"Thật lố bịch, đừng có làm như vậy", Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng lên Twitter hôm 22/6, một ngày sau khi Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York tuyên bố dỡ tượng cựu Tổng thống Theodore Roosevelt.
Bức tượng khắc họa hình ảnh Theodore Roosevelt, Tổng thống thứ 26 của Mỹ, cưỡi ngựa, đi bộ theo sau là một người đàn ông da đỏ bản địa và một người đàn ông gốc Phi. Bức tượng hiện được đặt ở ngay lối ra vào trước Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở thành phố New York.
Roosevelt, một thành viên của đảng Cộng hòa, là Tổng thống Mỹ từ năm 1901 đến năm 1909. Được biết đến với phong thái cởi mở và táo bạo, ông đã thực hiện chính sách đối nội cải cách có tên "Square Deal", mang lại công bằng cho người thu nhập thấp và phá vỡ thế độc quyền thương mại. Về đối ngoại, ông được cho là luôn "phô diễn" sức mạnh của hải quân Mỹ khắp thế giới.
Tượng cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt bên ngoài Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York bị phun sơn đỏ hồi tháng 10/2017. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cho rằng bức tượng của Roosevelt tượng trưng cho sự phân biệt chủng tộc và bành trướng thuộc địa. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên New York quyết định dỡ tượng của ông trong bối cảnh biểu tình đang lan khắp nước Mỹ và các bức tượng lịch sử gây tranh cãi luôn bị nhắm mục tiêu phá hoại.
"Nói một cách đơn giản, đã đến lúc để di chuyển nó", chủ tịch bảo tàng Ellen Futter nói với tờ New York Times hôm 21/6.
Thị trưởng New York Bill de Blasio cùng ngày cũng tuyên bố thành phố ủng hộ quyết định dỡ tượng Roosevelt của bảo tàng vì nó mô tả người da đen và người bản địa kém cỏi, dễ bị khuất phục.
Trump nhiều lần lên tiếng chỉ trích các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, nói rằng những người biểu tình đã cư xử tồi tệ. Ông cáo buộc đám đông đang cố gắng phá hoại lịch sử và mạo phạm di tích.
Biểu tình chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd đã lan khắp nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Người biểu tình liên tục đòi dỡ bỏ và đập phá những bức tượng lịch sử gây tranh cãi như tượng nhà buôn nô lệ ở Anh, tượng người tìm ra châu Mỹ Christopher Columbus.
Theo VNE