"Sau đó, đến đầu năm 2021, chúng tôi kỳ vọng hàng trăm triệu liều khác được đưa vào sử dụng", Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID, nói.
Mỹ bắt đầu công đoạn sản xuất trước khi biết chắc liệu vaccine có tác dụng trên người hay không. Nếu kết quả nghiên cứu cho thấy sản phẩm an toàn và hiệu quả, quá trình phân phối sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.
Mô hình này áp dụng cho vaccine của Moderna, "ứng viên" đầu tiên được chấp thuận thử nghiệm trên người. Giai đoạn thử nghiệm trên người tiếp theo diễn ra vào khoảng tháng 7, với sự tham gia của 30.000 tình nguyện viên, gồm người từ 18 đến 55 tuổi và những người già có bệnh nền.
Dự án phát triển vaccine của AstraZeneca tại Anh cũng tuân thủ lịch trình tương tự.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID). Ảnh: AP |
"Tôi lạc quan một cách thận trọng, rằng với nhiều ‘ứng viên’ được điều chế dựa trên các kỹ thuật khác nhau, chúng ta sẽ có được vaccine khả thi", tiến sĩ Fauci nói. Ông cho biết dù số người chết vì Covid-19 ở mức cao, phần lớn bệnh nhân đã hồi phục, cho thấy phản ứng miễn dịch tự nhiên đủ khả năng loại bỏ virus.
Các nhân viên y tế và những người dễ mắc Covid-19 như người già, tiền sử tiểu đường, cao huyết áp hoặc béo phì, có thể được ưu tiên trong các chương trình tiêm chủng.
Ban đầu, khi nguồn cung còn hạn chế, việc phân phối sẽ do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng các đơn vị trực thuộc chính phủ chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, hoạt động này được chuyển giao cho các hãng dược khi vaccine đã sản xuất đại trà.
Tuy nhiên, tiến sĩ Fauci cảnh báo hiện chưa rõ kháng thể sản sinh từ vaccine sẽ kéo dài bao lâu, có thể người dân cần tiêm nhắc lại.
"Khả năng là một năm, hai năm, thậm chí tệ hơn, 6 tháng", ông nói.
Nếu vaccine chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, các hãng dược và quan chức y tế đối mặt với thách thức lớn trong việc duy trì nguồn cung liên tục.
Cuộc chạy đua để tìm ra phương pháp ngăn ngừa, điều trị Covid-19 vẫn đang sôi động. WHO từng cảnh báo có thể cần nhiều hơn một loại vaccine để đẩy lùi hoàn toàn căn bệnh.
"Điều chúng ta nên tránh nghĩ tới là khái niệm ‘viên đạn bạc’ - chỉ một giải pháp có thể xử lý toàn bộ tình hình. Cần kết hợp nhiều phương án mới đủ để ứng phó đại dịch", tiến sĩ David Reese, phó chủ tịch công ty công nghệ sinh học Amgen, nhận định.
Theo VNE