Phản ánh với PV, nhiều người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực cho biết, họ đã phải đóng tiền đến 90%, nhưng rồi lại không thể vào được chính căn nhà của mình do những sai phạm của chủ đầu tư và cách xử lý sai phạm của chính quyền Hà Nội.
“Chúng tôi là những người mua nhà, chúng tôi cần được bảo vệ quyền lợi của mình. Sai phạm đâu thì xử lý đó, nhưng tại sao 4 năm qua, chính quyền vẫn không thể xử lý nổi. Chúng tôi thực sự mất niềm tin”, bà Nguyễn Thị Hồng Xuân - chủ căn hộ 1002 – dự án 8B Lê Trực tâm sự.
Dự án 8B Lê Trực gần 4 năm chưa xử lý xong, người mua nhà bức xúc. |
Cũng theo bà Xuân, lỗi do chủ đầu tư hay cơ quan quản lý thì cũng không phải lỗi của người dân, nhưng cuối cùng hậu quả lại do người dân phải gánh chịu.
Ông Nguyễn Sỹ Duyên – Chủ căn hộ 1802 cũng bức xúc cho biết, gia đình đã dồn tiền bạc để mua căn hộ tại 8B Lê Trực, nhưng nhà của mình mình cũng thể vào nên mấy năm nay gia đình ông phải đi ở thuê. Tiền lương hưu của hai vợ chồng chỉ đủ trả tiền thuê nhà, cuộc sống vô cùng khó khăn.
“Chúng tôi ủng hộ việc sai ở đâu thì xử lý ở đó. Đúng người đúng tội. Cơ quan quản lý cũng đã yêu cầu phải xử lý sai phạm tại công trình này ráo riết. Nhưng một công trình giữa Hà Nội mà gần 5 năm nay chưa xử lý xong sai phạm. Khi chúng tôi gửi đến các cơ quan chức năng thì đơn vị nọ đùn đẩy đơn vị kia. Chúng tôi là người dân, chúng tôi cần được bảo vệ”, ông Lung - chủ một căn hộ tại dự án 8B Lê Trực lên tiếng.
Được biết, hồi năm 2015, Hà Nội đưa ra thông điệp kiên quyết xử lý công trình xây dựng này, nhưng câu hỏi đặt ra là sự “kiên quyết” đó đến đâu khi gần 5 năm nay, các sai phạm tại đây vẫn chưa có một phương án chính thức nào được đưa ra.
UBND TP.Hà Nội cũng nhiều lần yêu cầu Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình xem xét phương án xử lý, các đơn vị này sau đó cũng lần lượt báo cáo, kiến nghị. Thế nhưng, sự việc chỉ dừng lại ở việc “trên dưới” chờ nhau, “quả bóng” trách nhiệm tiếp tục bị đá đi, đá lại.
Theo tìm hiểu, công trình 8B Lê Trực được Hà Nội thực hiện phá dỡ giai đoạn 1 gồm phầm tum, thang và tầng 19 từ tháng 11/2015 cho đến cuối tháng 10/2016 hoàn thành. Công trình sau đó tiếp tục được yêu cầu phá dỡ, tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phá dỡ giai đoạn 2 có nguy cơ gây mất an toàn vì có thể phá bỏ cả tòa nhà.
Đến nay, Hà Nội vẫn chưa đưa ra được phương án phá dỡ giai đoạn 2. Chính vì vậy, dự án vẫn bị “niêm phong” nhiều năm, người dân vẫn tiếp tục mòn mỏi chờ đợi để được nhận nhà.
Trả lời đại biểu Quốc hội về việc xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trách nhiệm xử lý thuộc về Hà Nội.
"Chúng tôi luôn chủ động phối hợp với Hà Nội để giải quyết. Nếu Hà Nội tiếp tục có yêu cầu gì, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ", Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, sự phối hợp của các cơ quan chức năng sau 4 năm vẫn chưa có kết quả tích cực.
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhận định: “Trách nhiệm đầu tiên là của chính quyền Hà Nội, đáng nhẽ với những công trình có vị trí gần kề với các mục tiêu bảo vệ thì phải rà soát các quy định của pháp luật để xem xét cấp giấy phép xây dựng. Thứ hai là phải kiểm soát chất lượng lúc xây dựng phương án kiến trúc, phương án kỹ thuật, đó là trách nhiệm chính của TP.Hà Nội”.
Theo vị đại biểu này, các cơ quan kiểm soát có vai trò kiểm tra, theo dõi việc chấp hành pháp luật trong xây dựng. Vì thế, ngay từ đầu khi các dự án được triển khai thì cơ quan chức năng phải kiểm soát được các tiêu chí về kiến trúc, kỹ thuật của dự án. Đối với 8B Lê Trực, sai phạm xảy ra khi đã triển khai xây dựng, nhưng sau đó cũng đã có chỉ đạo của rất nhiều cơ quan chức năng thì cần nghiêm túc chấp hành, thực hiện những chỉ thị đó.
“Chủ đầu tư cho dù họ có đề xuất những phương án xây dựng như thế nào đi chăng nữa thì trách nhiệm kiểm soát việc tuân thủ pháp luật trong xây dựng và sự tác động của nó vẫn là trách nhiệm của cơ quan chính quyền. Trước hết đó là quận Ba Đình và UBND TP.Hà Nội. Khi xác định trách nhiệm rõ rồi thì dễ dàng nhận diện được các sai phạm liên quan và là cơ sở để xem xét bồi thường thiệt hại. Người dân chỉ biết được công trình đó đã được pháp luật quy định và được chính quyền giám sát nên họ yên tâm bỏ tiền ra mua, khi xảy ra hậu quả, để họ đứng ra gánh chịu là không được. Ở đây, sai đâu là phải xử đấy và ai sai thì người ấy phải có trách nhiệm bồi thường”, đại biểu Vân nhấn mạnh.
Đầu tháng 12 mới đây, Thủ tướng tiếp tục có chỉ đạo lần thứ 5 về việc xử lý dứt điểm sai phạm tại dự án này. Văn bản chỉ đạo cũng nêu rất rõ, UBND TP.Hà Nội rất chậm trong việc chỉ đạo xử lý, đến nay vẫn tồn tại, kéo dài.
Sự chậm trễ này của chính quyền Hà Nội khiến nhiều người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực rơi vào cảnh vô cùng khó khăn, trong khi niềm tin của họ dường như cũng đã cạn dần.
Theo VTC