Ngày 9/2 vừa qua, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, do chủng virus corona mới gây ra tại trường học.
Theo đó, Bộ Y tế cho rằng những địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học trở lại bình thường sau khi đã tiêu độc, khử trùng lớp, vệ sinh bàn ghế, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh (nước sạch và xà phòng).
Thêm vào đó, nhà trường cần hướng dẫn học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh về cách thức phòng bệnh, ngăn ngừa lây nhiễm. Vậy virus corona mới có thể lây truyền trong môi trường lớp học, giảng đường như thế nào, và chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn điều đó?
1. Lây truyền qua tiếp xúc gần trực tiếp với người nhiễm bệnh: Học sinh, sinh viên nên tránh tụ tập thành đám đông
Môi trường lớp học và giảng đường đặc trưng bởi những tiếp xúc gần giữa học sinh với giáo viên và học sinh với học sinh. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC), phạm vi trong khoảng 1m so với người bệnh sẽ tạo ra rủi ro lây nhiễm qua tiếp xúc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo mọi người cần giữ khoảng cách ít nhất 1m với nhau để tránh lây nhiễm virus corona mới, đặc biệt là phải giữa khoảng cách với những người có triệu chứng sốt, ho và hắt hơi.
Học sinh và sinh viên nên tránh các hoạt động như bắt tay, ôm hôn, tụ tập thành nhóm đông người khi đi học trở lại.
2. Lây truyền qua các giọt nước bọt, dịch bắn của người bệnh: Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cho cộng đồng
Droplet, hay các hạt dịch bắn từ đường hô hấp của người nhiễm bệnh được cho là con đường lây nhiễm chính của virus corona mới. Các giọt droplet chứa virus có thể tạo ra nguy cơ lây nhiễm trong phạm vi tới 2m, thậm chí xa hơn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi và phát tán chúng.
Vì vậy, để hạn chế sự lây lan virus cororna qua đường giọt bắn, nhà trường và phụ huynh nên hướng dẫn con em mình các biện pháp phòng ngừa cho cộng đồng, ví dụ như che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
3. Lây do tiếp xúc trực tiếp với bề mặt vật dụng dính dịch, nước bọt của người bệnh: Thực hành rửa tay và duy trì vệ sinh lớp học thường xuyên
Đối với các giọt droplet có đường kính dưới 10 micromet, chúng có thể bị bay hơi nhanh ngay trước khi chạm được tới các bề mặt vật dụng. Tuy nhiên, các giọt nước bắn có đường kính lớn hơn sẽ không kịp bốc hơi và bám dính vào các bề mặt vật dụng trong nhà trường, để lại một tải lượng virus trên đó.
Ngoài ra, khi một người nhiễm bệnh thực hành vệ sinh không đúng cách (ví dụ hắt hơi ra tay, rồi dùng tay chạm vào các bề mặt) cũng có thể tạo ra nguồn lây nhiễm. Các vật dụng vô tri bị nhiễm mầm bệnh có thuật ngữ khoa học gọi là "fomite".
Đối với chủng virus corona đang gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp, các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định được tay nắm cửa là một fomite tiềm năng.
"Theo phát hiện của chúng tôi, acid nucleic của chủng virus corona mới có xuất hiện trên tay nắm cửa. Điều này cho thấy chúng ta nhất định phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, và việc rửa tay là vô cùng quan trọng", ông Trương Chu Bân, phó chủ nhiệm Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Quảng Châu cho biết.
Ngoài ra, trong các trường học, có một số bề mặt có tần xuất tiếp xúc cao bao gồm: tường, sàn nhà, đồ chơi (với trẻ mầm non), lan can, mặt bàn, thành ghế, công tắc điện, bàn phím máy tính, nút bấm thang máy…
Các bề mặt fomite này cần phải được làm sạch thường xuyên bằng các dung dịch có khả năng tiêu diệt virus, ví dụ như cồn, nước tẩy hoặc javen. Sở Y tế Washington, Hoa Kỳ cho biết các bề mặt có tần suất tiếp xúc cao phải được lau rửa ít nhất một lần mỗi ngày.
Để tránh lây nhiễm qua fomite, học sinh sinh viên cũng cần thực hành rửa tay đúng cách và hạn chế tối đa việc chạm tay lên mặt.
4. Lây qua phân của trẻ bị bệnh: Các nhà trẻ cần đặc biệt lưu ý
Chuyên gia từ Bệnh viện Renmin (Đại học Vũ Hán) và Viện Virus Vũ Hán (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc) cảnh báo virus corona có thể lây truyền qua đường tiêu hóa.
Nghiên cứu của nhóm tác giả cho thấy acid nucleic trong phân của bệnh nhân và bệnh phẩm trực tràng. Trước đó, những bệnh nhân dương tính với virus corona có một số triệu chứng như tiêu chảy thay vì sốt.
Kết quả này đặt giả thuyết ngoài truyền nhiễm qua tiếp xúc hoặc đường hô hấp, virus corona còn có khả năng lây truyền qua đường phân - miệng nhất định.
PGS. TS Lê Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết các nhà trẻ và trường mẫu giáo cần đặc biệt lưu ý đến con đường lây nhiễm tiềm năng này của virus corona. Khi xử lý phân của trẻ nhỏ, cần dùng găng tay một lần và giẻ một lần, lau sạch các bề mặt phân tiếp xúc bằng dung dịch khử khuẩn và virus như cồn, thuốc tẩy hoặc javen.
Tốt nhất hãy phỏng vấn các phụ huynh để cho trẻ có triệu chứng tiêu chảy được chăm sóc tại cơ sở y tế.
Theo Tri Thức Trẻ