Quyết định sinh tử của bác sĩ Vũ Hán trước khi thế giới biết về nCoV

Thứ hai, 10/02/2020, 14:57
Bác sĩ Bành Chí Dũng ở Vũ Hán chỉ mất vài phút để đưa ra quyết định mà ông thừa biết vô cùng mạo hiểm: Cho phép bệnh nhân mắc chứng viêm phổi do nhiễm virus “lạ” nhập viện, mà sau đó được xác định là nCoV.

Đội ngũ y tế Trung Quốc chạy đua chống dịch nCoV

Đó là vào ngày 6.1, thời điểm bác sĩ Bành, trưởng khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) tại Bệnh viện Trung Nam của Đại học Vũ Hán, ký vào giấy tiếp nhận bệnh nhân trên.

Trước đó, người bệnh này đến từ Hoàng Cương, thành phố cách Vũ Hán khoảng 76km, đã bị một số bệnh viện khác từ chối.

Trường hợp của bệnh nhân này sau đó được xác nhận là bị chủng mới của virus Corona gây viêm phổi, gọi là nCoV. Kể từ tháng 12.2019, dịch bệnh nhanh chóng lan rộng toàn Trung Quốc và một số nơi trên thế giới.

Tính đến ngày 10.2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết số ca nhiễm trên toàn quốc phá kỷ lục mới, với 40.171 ca nhiễm, trong đó 908 người thiệt mạng, đa số tại tâm dịch Vũ Hán.

Số người chết và các ca nhiễm nCoV mới vẫn gia tăng mỗi ngày ở Trung Quốc

Tuy nhiên, vào đầu tháng 1.2020, thông tin về dịch nCoV hết sức giới hạn. Công chúng, đặc biệt người dân Vũ Hán, hầu như chẳng biết gì về nguy cơ bệnh dịch đang treo lơ lửng trên đầu của họ.

Những thông tin rời rạc về một số bệnh nhân nhiễm virus lạ tương tự SARS bắt đầu được lan truyền trong giới y tế Vũ Hán.

Với thâm niên nhiều năm trong nghề, và từng là bác sĩ ở tuyến đầu khi dịch SARS bộc phát ở Hồng Kông, bác sĩ Bành lập tức phát hiện điều gì đó không đúng khi lần đầu tiên tiếp xúc bệnh nhân ở thành phố Hoàng Cương.

Vài ngày trước, cụ thể hôm 3.1, bác sĩ Bành mới nhận được thông tin rằng kết quả giải mã trình tự gien do công ty BGI Group ở Bắc Kinh thực hiện cho thấy virus mới chia sẻ 80% số mã gien di truyền của virus gây dịch SARS.

“Vào thời điểm đó, tôi đã biết virus mới nhiều khả năng lây từ người sang người”, Tạp chí Tài Kinh dẫn lời bác sĩ Bành.

Sau khi cho bệnh nhân ở Hoàng Cương nhập viện, bác sĩ Bành gọi điện cho giám đốc bệnh viện xin lệnh siết chặt các biện pháp cách ly đối với khoa ICU.

Trùng hợp là khoa ICU vừa được nâng cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất về cách ly trong trường hợp cần khống chế dịch SARS, bao gồm việc lắp đặt hệ thống cung cấp không khí độc lập.

Trong khi một số đồng nghiệp cho rằng ông quá lo xa khi muốn tăng cường cách ly đối với khoa ICU, bác sĩ Bành kiên trì với ý kiến của mình. Và chẳng mất nhiều thời gian để chứng tỏ quyết định trên là đúng.

Một bác sĩ được phun nước khử trùng trước khi rời khỏi một khách sạn ở Vũ Hán

Ban đầu, khu cách ly có 16 giường. Và tất cả đều đầy bệnh nhân trong vòng 3 ngày sau khi bệnh nhân Hoàng Cương nhập viện.

Tính đến nay, đội ngũ gồm 150 thành viên của khoa ICU do bác sĩ Bành dẫn đầu vẫn tiếp tục cuộc chiến giằng co với dịch bệnh mới, giờ được xác định do virus Corona mới (nCoV) gây ra.

Toàn bộ các bác sĩ và y tá đều hủy bỏ kế hoạch nghỉ Tết Nguyên đán, thay phiên làm việc theo ca trong hơn 1 tháng. Vì thiếu thiết bị bảo hộ y tế, họ buộc phải ăn uống ít đi trong giờ làm việc để tránh rời khỏi khu vực cách ly và thay đồ.

Bệnh nhân nCov nằm chung với người cảm cúm

Trong số nhóm bác sĩ ngoại tỉnh đầu tiên được điều đến Vũ Hán hỗ trợ chống dịch, bác sĩ Hoàng Tiểu Bảo, trưởng khoa ICU của Bệnh viện Nhân dân Tứ Xuyên, đã đến tâm dịch vào đêm 25.1.

Bác sĩ Hoàng đã được phân đến Bệnh viện Chữ Thập Đỏ Vũ Hán vào ngày hôm sau. Và đối mặt ông là cảnh tượng khốc liệt.

Bệnh viện Chữ Thập Đỏ có diện tích nhỏ, với 400 nhân viên y tế và 300 giường bệnh. Vào ngày 22.1, bệnh viện được chính quyền Vũ Hán giao nhiệm vụ tiếp nhận các ca sốt. Sau đó là thảm họa thật sự vì hơn 700 bệnh nhân được chuyển đến mỗi ngày. Những bệnh nhân bị sốt thông thường bị trộn lẫn vào nhóm nhiễm nCoV, và con virus quái ác nhanh chóng lây nhiễm toàn bộ bệnh viện.

Cảnh tượng tại Bệnh viện Chữ Thập Đỏ vào ngày 25.1
Vào thời điểm bác sĩ Hoàng tiếp nhận quyền quản lý (26.1), khoảng 60 nhân viên y tế của bệnh viện đã được xác nhận nhiễm nCoV hoặc đang trong giai đoạn quan sát. Số nhân viên còn lại, không cần biết là khoa nào, nhanh chóng được huấn luyện gấp và chuyển sang khoa hô hấp.
Nhờ vào sự kiên trì của đội ngũ bác sĩ Hoàng, Bệnh viện Chữ Thập Đỏ đóng cửa 3 ngày để thiết lập các khu riêng biệt bao gồm khu cách ly, khu “sạch” và khu “đệm”. Các bác sĩ cũng dành thời gian này để kiểm tra toàn bộ các bệnh nhân và tách riêng nhóm nhiễm nCov và nhóm còn lại.

Cái chết trong vòng vài giờ

Trường hợp của bác sĩ Lý Văn Lượng, 34 tuổi, là minh chứng rõ ràng cho tình hình dịch bệnh có thể diễn biến xấu nhanh chóng đến mức nào.
Bác sĩ Lý là một trong những người đầu tiên cố gắng cảnh báo dịch bệnh “lạ” ở Vũ Hán. Sau đó, ông nhiễm bệnh nhưng vẫn vô cùng lạc quan. Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với tờ Tài Kinh hôm 30.1, bác sĩ Lý cho rằng mình sẽ sớm khỏe và quay lại “chiến đấu” với dịch bệnh.
Bác sĩ quá cố Lý Văn Lượng vào thời điểm vẫn còn lạc quan vào tình trạng bệnh tật của mình
Thế nhưng, đến ngày 5.2, bác sĩ Lý gửi tin nhắn cho Tạp chí Tài Kinh rằng tình trạng của ông chuyển biến xấu. Rạng sáng hôm sau, vị bác sĩ qua đời sau nỗ lực của đội ngũ y tế giành giật mạng sống của đồng nghiệp trước lưỡi hái tử thần. Họ đã thất bại.
“Mọi chuyện diễn tiến nhanh chóng từ trạng thái tốt sang xấu”, theo bác sĩ Giang Li của Bệnh viện Huyền Vũ Bắc Kinh. “Đôi khi mọi thứ thay đổi 180o trong vòng vài giờ”, bác sĩ này cho biết.
Bác sĩ Hoàng của Bệnh viện Nhân dân Tứ Xuyên cũng đề cập đến diễn biến cấp kỳ ở các bệnh nhân nhiễm virus Corona mới. Không giống trường hợp các virus cúm như H7N9 và H9N1, ban đầu thông thường gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, đa số bệnh nhân nhiễm nCoV thể hiện triệu chứng nhẹ vào giai đoạn đầu, nhưng có thể nhanh chóng chuyển biến xấu sau một mốc thời điểm nào đó, bác sĩ Hoàng ghi nhận.
Một trung tâm triển lãm tranh biến thành bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán
Còn Bác sĩ Bành cho hay ở các ca nCoV, thường phải mất 3 tuần kể từ khi xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi sang tình trạng nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong.
“Người có hệ miễn dịch và sức đề kháng mạnh nhiều khả năng hồi phục sau 2 tuần, nhưng nhóm những người lớn tuổi và đã có bệnh lý có thể rơi vào tình trạng suy hô hấp và kéo theo những cơ quan khác của cơ thể”, bác sĩ Bành nhấn mạnh. “Tuần thứ hai là bước ngoặt đối với các bệnh nhân”.
Trong số các bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng nhẹ, 15-20% dường như tệ hơn trong tuần thứ hai. Và đối với nhóm chuyển biến xấu, tuần thứ ba là giai đoạn sống chết, theo quan sát của các bác sĩ Trung Quốc ở tuyến đầu chống dịch.
Việc trì hoãn trị liệu khiến nhiều bệnh nhân nCoV ban đầu chỉ thể hiện các triệu chứng sốt nhẹ đứng trước nguy cơ chuyển sang diễn biến xấu và mất đi cơ hội tốt nhất để hồi phục. Đây cũng được cho là lý do khiến số tử vong tại Vũ Hán đang ở mức cao nhất nhì trên toàn Trung Quốc.
Các bác sĩ ICU chiến đấu gian khổ để giành giật bệnh nhân từ tay tử thần, nhưng đó là biện pháp cuối cùng. Bác sĩ Giang cho rằng cách ngăn chặn dịch bệnh lây lan hiệu quả nhất là kiểm soát nguồn mang nCoV, cắt đứt các con đường truyền bệnh và bảo vệ những nhóm có nguy cơ cao.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích