao động Việt trình độ thấp gia tăng.

“Điều đó kéo theo gia đình, họ hàng họ tới đây và làm việc,... sau đó là nghề trồng cần sa”, Barber nói với South China Morning Post.

“Cuối những năm 1990, nghề trồng cần sa do người Việt ở Canada gần như độc quyền, nhưng sau đó quy định ở Canada về các chất kích thích cũng như luật lao động đã thay đổi... Vì vậy họ chuyển tới Anh, nơi mà quy định về dùng chất kích thích lại được nới lỏng”.

Bà Barber nói thị trường lao động không được kiểm soát ở Anh đã tạo điều kiện cho nghề trồng cần sa nở rộ, dù là phạm pháp. Trong nền kinh tế ngầm này, có nhiều việc làm và cơ hội làm giàu nhanh chóng cho người Việt.

Cộng đồng người gốc Đông Nam Á đã tăng gấp đôi ở Anh từ 2001 đến 2011, với 400.000 người được cho là đang ở đây. Người Việt là nhóm đông thứ hai, khoảng 142.900 người. Nhưng các nhóm hoạt động ước tính có tới 20.000 người di cư bất hợp pháp từ Việt Nam. Có ít thông tin về cộng đồng người Việt ở Anh, vì họ không thạo tiếng Anh và sợ để lộ thông tin sẽ bị trục xuất.

Theo Ngân hàng Thế giới, người lao động nước ngoài như họ gửi về gần 16 tỷ USD kiều hối vào năm ngoái, tăng 130% so với thập kỷ trước.

Một người di cư Việt Nam bị trục xuất khỏi Anh, tại nhà ở tỉnh Nghệ An. Ảnh: AFP.

Chung Pham, chuyên gia về chống buôn người làm việc tại Anh từ tổ chức Locate International, cho biết có những người chấp nhận điều kiện làm việc bóc lột để có hy vọng trả nợ nhanh chóng, nhưng có những người không có lựa chọn nào khác.

“Có những nạn nhân thực sự, như những người bị nhốt trong trại cần sa. Một số người không có chút tự do nào”, Chung nói với South China Morning Post.

“Một số người là trẻ vị thành niên, là nhóm yếu thế nhất. Một số bị tra tấn nếu không làm việc cật lực, và nhiều người bị bệnh ngay cả sau khi được cứu”.

Bà Mimi Vũ cho biết người di cư sang Anh sống trong các làng xã có người từng đi nước ngoài, gửi tiền về. Họ lớn lên nghĩ rằng vượt biên là cách tốt nhất để kiếm tiền.

Nhiều người che giấu những khổ ải của cuộc sống bên nước ngoài khi nói chuyện với người thân, bạn bè. Đồng thời, những kẻ buôn người quảng bá trên mạng xã hội, thường chia sẻ hình ảnh đường phố nước ngoài cùng thông tin sai lệch về chuyến đi cũng như cơ hội tìm việc.

“Một số kẻ buôn người nói các phụ huynh không phải trả tiền trước, chỉ trả tiền khi con cái tới nơi. Phụ huynh tưởng vậy là có lợi”, bà Vũ nói với South China Morning Post.

“Nhiều người vay tiền từ tín dụng đen, và trả khoảng 30.000-50.000 USD, nghĩ rằng họ đang gửi con em mình vào các chuyến đi an toàn”. Một số người thế chấp nhà, sau đó mất nhà vì không có tiền trả nợ.

“Cò” buôn người len lỏi khắp cộng đồng

Các đường dây buôn người đang đưa khoảng 18.000 người sang châu Âu, và dưới 1.000 người vào Mỹ mỗi năm, theo các ước tính.

Báo cáo năm 2017 của Ủy viên Chống Nô lệ hiện đại của Anh cho biết những kẻ buôn người có những “dịch vụ” khác nhau, như gói “VIP” với chi phí lên tới 43.000 USD, có rủi ro thấp hơn, và gói “đi cỏ” với chi phí 10.000-20.000 USD có thể mất nhiều tháng. Những người chết ở Essex được cho là đã mua gói VIP.

Theo báo cáo, người di cư thường trở thành nô lệ trên đường sang Anh, có thể bao gồm cả bóc lột tình dục và lao động, ở nhiều nước như Trung Quốc, Nga, Pháp và CH Séc. Những kẻ buôn người, bóc lột thường là người Việt, nhưng chúng cũng hợp tác với tội phạm các nước khác.

Một chuyên gia về tình báo và điều tra ở Anh, muốn được giấu tên, nói “có những kẻ chuyên đi ‘tuyển’ người di cư từ Việt Nam - cả trên mạng xã hội, trong các cộng đồng, và xung quanh các trung tâm dạy nghề - những kẻ này sẽ thỏa thuận ban đầu và thu phí”.

Sau đó, “có những kẻ chuyên sắp xếp đưa người từ Việt Nam sang châu Âu”.

Một người di cư Việt Nam bị trục xuất khỏi Anh, tại nhà ở tỉnh Nghệ An. (Ảnh: AFP).

“Đây là một trong những tội phạm thu lời nhất trên thế giới, chúng hoạt động ngoài vòng pháp luật, kiếm hàng triệu USD, và không phải trả đồng thuế nào. Nếu có người tử nạn, điều đó cũng không được báo cáo”, bà Mimi Vũ nói.

Bà chỉ ra rằng những đường dây này có thể vận chuyển cả hàng giả, thuốc lá, động vật hoang dã và ma túy, không chỉ người.

Michael Brosowski, từ tổ chức chống buôn người Blue Dragon, nói cần ưu tiên việc giáo dục, dạy nghề và tạo cơ hội cho người lao động ở lại Việt Nam.

“Tôi nghĩ Việt Nam đang đi đúng hướng bằng việc hợp tác với Anh... nhưng tôi sợ rằng cam kết quốc tế có thể lắng xuống... và Việt Nam không thể tự giải quyết vấn đề này”, ông Brosowski nói với South China Morning Post.

Ngoài ra, các chuyên gia  cho biết cần sự hợp tác giữa chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật.

Pia Oberoi, cố vấn cao cấp về người di cư và nhân quyền ở Liên Hợp Quốc, nói việc trừng phạt hình sự “những con cá bé” và thắt chặt biên giới sẽ không giảm được loại tội phạm đã gây ra cái chết của 39 người ở Anh.

“Câu hỏi phải là: cần tạo ra tuyến di cư nào... làm sao để bảo đảm rằng thị trường lao động được kiểm soát và bảo vệ”, Oberoi nói với South China Morning Post.

Bà Barber, học giả ở Anh, nói nước Anh nên cân nhắc tiếp nhận thêm người di cư không có tay nghề. “Có nhiều công việc trình độ thấp trong nhiều ngành nghề. Vì không có tuyến đường hợp pháp, nhiều người di cư phải làm việc bất hợp pháp”, bà nói.

Châu Âu đã bước vào mùa đông lạnh giá, và Van mong muốn sang được Anh trước khi tròn 23 tuổi vào tháng 2/2020.

Cách xa quê hương vạn dặm, dẫu nghe về cái chết và tình cảnh bị bóc lột của nhiều đồng bào mình khi chọn con đường rời bỏ quê hương, Van vẫn bám víu vào hy vọng sẽ tránh được kết cục tương tự. Anh muốn làm cha mẹ tự hào về mình.

Theo Zing

Các tin cũ hơn