18h30 ngày 15/6, đại tá Santosh Babu dẫn đầu 20 binh sĩ dưới quyền trong tiểu đoàn Bihar 16 thuộc lục quân Ấn Độ, lên đường tuần tra và thực hiện một nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản, đó là kiểm tra xem lính Trung Quốc rút khỏi khu vực biên giới tranh chấp hay chưa.
Trước đó, đại tá Babu được thông báo rằng căng thẳng kéo dài nhiều tháng qua giữa Ấn Độ và Trung Quốc quanh Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Đông Ladakh đang sắp kết thúc, khi chỉ huy cấp cao quân đội hai nước ngày 7/6 đồng ý xuống thang căng thẳng và lính Trung Quốc sẽ rút khỏi các khu vực bên trong lãnh thổ Ấn Độ.
Đội tuần tra của Babu có nhiệm vụ đảm bảo hai lều bạt binh sĩ Trung Quốc dựng tại thung lũng Galwan được dỡ theo thỏa thuận đã nhất trí.
Hai lều bạt này được lính Trung Quốc dựng lên tại vị trí có tên "Giao lộ chữ Y", nằm cách Mốc tuần tra số 14 (PP-14) ở đường kiểm soát khoảng một km. Dưới chân núi, cách đó 9 km là một căn cứ của lục quân Ấn Độ. Vị trí của hai lều bạt cho thấy binh sĩ Trung Quốc đã vượt qua LAC và hạ trại trên lãnh thổ Ấn Độ.
Đại tá Bikkumalla Santosh Babu, chỉ huy tiển đoàn Bihar 16, thiệt mạng trong vụ ẩu đả đêm 15/6 ở biên giới Ấn-Trung. Ảnh: ANI.
Khi dẫn lính đến Giao lộ chữ Y, đại tá Babu phát hiện ra rằng phía Trung Quốc vẫn chưa chịu dỡ lều như thỏa thuận. Ông cùng các binh sĩ trong đội tuần tra tiếp cận, yêu cầu lính Trung Quốc thi hành cam kết.
Tuy nhiên, thỏa thuận vốn được nhất trí để giảm căng thẳng này lại châm ngòi cho tranh cãi kịch liệt giữa binh sĩ hai bên. Lính Ấn - Trung khi tuần tra ở biên giới đều mang theo súng, nhưng phải đeo sau lưng và không sử dụng theo cam kết không nổ súng trong phạm vi 2km tại LAC được ký năm 1996.
Trong lúc hai bên cự cãi, một lính Trung Quốc bất ngờ tung cú đấm hạ gục đại tá Babu. Chứng kiến chỉ huy bị tấn công, đội tuần tra Ấn Độ nổi giận, phản công và khống chế ít nhất 6 binh sĩ Trung Quốc, các quan chức Ấn Độ cho biết.
Đại tá Babu bị thương, nhưng ra lệnh cho binh sĩ không tiếp tục tấn công. Các binh sĩ Trung Quốc còn lại rút về phía bên kia LAC và lính Ấn Độ bắt đầu phá dỡ hai lều bạt.
Hai tiếng rưỡi sau, đông đảo lính Trung Quốc quay lại PP-14. Các nguồn tin cho biết khoảng 300 binh sĩ Trung Quốc mặc đồ chống bạo động, nhặt sẵn đá khi đi xuống triền núi. "Hành động này không phải bột phát. Họ đã chuẩn bị đầy đủ cho cuộc tấn công", một quan chức Ấn Độ nói.
Đại tá Babu gửi điện về căn cứ xin thêm tiếp viện và 40 binh sĩ nhanh chóng được điều lên vị trí hỗ trợ đội tuần tra của ông.
Những gì diễn ra trong suốt 5 giờ sau đó được một người lính Ấn Độ mô tả là "không chỉ bất chính, mà còn man rợ và trái ngược với những gì bất cứ quân đội chuyên nghiệp nào trên thế giới thực hiện".
Để né lệnh cấm sử dụng súng, lính Trung Quốc mang theo vũ khí thô sơ, như gạch đá, gậy sắt hàn đinh và gậy quấn dây thép gai để tấn công binh sĩ Ấn Độ. Hình ảnh những cây gậy sắt hàn đinh tua tủa được đăng trên mạng xã hội sau đó đã khiến dư luận Ấn Độ, cho rằng lính Trung Quốc "không khác gì những kẻ côn đồ".
Ẩu đả chỉ thực sự bùng nổ dữ dội khi lính Trung Quốc dùng gậy giáng vào đầu đại tá Babu. Bị tấn công trong bóng đêm, sĩ quan chỉ huy đội tuần tra Ấn Độ rơi thẳng xuống vách đá sâu ít nhất 6 mét và tử vong. Một số nhân chứng cho biết đại tá Babu bị lính Trung Quốc xô xuống vực.
Binh sĩ Ấn Độ (quân phục xanh đậm) và Trung Quốc (quân phục nâu vàng) diễn tập cứu hộ cứu nạn ở vùng Chushui-Moldo, khu vực Ládakh, tháng 2/2016. Ảnh: PTI.
Với binh sĩ lục quân Ấn Độ, lòng trung thành với tiểu đoàn (paltan) là điều quan trọng nhất. Trong chiến trận, danh dự của tiểu đoàn thậm chí còn được đặt lên trên tình yêu với đất nước.
Chứng kiến tiểu đoàn trưởng Babu ngã xuống vực, các binh sĩ Ấn Độ trở nên cuồng nộ. Họ lao vào tấn công đáp trả, dù bị áp đảo hoàn toàn về lực lượng. Sau khi những người bị thương phải rút về căn cứ và một vài người được cử leo xuống vách đá tìm thi thể đại tá Babu, họ chỉ còn khoảng 30 binh sĩ, đối mặt với khoảng 250 lính Trung Quốc trong trận chiến đẫm máu bằng nắm đấm và vũ khí thô sơ.
Hai bên tiếp tục điều quân tăng viện đến điểm nóng. Một số nguồn tin cho hay khoảng 200 lính Ấn Độ đã phải chiến đấu với gần 500 lính Trung Quốc.
Trong thời tiết âm độ, cuộc ẩu đả dữ dội khiến đá bật ra khỏi sườn núi và mặt đất trở nên trơn trượt, khiến vài binh sĩ Ấn Độ ngã xuống sông Galwan bên dưới. Lục quân Ấn Độ xác nhận ít nhất 20 lính thiệt mạng trong đêm đó.
Nhân lúc hỗn loạn, 6 lính Trung Quốc bị Ấn Độ bắt trước đó trốn thoát. Cả hai bên đều không chụp được ảnh hay quay video trận ẩu đả trong đêm tối. Không một phát súng nào vang lên do thỏa thuận trước đó, và cũng bởi binh sĩ hai nước chiến đấu giáp lá cà, khiến những người tham chiến không dám nổ súng vì sợ bắn nhầm đồng đội.
Các nguồn tin Ấn Độ cho biết 12 binh sĩ Trung Quốc, trong đó có một chỉ huy tiểu đoàn, chết trong vụ ẩu đả. Trung Quốc xác nhận có thương vong trong vụ đụng độ, song không công bố chi tiết số người bị thương hay thiệt mạng cùng danh tính của họ.
Tới nửa đêm, khi các chỉ huy cấp cao của Trung Quốc và Ấn Độ liên lạc với nhau qua đường dây nóng, vụ ẩu đả kết thúc. Lính Trung Quốc đưa theo 10 binh sĩ Ấn Độ khi rút đi, họ được thả sau 60 giờ đàm phán. Trực thăng Trung Quốc sáng sớm 16/5 hạ cánh xuống khu vực nước này kiểm soát quanh PP-14 hai lần và khu vực giao cắt chữ Y một lần để đưa thương binh cùng tử sĩ về.
"Chỉ trong một đêm, Trung Quốc đã đạp đổ quan hệ với Ấn Độ bằng những hành động đi ngược lại quy tắc giao chiến của mình", Barkha Dutt, phóng viên Washington Post thường trú ở New Delhi, viết. "Một cơn thịnh nộ chưa từng có đã nổ ra ở Ấn Độ".
Quan chức quân đội cấp cao hai nước hôm 22/6 gặp mặt và nhất trí rút lính khỏi khu vực tranh chấp Ladakh ở phía Tây dãy Himalaya để giảm căng thẳng, tránh nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa hai cường quốc châu Á sở hữu vũ khí hạt nhân.
Vị trí binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ẩu đả chết người tối 15/6. Đồ họa: Telegraph.