Việt Nam nuôi cấy và phân lập thành công virus corona: Điều đó có ý nghĩa như thế nào?

Thứ bảy, 08/02/2020, 09:28
Có được mẫu virus đồng nghĩa với một bước tiến tới nghiên cứu vắc-xin chống lại nó.

Sau khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới (2019-nCoV) vượt ra khỏi bên ngoài đường biên giới Trung Quốc, các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới biết rằng họ sắp phải lao vào trận chiến. Mục tiêu đầu tiên: Phải nhìn thấy được virus và bắt giữ nó.

Giữa tháng 12 năm 2019, khi một số người dân từng tới khu chợ hải sản Huân Nam ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc trở về nhà và phát bệnh, người ta nói rằng họ mắc một chứng "viêm phổi lạ". Những bệnh nhân này bị sốt, ho khan, đau đầu và khó thở. Phim chụp X quang lồng ngực cho thấy các tổn thương xâm lấn ở cả hai bên lá phổi.

Chưa ai biết thủ phạm gây ra những triệu chứng đó là gì. Các nhà khoa học Trung Quốc đã loại trừ được các mầm bệnh đường hô hấp thường thấy như virus cúm, cúm gia cầm, virus Adeno, virus MERS gây ra Hội chứng đường hô hấp Trung Đông, hay thậm chí là virus SARS được coi là đã tuyệt chủng.

Zheng-Li Shi, một nhà virus học dẫn đầu một nhóm nghiên cứu ở Viện Virus học Vũ Hán đã trở thành người đầu tiên giải mã được bí ẩn. Cô đã phân lập thành công virus từ mẫu bệnh phẩm của một người phụ nữ 49 tuổi mắc các triệu chứng từ ngày 23 tháng 12.

Kế đó, các nhà khoa học từ Australia cũng đã phân lập được mầm bệnh. Rồi đến một phòng thí nghiệm ở Nhật Bản và mới đây nhất là Việt Nam.

Dưới kính hiển vi điện tử, những con virus đã hiện hình với một quầng sáng xung quanh mình. Các nhà khoa học biết nó là một chủng corona, với corona nghĩa là "quầng sáng" hoặc "vương miện". (Các virus này có những cái gai protein đâm tua tủa ra khỏi vỏ và màng của chúng, khiến các electron chiếu đến đó bị nhiễu xạ mạnh và cho ảnh quầng sáng trên màn hình hiển vi điện tử).

Trước đây, chúng ta đã biết các chủng virus corona thường chỉ lây nhiễm cho các loài động vật. Nhưng cũng đã có 6 chủng lây nhiễm trên người, bao gồm SARS gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, MERS gây Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông, và 4 chủng 229E, NL63, OC43 và HKU1 chỉ gây cảm cúm nhẹ.

Là một chủng chưa từng được biết đến, virus corona mà Zheng-Li Shi phân lập được từ mẫu bệnh phẩm ở Vũ Hán đã được ký hiệu là 2019-nCoV, từ giờ trở đi, nó trở thành cái tên chính thức được gọi bởi cả thế giới.

Trong khi đó tại Hà Lan, nhà virus học Bart Haagmans làm việc cho Trung tâm Y tế Erasmus ở Rotterdam vẫn phải chờ đợi. Ông ấy rất sốt ruột khi đọc được những nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới về chủng virus corona mới.

Hiện không hề có một bệnh nhân người Hà Lan nào nhiễm virus corona, vì vậy, Haagmans không có nguồn để nuôi cấy và phân lập nó. Với những nhà nghiên cứu virus học như Haagmans, không có mẫu virus đồng nghĩa với không có gì để làm.

Mặc dù nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc của Zheng-Li Shi đã công bố toàn bộ trình tự gen của chủng corona mới vào đầu tháng 1, cùng với đó là hàng chục bộ gen đối chứng của các virus lây nhiễm cho các bệnh nhân ở các nước khác nhau, nhưng trình tự gen không thể thay thế cho mẫu phân lập virus.

Chỉ khi có được virus, các nhà khoa học mới có thể bắt tay được vào việc nghiên cứu nó, xác định cơ chế lây truyền của nó, cách nó sử dụng các protein để xâm nhập tế bào, và tìm ra cách chặn đứng các protein này. Tới đây, bạn sẽ biết mình sắp có được thứ gì: một vắc-xin.

Maria Van Kerkhove, một nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: "Điều quan trọng lúc này là các mẫu virus phải được chia sẻ".

Nhưng tại Hà Lan, Haagmans muốn có được các mẫu virus phân lập thì buộc phải đợi. Ông mong rằng các đội nghiên cứu từ các nước khác trên thế giới sẽ gửi đến cho mình. Tất nhiên, quy trình này không thể diễn ra nhanh chóng, ai mà lại có thể gửi một phong bì chứa đầy virus qua đường bưu điện?

Trong lúc đó, đội nghiên cứu của Zheng-Li Shi ở Viện Virus học Vũ Hán đã đi trước một bước. Cô đã xác định được thứ vũ khí mà virus corona mới sử dụng để xâm nhập vào thế bào phổi của con người. Nó chính những protein dạng gai mọc tua tủa trên bề mặt virus.

Virus corona là một loại virus có màng bọc, với ARN đơn chuỗi. Điều có nghĩa là bộ gen của nó chỉ là một chuỗi ARN (chứ không phải DNA) và mỗi hạt virus được bọc trong một lớp vỏ protein.

Nó có cấu tạo gồm 4 phần: vỏ bọc nhân (N), vỏ bọc (E), màng(M) và gai (S). Vỏ bọc nhân tạo thành lõi di truyền. Nó lại được bọc trong các protein làm nên vỏ và màng của virus.

Các protein phát triển đột biến ra bên ngoài màng, tạo thành những chiếc gai dính khắp xung quanh bề mặt virus. Những gai nhô này sẽ làm nhiệm vụ liên kết với các thụ thể trên tế bào vật chủ. Một khi nhận ra đó là các thụ thể đích của tế bào nó có thể và muốn lây nhiễm, virus sẽ xâm nhập vào bên trong.

Đối với chủng corona mới, Zheng-Li Shi báo cáo rằng chúng sử dụng các thụ thể đích ACE2 có mặt trên bề mặt tế bào phổi người. Điều đó khiến nó giống với virus SARS và gây bệnh nghiêm trọng trong phổi.

f
Cấu tạo của virus corona gồm 4 phần: vỏ bọc nhân (N), vỏ bọc (E), màng(M) và gai (S). Vỏ bọc nhân tạo thành lõi di truyền.

Haagmans cho biết rằng, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông khi có được mẫu virus phân lập là phát triển một xét nghiệm máu tìm kháng thể virus. Điều này sẽ cho phép các nhà nghiên cứu xác định nhanh tất cả những người từng nhiễm 2019-nCoV, cả những bệnh nhân không hề có triệu chứng.

Những người từng nhiễm virus sẽ có một loại kháng thể trong máu và huyết thanh, là những phân tử immunoglobulin do tế bào lympho B của hệ miễn dịch, hoặc tương bào biệt hóa từ lympho B, tiết ra để nhận biết và chống lại mầm bệnh.

Trong nghiên cứu của mình, Zheng-Li Shi đã tìm thấy các kháng thể IgG và IgM trong huyết thanh dương tính và cho phản ứng mạnh với virus phân lập. Và chủng virus corona mới có thể được trung hòa chéo bằng một loại huyết thanh ngựa dùng để chống lại virus SARS-CoV.

Các kết quả này có thể được xác nhận bởi các đội nghiên cứu khác trên thế giới hiện cũng có được virus, trong đó có Viện vệ sinh Dịch tễ Trung Ương Việt Nam. Các nhà khoa học Việt Nam cho biết, họ đã phân lập được chủng virus corona mới từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nước mình.

Tuổi trẻ dẫn lời ông Đặng Đức Anh, viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết chỉ những đơn vị nghiên cứu có nền tảng về thiết bị và kinh nghiệm mới có khả năng phân lập được virus.

Trong khi đó, Bộ Y tế Việt Nam nhận định đây sẽ là một tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã đặt hàng nhóm nghiên cứu trong nước phát triển các bộ kit xét nghiệm virus corona.

Theo Bộ Y tế Việt Nam, khi có được bộ kit này, thời gian thực hiện và có kết quả xét nghiệm virus corona tại Việt Nam sẽ tương đương với Trung Quốc, hiện là khoảng 2 giờ (tính thời gian xét nghiệm) và dưới 4 giờ nếu tính cả thời gian chuẩn bị mẫu bệnh phẩm.

Đây là thời gian xét nghiệm tìm virus corona được cho là nhanh nhất trong số 28 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch cho đến nay.

***

Một tuần trước tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ, một nhà virus học cũng đã phải chờ đợi: Vincent Munster lúc đó rất mong có được các mẫu virus corona được gửi từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) ở Atlanta.

Munster nói rằng ưu tiên hàng đầu trong phòng thí nghiệm của ông sau khi có được mẫu virus sẽ là xác định xem một số động vật thí nghiệm có thể bị nhiễm virus corona mới tương tự như những gì nó gây ra trên người hay không.

Nếu có được một mô hình lây nhiễm tương tự, Munster nói các động vật này sẽ hữu ích trong việc nghiên cứu và thử nghiệm thuốc.

Có được mẫu virus đồng nghĩa với một bước tiến tới nghiên cứu vắc-xin chống lại nó.

Nhóm nghiên cứu của Munster dự định sẽ biến đổi gen những con chuột để khiến nó chứa thụ thể ACE2 trong tế bào phổi. Đó là con đường mà virus corona mới dùng để lây nhiễm, và những con chuột này sẽ cũng sẽ được dùng cho thử nghiệm vắc-xin.

Ngoài ra, khi có được mẫu virus phân lập, Munster cũng mong muốn sẽ xác định được thời gian chính xác mà nó có thể tồn tại trong không khí, hoặc trong các giọt nước bọt và dịch tiết bắn ra từ cơ thể người bệnh.

Điều này có thể trả lời cho câu hỏi: Liệu virus có truyền được qua không khí hay không, hay chỉ qua các tiếp xúc gần và qua các giọt nước bọt của người bệnh như các chuyên gia hiện nay đang nhận định?

Ngay lúc này, chúng ta vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần phải giải đáp về chủng virus corona mới. Nhưng với việc đã nhìn tận mắt và bắt giữ được chúng dưới ống kính hiển vi, chúng ta tin rằng các nhà khoa học trên thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ sớm giải mã được những bí ẩn của nó, từ đó tìm ra các phương pháp hiệu quả để chống lại virus và đối phó với dịch bệnh.

"Chúng tôi cần hiểu rõ hơn về bản chất sinh học của chủng virus này, đặc biệt là khi so sánh nó với các chủng virus mà chúng ta đã biết", Haagmans từ Trung tâm Y tế Erasmus nói. "Và đó là những gì mà chúng tôi sẽ làm [sau khi có được virus corona phân lập]".

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn