"Hai bà cháu sẽ không thể quay lại", một sĩ quan cảnh sát cảnh báo Shi Zhiyu và bà ngoại Ying Quanlong tại trạm kiểm soát cuối cùng trên hành trình vượt cây cầu bắc qua sông Dương Tử để vào tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tâm điểm dịch viêm phổi cấp.
Từ hôm 24/1, chính quyền đóng cửa cây cầu nhộn nhịp nối thành phố Cửu Giang thuộc tỉnh Giang Tây với khu vực phía Đông tỉnh Hồ Bắc, như một phần trong nỗ lực nhằm kiểm soát dịch. 18 cảnh sát canh gác cây cầu trong mỗi ca trực, trong khi loa phóng thanh liên tục phát cảnh báo rằng công dân và phương tiện từ Hồ Bắc bị cấm lưu thông trên cầu.
Cảnh sát Cửu Giang canh gác cây cầu nối với tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 31/1. (Ảnh: Reuters). |
Với số ít người may mắn có giấy tờ thích hợp và khỏe mạnh, cây cầu là lối thoát hiếm hoi khỏi "ổ dịch". Tuy nhiên, với những cư dân Hồ Bắc đang cố gắng trở về quê hương như bà cháu Shi, đây là con đường một chiều dẫn vào khu vực bị ví như "nhà tù", bởi lệnh phong tỏa có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Theo phóng viên Gerry Shih của Washington Post, cây cầu này còn tượng trưng cho thế cô lập mà Hồ Bắc bất ngờ phải hứng chịu.
Sau khi chủng virus corona mới (nCoV) bùng phát từ thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc hồi tháng 12, nhiều người Trung Quốc đã quay lưng với chính đồng bào đến từ địa phương này. Các khách sạn từ chối những người có thẻ căn cước ở Hồ Bắc. Hành khách ra khỏi tàu được quét thân nhiệt và thường xuyên bị hỏi có phải đến từ Hồ Bắc hay không.
Chính phủ Trung Quốc tuần trước ban hành quy định mới chống virus corona, theo đó những người "cố tình" truyền bệnh bằng cách phớt lờ các quy tắc cách ly có thể bị kết án tử hình. Người dùng mạng xã hội Trung Quốc thậm chí còn cho rằng những người Vũ Hán rời thành phố ngay trước thời điểm phong tỏa 23/1 là "kẻ thù của công chúng".
Tại thành phố Cửu Giang cách Vũ Hán khoảng 225 km, cư dân cho biết cuộc sống của họ bị đảo lộn và nỗi lo lắng bao trùm bởi vị trí gần với "ổ dịch". Mối liên hệ chặt chẽ từ lâu đời với Hồ Bắc về mặt thương mại, văn hóa và quan hệ họ hàng khiến mọi thứ thậm chí phức tạp hơn.
Cây cầu nối giữa hai địa phương bị đóng cửa đột ngột trong lúc Shi, người đang sống ở Hồ Bắc, tới thăm bà Ying, người phải nhập viện ở tỉnh Giang Tây phía bên kia sông sau khi bị đột quỵ.
"Chúng tôi thường xuyên sang đây để xem phim và mua sắm, chỉ cần bắt một chuyến xe buýt đi trong 20 phút. Bây giờ nó trở thành một thế giới khác", cô gái 15 tuổi cho biết. Shi cuốn chăn quanh người bà để chống rét và chờ cảnh sát đồng ý cho cha cô lái xe qua cầu đón họ về nhà.
Cầu Cửu Giang bắc qua sông Dương Tử nối giữa Giang Tây và Hồ Bắc. (Đồ họa: Google Map). |
Ở hướng ngược lại với bà cháu Shi, nhân viên bán hàng họ Gui kéo hành lý qua trạm kiểm soát, sau khi dậy từ 8h bắt taxi đường dài rồi đi bộ 90 phút qua cầu. Cô là một trong những người hiếm hoi được phép rời khỏi Hồ Bắc nhờ chứng minh được đã mua vé tàu đi Thâm Quyến trước lệnh phong tỏa, đồng thời vượt qua bài kiểm tra thân nhiệt.
"Tôi không đổ lỗi cho lệnh phong tỏa. Đất nước cần thực hiện những điều buộc phải làm", Gui tươi cười cho biết, dường như không giấu được sự nhẹ nhõm sau khi thoát khỏi Hồ Bắc.
Tuy nhiên, trong con hẻm cách đó chưa đầy 500m, một chủ cửa hàng tên Zhang Hubin tỏ ra e ngại những người tới từ tỉnh láng giềng. "Thái độ định kiến là không đúng đắn, nhưng khi nghe thấy một khách hàng nói giọng Vũ Hán, tôi cảm thấy lo lắng", Zhang cho biết.
Trên một con đường ở làng Shimendong, ngoại ô Cửu Giang, một biểu ngữ màu đỏ của chính quyền in dòng chữ: "Đừng đi lung tung nếu bạn vừa trở về từ Vũ Hán. Tất cả sẽ kết thúc nếu bạn truyền bệnh". Dưới chân đồi, vài người đàn ông to khỏe tuần tra quanh chướng ngại vật họ tự dựng bằng cọc tre để ngăn đường.
Họ là những tình nguyện viên được chính quyền địa phương giao nhiệm vụ ngăn những người lạ có nguy cơ nhiễm bệnh tiến vào làng. Những người đàn ông khác chịu trách nhiệm giữ chân người dân trong làng, bởi nhiều gia đình có lao động di cư trở về từ Hồ Bắc trước Tết Nguyên đán.
"Chính quyền đã đến từng nhà để kiểm tra những người trở về từ Hồ Bắc. Họ đều bị cách ly tại nhà dưới sự giám sát. Rất may không có ai nhiễm bệnh", một người đàn ông họ Hu cho hay, nói thêm rằng hành động của họ "nên được thông cảm".
Các nhân viên trong trang phục bảo hộ khử trùng một khu dân cư ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc hôm 25/1. (Ảnh: AFP). |
Nhiều quan chức Trung Quốc kêu gọi người dân không kỳ thị đồng bào. People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng khuyên mọi người "không giữ định kiến hoặc đối xử lạnh lùng" với cư dân Vũ Hán. "Họ mong dịch bệnh được loại bỏ nhiều hơn ai hết. Họ muốn an toàn, được chăm sóc và bảo đảm", bài viết có đoạn.
Trên một đại lộ hoang vắng ở thành phố Cửu Giang, Tian Hongfa, một người cắm hoa 62 tuổi, cho biết những năm qua ông phụ thuộc vào dòng khách du lịch và những nhà cung cấp hoa từ Hồ Bắc để duy trì công việc kinh doanh. Vì vậy, việc Hồ Bắc bị cô lập khiến ông lo sợ sẽ khiến thành phố của ông, cũng như phần lớn miền trung Trung Quốc, rơi vào cảnh khốn cùng kéo dài.
"Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại trong vòng 5 năm, giờ đây lại đến dịch bệnh này. Chúng tôi sẽ mất rất lâu nữa để có thể vực dậy", Tian cho biết, nói thêm rằng số phận của tỉnh Giang Tây gắn liền với tỉnh Hồ Bắc, cả trong quá khứ và hiện tại.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta nên đồng cảm với những người ở Hồ Bắc. Chúng tôi là người một nhà, ở hai bên bờ sông", ông nói.
Theo VNE